02/03/2020 07:30 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tờ lịch cuối cùng của tháng 2 đã rơi xuống, chúng ta bước vào những ngày đầu tiên của tháng 3, tháng cuối cùng của quý I/2020.
Tháng 3 qua những câu thơ của tác giả Thân Như Thơ, khi đọc lên chúng ta thấy cuộc sống rất sôi động: “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật/ mùa con voi xuống sông hút nước/ mùa em đi phát rẫy làm nương/ anh vào rừng đặt bẫy cài chông...”. Nhưng đấy là tháng 3 của người dân Tây Nguyên những năm nửa cuối của thế kỷ trước…
Thực tế, tháng 3 năm nay có nhiều khác biệt. Ngoài chuyện 2 tháng đầu năm rơi vào dịp Tết Nguyên đán, rồi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, năm nay lại còn có dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo nguy cơ lây lan của “virus trì trệ”... Vì những lẽ đó, cho nên nếu chúng ta muốn đạt các mục tiêu quý 1 thì chỉ còn đặt kỳ vọng vào tháng 3.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, một số ngành sản xuất, dịch vụ nước ta gặp khó khăn, nhất là du lịch. Lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 2/2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 1,24 triệu lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại dịch bệnh COVID -19 lây lan.
Ngay cả các hoạt động thường nhật của người dân tại các gia đình cũng bị xáo trộn đáng kể do học sinh phải nghỉ ở nhà. Căn cứ theo diến biến của dịch bệnh, tuần đầu tiên của tháng Ba này học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục phải nghỉ học.
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn cả. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh thì đồng thời cũng phải tìm giải pháp tốt cho sản xuất và kinh doanh. Nhìn nhận tích cực, chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội để thay đổi. Phân tích về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã cho rằng: “Dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư… Hơn thế, nếu chúng ta có vùng nguyên liệu đủ lớn, chúng ta có thể tận dụng thời cơ… để giành lấy một phần thị trường trên thế giới”.
Ông cũng phân tích thêm là ở góc độ nào đó thì đây cũng là thời điểm chúng ta có cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng làm ra những mặt hàng thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn bị cạnh tranh gay gắt về giá rẻ hoặc là có thể “giải cứu” những nông sản không xuất khẩu đi được.
Chuỗi hệ thống bánh ABC của đầu bếp Kao Siêu Lực là một ví dụ. Họ đã cho ra mắt món “bánh mì thanh long” khiến nhiều người thích thú, giúp tiêu thụ được hàng trăm tấn thanh long không thể xuất được sang Trung Quốc. Hay như trong công nghệ sản xuất mực in, một người bạn tôi có doanh nghiệp tư nhân dịp này tranh thủ mở rộng sản xuất, tuyển thêm nhân viên vào làm việc. Với anh, đó cũng là cơ hội.
Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã linh hoạt trong kinh doanh như đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tận nơi hoặc khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng. Với những người nuôi trồng mặt hàng nông sản, trái cây, thời điểm này cần đánh giá lại chất lượng sản phẩm và cần thay đổi cách nhìn để chủ động được đầu ra sao cho không phải trông chờ vào “giải cứu”. Thực tế, thị trường trong nước cũng rất tiềm năng, nhiều hệ thống siêu thị vẫn có nhu cầu nhập hàng, nhưng yêu cầu phải đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn và chất lượng đúng cam kết. Đó là những việc cần làm.
Tháng 3 cũng vừa bắt đầu. Việt Nam chúng ta đang được WHO đánh giá rất cao về khả năng ứng phó với bệnh dịch. Điều này mang lại niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến làm ăn, kinh doanh. Luôn giữ được tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng “…Tháng 3 trời trong xanh như suối ngàn/ Cho em múa hát cho anh đánh chiêng…” sẽ trở thành hiện thực.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất