04/11/2019 07:02 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tiết trời dần bước vào những ngày lập Đông cộng thêm những cơn mưa nhỏ càng làm cho cái lạnh đến sớm hơn. Tại nhiều tuyến phố ở thủ đô Hà Nội, cũng như ở một số thành phố khác, bên cạnh những shop thời trang, những cửa hàng đồ hiệu sang trọng, đã thấy xuất hiện nhiều “tủ quần áo 0 đồng” với phương châm: “Ai thiếu đến lấy, ai thừa đến cho”.
Được lập nên bởi những nhóm từ thiện, những chiếc tủ quần áo này được thiết kế khá đẹp mắt, phân chia thành từng ngăn đựng: đồ của nam giới, của nữ giới, của trẻ em với đủ loại váy, áo, quần, giày dép... Tất cả đều được gấp cẩn thận, với đủ kích cỡ, màu sắc dành cho mọi lứa tuổi.
Gọi là quần áo từ thiện nhưng rất nhiều bộ còn mới, được giặt là phẳng phiu, xếp ngay ngắn, phân thành từng loại để mọi người dễ dàng lựa chọn.
Vào mỗi dịp cuối tuần, rất nhiều người dân tìm đến những địa chỉ này để cho quần áo. Các tủ quần áo từ thiện cứ vơi đi rồi lại đầy lên bởi những tấm lòng luôn chan chứa yêu thương.
Chia sẻ quần áo cũ không phải là chuyện mới. Đối với thế hệ chúng tôi trước đây, việc giữ lại cái áo hay cái quần của các anh/chị mặc đã chật nhưng mà vẫn còn tốt cho các em là việc rất bình thường trong các gia đình đông con trong điều kiện thiếu thốn. Khi ấy, việc mua được mảnh vải đẹp để may quần áo mới vào những dịp sát Tết hay là sắm cái áo rét mùa Đông cho tất cả các thành viên trong gia đình là cực khó. Mặc dù chỉ bó hẹp trong phạm vi họ hàng thân thích nhưng đó cũng là những san sẻ, giúp đỡ hỗ trợ khó khăn trong cuộc sống. Nhiều gia đình công nhân trên thành phố cứ đến tiết lập Đông là lại khăn gói đem quần áo cũ về quê chia cho con cháu họ hàng.
Tôi cũng chưa tìm hiểu cụ thể xem những cái “tủ áo 0 đồng” này xuất hiện từ khi nào, và bắt đầu từ đâu? Nhưng rõ ràng, cứ đến hẹn lại lên, những tủ quần áo này xuất hiện ngày một nhiều hơn tại các tuyến phố. Quả thật, đây là những việc làm văn minh, cần được ủng hộ và nhân rộng, rất đáng trân trọng.
Lại nhớ, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi mà ngân khố quốc gia còn khó khăn, điều kiện quân trang cho bộ đội còn eo hẹp, phong trào “Mùa Đông binh sỹ” đã được phát động mà nội dung chính của nó là các mẹ và các chị tổ chức quyên góp vải, may áo trấn thủ hoặc là mua len đan áo, tặng cho các chiến sỹ trong mùa Đông giá rét. Để ca ngợi cổ vũ phong trào này, cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc “Áo mùa đông” với những câu hát mở đầu: “Gió bấc heo may, xào xạc rung cây lá lá bay/ Một mùa Đông bao người đan áo…”
***
Trở lại chuyện ngày nay. Bên cạnh những tấm lòng hảo tâm và sự chăm chút của các nhóm từ thiện có lẽ cũng cần phải bàn thêm về chuyện “cho và nhận” quanh một vài tủ áo từ thiện.
Tôi có đọc được chia sẻ của một nhóm tình nguyện trên đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội vào mùa trước. Nhóm này tan rã vì có những người đến gom quần áo từ thiện để đem đi… bán tại các khu vực khác. Một thành viên của nhóm kể rằng có dịp sát Tết, nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa, tiện tay vứt tất cả những túi đồ rách nát, kèm theo cả đồ lót cũ bẩn, ra khu vực các chị làm từ thiện. Rồi cảnh hàng chục người vào tranh lấy đồ, người bới ra, kẻ bới vào, rất lộn xộn không thể kiểm soát.
Đừng để “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Một mùa Đông bao người cho áo, nhưng để cho những “tủ áo 0 đồng” phát huy được hiệu quả, có lẽ cũng cần phải có thêm những nhắc nhở, hướng dẫn để cả “người cho” và “người nhận” đều hiểu được ý nghĩa của việc cho và nhận này.
Để có được những mùa Đông không lạnh giá cần rất nhiều công sức không chỉ của một vài cá nhân mà là cả cộng đồng.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất