07/08/2023 16:42 GMT+7 | Văn hoá
Khi gặp Nguyễn Minh Nghĩa, chàng trai người Tày - sinh ra ở vùng núi Thông Nông, tỉnh Cao Bằng - tôi có cảm giác như Nghĩa đã trải qua tuổi 18 của mình từ rất lâu rồi, chứ không phải chỉ vừa mới đây thôi. Bởi lẽ, ở tuổi của mình, Nghĩa đã có trong tay một dự án nghệ thuật cá nhân dài hơi, đầy ý nghĩa với âm nhạc của dân tộc mình.
Dự án có tên là Đất hát, làm chung với đạo diễn Hoàng Minh Phi, sẽ gồm nhiều mùa, mỗi mùa 5 - 7 tập ngắn, đi các nơi để hát ca khúc vùng miền, kết hợp giới thiệu âm nhạc truyền thống của người Tày.
Tuổi nhỏ lấy gậy làm đàn tính
Từ lúc bé, Nghĩa đã đòi mẹ đi chợ mua những đĩa nhạc của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, trong đó là những bài bản đàn tính, những điệu hát quê hương. Nghĩa còn nhớ, khi đó, cậu đã lấy một cái gậy dài và bắt chước biểu diễn theo đĩa. Cho đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ đến hình ảnh cậu bé ôm gậy giả làm đàn tính.
Nghĩa lớn lên cùng với làn điệu then, nhưng nghiêm túc học đàn tính thì chỉ mới đây thôi. Chừng 1 - 2 năm trước, trong lúc dịch bệnh, có nhiều thời gian, cậu mới thực sự tìm hiểu. Càng tìm hiểu càng thấy nhiều điều mới mẻ. Vậy là quyết định tìm thầy để học. Nghĩa đã may mắn được gặp NSƯT Hoàng Kim Tuế.
Đêm trước buổi học đầu tiên, Nghĩa không ngủ được. Rồi ngay trong ngày đầu tiên học đàn, chỉ qua 2 buổi tập, Nghĩa đã đánh được căn bản. Mọi người đều chia sẻ là học đàn tính rất khó, có nhiều người học mãi cũng không đàn được. Vậy mà Nghĩa lại nhập tâm rất nhanh.
Đến giờ khi đã đàn uyển chuyển hơn, Nghĩa vẫn thấy mình thực sự có duyên nợ với đàn tính, với điệu then của quê nhà. Có lẽ thế mà con đường đi cứ như có ai sắp đặt, thuận lợi và nhiều niềm vui.
Con đường mà Nghĩa nói đến, không chỉ là theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mà còn là hành trình quay Đất hát.
Nghĩa chia sẻ: "Khi học trong môi trường âm nhạc, tôi khá mông lung trong việc định hướng dòng nhạc để theo đuổi. Nhưng sau một vài trải nghiệm và nhận được những lời khuyên của các bậc tiền bối, thì tôi thấy mình thực sự yêu thích và muốn hát dòng nhạc dân ca, nhạc quê hương với phong cách thật nhẹ nhàng. Thế rồi một cuộc gặp định mệnh đã đưa tôi đến với hành trình Đất hát".
Đó là cuộc gặp giữa Minh Nghĩa và đạo diễn Hoàng Minh Phi, một nhà làm phim độc lập, một ca sĩ, diễn viên tự do nhiều năm theo đuổi dự án làm phim Trái tim người mẹ về những bà mẹ đơn thân. Họ đã cùng chia sẻ về đam mê của mình với cây đàn tính, với âm nhạc dân tộc, nên quyết định cùng thực hiện Đất hát. Hành trình này còn bao gồm cả quảng bá du lịch, văn hóa và con người các vùng miền.
Cùng đàn tính về miền Tây ca vọng cổ
Ai cũng nghĩ, với tình yêu tha thiết dành cho hát then, đàn tính, Nghĩa sẽ bắt đầu Đất hát tại quê nhà. Nhưng không! Nghĩa chọn miền Tây Nam bộ là điểm đến đầu tiên.
Chàng trai Tày lần đầu tiên đặt chân tới miền đất phù sa, đã rưng rưng bao cảm xúc, vừa xa lạ vừa như đã thân quen từ lâu.
"Tôi được nghe âm nhạc miền Tây Nam bộ từ khi còn bé. Mẹ đã nghe dân ca Nam Bộ rất nhiều, đã học theo để hát ru tôi. Rồi sau đó, tôi lại gặp anh Hoàng Minh Phi, một người con của đất phương Nam, nên 2 anh em đã thống nhất sẽ bắt đầu từ xứ này" - Nghĩa nhớ lại.
Còn với Hoàng Minh Phi thì: "Ngay lần đầu nghe Nghĩa hát Dạ cổ hoài lang, tôi đã vô cùng bất ngờ. Dường như Nghĩa có sẵn một tố chất bẩm sinh nào đó với âm nhạc miền Tây. Thế là tôi nghĩ ngay rằng Đất hát nên bắt đầu từ miền Tây. Nghĩa còn trẻ, nhưng cách nghĩ, cách nói chẳng khác gì một ông cụ non, vậy thì hãy để "ông cụ non ấy" thấu cảm và chia sẻ âm nhạc của những người dân xứ miệt vườn. Việc bắt đầu với những điệu lý, câu hò và nhất là đờn ca tài tử sẽ lột tả Nghĩa ở góc độ khác. Một chàng trai Tày hát nhạc miền Tây Nam bộ, rồi có thể hát âm nhạc của nhiều vùng miền khác nữa, để cuối cùng quay về với nguồn cội, với quê mẹ thì sẽ thú vị hơn".
Mùa đầu tiên của Đất hát có tên Phù sa đợi, đã ra mắt khán giả vào giữa năm 2022. Ở đó, Minh Nghĩa đã trở thành một chàng trai miệt vườn, hát Hành trình trên đất phù sa, Lý cái mơn, Lý chiều chiều, Giăng câu, Phải lòng con gái Bến Tre, Hoàng hôn màu tím, Sa mưa giông, Gió đưa bông sậy, Bông bí vàng...
Đồng hành với Nghĩa trong Phù sa đợi là những nghệ sĩ khiếm thị của gánh hát Từ tâm. Với kỹ thuật thanh nhạc được đào tạo bài bản, cộng với sự chân tình, giản dị trong cách hát, cách kể câu chuyện, Nghĩa và gánh hát Từ tâm đã chiếm được cảm tình từ những khán giả của mình.
Sau khi kết thúc mùa 1, Minh Nghĩa và ê-kíp đã ghi hình mùa 2 tại Đà Lạt, hiện đang trong quá trình hậu kỳ, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2023. Xen kẽ các mùa chính của Đất hát sẽ là các Mini đất hát, gồm những clip chia sẻ về hành trình cùng cây đàn tính đến khắp mọi miền… Nghĩa xem cây đàn tính như người bạn đồng hành, nên thi thoảng cùng đàn cất tiếng ở vùng đất mới.
"Một chàng trai Tày hát nhạc miền Tây Nam bộ, rồi có thể hát âm nhạc của nhiều vùng miền khác nữa, để cuối cùng quay về với nguồn cội, với quê mẹ thì sẽ thú vị hơn" - đạo diễn Hoàng Minh Phi.
Mang dân ca 3 miền trở về Thông Nông
Sau mỗi chuyến đi, Minh Nghĩa đều quay trở lại Thông Nông, miền núi rừng địa đầu tổ quốc, nơi chưa có trung tâm thương mại, chưa có rạp chiếu phim, cũng chưa có những chương trình nghệ thuật lớn. Nên Minh Nghĩa càng ấp ủ về chuyện sẽ mang những điều thú vị về quê hương mình.
Ở dự án Đất hát, công ty gia đình là nhà tài trợ chính, nơi không đòi hỏi bất kỳ một quyền lợi nào, cũng không cần gắn logo. Thế nhưng, với Minh Nghĩa, để đi được xa hơn, bền bơn với âm nhạc dân tộc, nhất là để lan tỏa được những cái hay cái đẹp của âm nhạc dân tộc Tày, thì không chỉ trông chờ vào các nhà tài trợ.
Trong quá trình thực hiện Đất hát, khi tới các vùng quê, Minh Nghĩa đã dành thời gian để tìm hiểu về văn hóa, các sản vật, các nghề thủ công… để có thể kết nối với quê hương Cao Bằng. Muốn giúp tạo thêm những kênh phân phối sản phẩm, giúp bà con nông dân ở các vùng miền thêm thu nhập. Đây cũng là một cách để Minh Nghĩa có thêm nguồn kinh phí duy trì các hoạt động của mình.
"Những việc ấy dù nhỏ thôi, nhưng làm tăng thêm ý nghĩa gián tiếp cho âm nhạc, giúp gắn kết cộng đồng. Từ những giỏ mây tre đan của bà con ở Cao Bằng cho tới gốm Lái Thiêu ở Bình Dương đều có thể kết nối, nếu có nhịp cầu phù hợp" - Nghĩa chia sẻ .
Xây dựng một ngôi nhà nho nhỏ ở Thông Nông, Nghĩa muốn đây sẽ là nơi để thực hiện các dự án Đất hát với cây đàn tính, với điệu hát then theo một cách mới mẻ, hiện đại hơn. Đây cũng sẽ là nơi thực hiện các chương trình âm nhạc dân tộc để chính người dân Thông Nông được nghe đờn ca tài tử, được nghe ca Huế, được đến với những làn điệu dân ca khắp mọi miền đất nước. Đây cũng sẽ là nơi đón những nhóm nhỏ du khách đến và trải nghiệm cùng cuộc sống, văn hóa, âm nhạc miền sơn cước.
Với Nghĩa, âm nhạc không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm. "Tôi muốn đưa âm nhạc dân tộc của quê hương đến với nhiều người bằng hình ảnh mới mẻ, trẻ trung và gần gũi nhất" - Nghĩa khẳng định lại - "Nhưng hơn hết, tôi cũng muốn đưa âm nhạc của các dân tộc khác về quê hương mình để nhiều người có thể được tiếp cận, chia sẻ. Chính sự giao lưu sẽ giúp âm nhạc dân tộc thêm sức sống mới".
Tuổi trẻ đang đi, con đường đang chọn, khó khăn còn thật nhiều phía trước, nhưng Minh Nghĩa đã nhìn về phía ấy với đầy hăm hở, lẫn sự biết ơn. Có lẽ, dòng chảy của âm nhạc dân tộc nói chung và những làn điệu dân ca Tày nói riêng sẽ được những người trẻ như Minh Nghĩa nối dòng mà thênh thang chảy mãi.
Quê hương của điệu lượn "Nàng ới"
Nguyễn Minh Nghĩa tốt nghiệp thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2022. Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng chàng trai này từ nhỏ đã yêu văn nghệ, thích ca hát. Vùng đất Thông Nông, tỉnh Cao Bằng là cái nôi của đàn tính, hát then, của điệu lượn Nàng ới… Minh Nghĩa kể: "Tôi đã lớn lên cùng những làn điệu của quê hương mình".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất