Phẫu thuật thẩm mỹ ở Thái Lan: Những cô nàng chết vì “bơm vá”

30/10/2012 10:21 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Họ xinh đẹp, ăn mặc hợp mốt, có thu nhập rất cao và ở Thái Lan, họ được gọi là những "cô nàng xinh đẹp" - một cái tên mỹ miều cho các cô gái làm nghề tiếp thị sản phẩm. Thế nhưng đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của họ là những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, bơm vá chỉnh sửa nhan sắc, đánh đu với sức khỏe và thậm chí là mạng sống của bản thân.

Đầu tháng này Athitiya Eiamyai, 33 tuổi, một người có thâm niên làm nghề tiếp thị sản phẩm, đã qua đời sau thời gian hôn mê sâu tại một bệnh viện ở Bangkok.

Cái chết của một người đẹp

Athitiya, biệt danh "Kratae" (Con thỏ), đã gặp nạn sau một ca tiêm độn mông diễn ra không thành công. Điều đáng buồn là cô đi chỉnh sửa nhan sắc để đẹp hơn, dù bản thân đã rất xinh đẹp.

Thực tế, công việc của Kratae yêu cầu cô phải luôn xinh đẹp. Kratae đã làm nghề tiếp thị sản phẩm trong hơn 1 thập kỷ qua. Ở cái tuổi của Kratae, nhiều cô nàng xinh đẹp đã bắt đầu tìm hướng khác cho cuộc đời. Nhưng với cô, việc từ bỏ công việc có thù lao tới 100 USD/ngày không phải là lựa chọn dễ dàng. Cô có cha mẹ và các đứa em đang sống dựa vào số tiền mình kiếm được, và cô đã tuyên bố sẽ chống sự lão hóa tới cùng.

Trong 5 năm gần đây, Kratae đã đổ hàng ngàn đô la vào việc thay đổi ngoại hình. Da của cô được tẩy trắng, mũi cô được chỉnh cho thẳng lên, hàm được thu hẹp lại, ngực được nâng lên. Nhưng theo đồng nghiệp Pim Saisanard, Kratae vẫn không hài lòng với bản thân.

"Kratae thường nói rằng nếu bạn muốn trở thành một người phụ nữ đẹp, bạn phải chịu được nỗi đau. Cô ấy muốn có phần hông lớn hơn để phù hợp với bộ ngực lớn của mình. Và cô ấy nói rằng sự chỉnh sửa đó sẽ khiến cô ấy hoàn hảo" - Saisanard nhớ lại.

Thế nhưng, màn chỉnh sửa cuối đã khiến Kratae mất mạng.
Nạn nhân Athitiya Eiamyai trong thời gian được điều trị tích cực tại Bangkok, sau khi rơi vào hôn mê sâu vì phẫu thuật thẩm mỹ

Đua nhau bơm vá bản thân

Cái chết của cô phần nào cho thấy cơn sốt làm đẹp ở Thái Lan và tác động tiêu cực mà nó mang lại. Theo trang Asian Correspondent.com, nhiều cô gái trẻ ở Thái Lan đã thường xuyên đối diện với áp lực văn hóa, xã hội và thương mại trong việc làm đẹp. Nhưng áp lực đặc biệt lớn là với các cô gái trẻ trong lĩnh vực tiếp thị sản phẩm. Hai "cô nàng xinh đẹp" biệt danh Yim (Nụ cười) và Pla (Con cá), từng cho trang tin Matichon biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng: "Chẳng có ai muốn một cô gái với da tối màu giới thiệu sản phẩm của họ. Thay vì thế, họ muốn các cô gái thật bắt mắt, các cô gái với những tiêu chuẩn cố định như da trắng, cao 1m70, vòng ngực cỡ lớn”.

Một cô khác có biệt danh "Stop" cho Matichon biết rằng trong 10 năm qua, phẫu thuật và chỉnh sửa thẩm mỹ đã trở thành gần như một cuộc ganh đua ngầm giữa các cô gái trong nghề. Stop kể rằng khi mới vào nghề 10 năm trước đây, phần lớn các cô gái đều đẹp tự nhiên và họ chỉ chỉnh sửa lại phần mũi. Nhưng với sự tiến bộ nhanh về y học, các cô gái ở thế hệ trẻ cảm thấy rằng họ sẽ có thể trở nên xinh đẹp nhanh hơn và dễ hơn nhiều so với đàn chị, dĩ nhiên là nhờ dao kéo.

Theo Stop, trước kia các cô gái chỉ làm mũi, mắt và thi thoảng mới nâng ngực. Nhưng những việc này nay đã trở thành bình thường. Hiện các cô gái còn phẫu thuật chỉnh sửa xương gò má, tỉa môi... Họ còn tiêm dung dịch giảm béo, hoặc tiêm Botox vào mặt để giảm kích cỡ của phần hàm. Tiêm chất làm đầy và tiêm collagen cũng được thực hiện để xử lý hốc mắt sâu hay xóa nếp nhăn quanh miệng. Các cô gái cũng thường uống nhiều loại thuốc giảm cân khác nhau.

Stop cho biết các cô gái thường phẫu thuật, chỉnh sửa thẩm mỹ bởi nếu không làm thế, họ sẽ thiếu đi sự mới mẻ. Ngoài ra, theo thời gian, họ sẽ không thể cạnh tranh được với các cô gái trẻ hơn bước chân vào ngành công nghiệp. Vì thế họ buộc phải nâng cấp bản thân.

Rủi ro chết người

Thế nhưng làm đẹp bằng dao kéo không thiếu những rủi ro. Tiến sĩ Jinda Rojanamatin, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu Da liễu Thái Lan cho tờ Bangkok Post biết rằng có vài dạng dung dịch làm đầy đang được các bác sĩ thẩm mỹ và cả các bác sĩ không phép sử dụng. Mỗi loại này đều mang tới kết quả giống nhau, nhưng cách thức chúng hoạt động trên da người và thời gian gây tác động của chúng lại khác nhau.

Các chuyên gia da liễu và bác sĩ thẩm mỹ có giấy hành nghề thường dùng các sản phẩm dựa trên acid hyaluronic vốn an toàn hơn. Trong khi đó, các bác sĩ thẩm mỹ "chui" thường dùng các vật liệu khác không phù hợp, có thể gây tác dụng phụ không tốt, như chất liệu làm đầy di chuyển từ điểm người ta muốn dùng nó tới các nơi khác trong cơ thể.

Ngoài ra, chất làm đầy có thể tốt ở vùng này, nhưng không phù hợp với vùng khác trong cơ thể. Việc dùng ẩu chúng có thể gây ra các phản ứng phụ như chảy máu, rát da, sưng tấy... Đặc biệt, nếu như dung dịch làm đầy bị tiêm nhầm vào huyết quản, nó sẽ nhanh chóng bít kín huyết quản và vùng da nằm quanh đó có thể bị hoại tử. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, nếu vật liệu làm đầy đi theo mạch máu tới các phần khác trong cơ thể và tạo nên sự tắc mạch. Đôi khi tình trạng tắc mạch xảy ra ở chân bệnh nhân, tim hoặc não. Nếu tắc mạch xuất hiện ở bất kỳ nội tạng quan trọng nào của cơ thể, người ta sẽ rất dễ tử vong.

Đó có thể là những gì đã xảy ra với Kratae. Cô gái trẻ này đã không thể thở và bất tỉnh chỉ vài phút sau khi nhờ một tay bác sĩ thẩm mỹ hành nghề chui tiêm chất làm đầy vào mông. Theo cô gái có biệt danh Stop, nhiều người trong nghề tiếp thị đã lựa chọn bác sĩ phẫu thuật chui, vì thấy họ giúp những người khác trở nên đẹp hơn ra sao.

Song thực tế chi phí mới là vấn đề mang tính quyết định. Kratae nhờ tay bác sĩ chui, vì phí bơm mông của cô chỉ có 40.000 baht (khoảng 1.300 USD) thay vì 70.000 baht ở những nơi khác. Với nhiều hoạt động thẩm mỹ, mức phí ở các bác sĩ chui có thể rẻ hơn từ 3-4 lần các trung tâm danh tiếng.

Không phải mọi cuộc phẫu thuật thẩm mỹ chui đều gặp sự cố và dù có sự cố cũng ít người rơi vào kết cục thảm khốc như Kratae. Nhưng tại Bệnh viện Đa khoa Patunam ở Bangkok, bác sĩ Thep Vechavisit nói rằng ông đang phải đón tiếp ngày càng nhiều các bệnh nhân tới phẫu thuật sửa "lỗi" của các ca chỉnh trang nhan sắc không thành công. Ông cho biết một số người đã được tiêm các chất làm đầy từ dầu thoa da trẻ con, hoặc dầu olive.

"Tôi rất lo lắng về sự an toàn của người dân Thái Lan" - ông nói với hãng tin BBC.

Và như thế, vốn đã nổi tiếng về các mặt hàng đĩa CD và DVD hàng nhái, Thái Lan giờ lại bắt đầu gây dựng danh tiếng như một điểm đến của các hoạt động thẩm mỹ giá rẻ, nhưng chẳng ai dám chắc chúng có an toàn hay không.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm