18/12/2015 13:33 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1982, Louis-Michael Figueroa, 16 tuổi, chạy xuyên nước Mỹ từ New Jersey bờ Đông sang San Francisco bờ Tây. Chuyến du hành kỳ lạ này đã gợi cảm hứng cho cuộc chạy xuyên Mỹ trong bộ phim Forrest Gump về sau gợi cảm hứng cho hàng triệu người.
Trong cuốn sách cùng tên năm 1986 (không nổi tiếng lắm cho đến khi được chuyển thể thành phim) không có đoạn chạy này. “7 phút chạy xuyên Mỹ thần thánh” của Forrest Gump trong phim được lấy cảm hứng từ chính Figueroa và câu nói nổi tiếng của chàng trai này khi được báo chí phỏng vấn: “Khi tôi mệt, tôi ngủ. Khi tôi đói, tôi ăn. Khi tôi phải đi vệ sinh, tôi đi”.
Còn nhà văn Winston Groom đã dày công viết một cuốn sách không tồi kể về cuộc đời qua góc nhìn của một chàng khờ (Forrest Gump là người thiểu năng) trải dài theo 3 thập niên đầy thăng trầm của nước Mỹ. Gặp đủ nhân vật quan trọng và tham gia đủ các sự kiện lịch sử. Đến cuối cùng, vẫn nhìn đời khờ dại như buổi ban đầu.
Chẳng khác nào một cuốc chạy xuyên Mỹ theo chiều thời gian vậy. Nhưng lên phim, một cuốc chạy theo chiều không gian, bằng xương bằng thịt, bằng hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nhiều. Nguyên nhân là vì Forrest quẫn trí sau khi cầu hôn cô gái duy nhất của đời mình mà bị nàng khước từ.
Sau bộ phim, điều người ta nhớ nhất về Forrest Gump là một cuộc chạy bộ, từ lúc mặt mày trơn nhẵn cho đến khi râu tóc dài thòng.
Louis-Michael Figueroa làm điều đó từ năm 1982. Ý là chạy bộ, không phải để râu dài thòng. Nhưng không phải vì yêu. Khi một người em 10 tuổi của bạn cậu mắc bệnh ung thư xương và vô cùng nản chí, Figueroa đã có một lời hứa rằng sẽ chạy xuyên nước Mỹ nếu cậu bé chịu chiến đấu với căn bệnh. Cậu bé qua đời trước khi cuộc chạy bộ bắt đầu, nhưng Figueroa vẫn chạy để giữ lời hứa.
Vậy là, chàng trai trẻ khởi hành từ New Brunswick, New Jersey với đích đến San Francisco, gây quỹ và nâng cao nhận thức cho Cộng đồng Ung thư Mỹ trong 60 ngày. Figueroa đã trở thành người trẻ nhất và xuyên Mỹ trong thời gian ngắn nhất. Trong phim, Forrest làm điều này trong 3 năm. Rồi vài người tiếp tục xuyên Mỹ để kêu gọi nhận thức về vấn đề quan trọng nọ kia, gây quỹ này quỹ khác để thay đổi xã hội. Nay, số lượng Forrest Gump lên đến 17 người, tương lai còn tăng.
Nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây, tùy tọa độ và các cung đường, dài khoảng vài nghìn kilômét. 3.000 hoặc 10.000. Khoảng cách đường bộ Hà Nội - Sài Gòn của Việt Nam là 1.700km. Khi Nguyễn Quang Thạch đi bộ xuyên Việt để kêu gọi nhận thức về đọc sách, nhiều người vẫn nói anh điên.
Thực ra anh không điên. Cũng như Forrest, như Figueroa. “Tớ có thể chỉ là một gã khờ, nhưng dẫu sao thì phần lớn thời gian, tớ đã có làm những điều đúng. Và mơ ước chỉ là mơ ước mà thôi, phải không nhỉ? Thế nên dù có chuyện gì xảy ra, tớ vẫn nghĩ như thế này: tớ luôn luôn có thể nhìn lại và nói rằng, ít nhất tớ đã không sống một đời nhàm chán”.
“Các cậu hiểu ý tớ không?” - Forrest hỏi, ở cuối cuốn sách.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất