"Chặn" sóng ngầm trong lòng K-pop

10/08/2012 14:03 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Sự lục đục nội bộ của nhóm nhạc nữ đình đám T-ARA dẫn đến sự ra đi của thành viên Hwa Young đã gây ra những dư luận nhiều chiều trong giới hâm mộ nhạc Hàn Quốc (K-pop). Một dấu hỏi lớn đặt ra: "Sau ánh hào quang của một nền âm nhạc đang làm mưa làm gió ở cả châu Á và lan tỏa sang các châu lục khác trong K-pop đang tồn tại một sự cạnh tranh nội bộ gay gắt đến mức nào"?

* Áp lực từ lúc "khổ luyện"

Để bước lên sân khấu, nghệ sĩ Hàn Quốc phải trải qua một thời kỳ thực tập vô cùng vất vả từ 1 – 5 năm thậm chí có người là 7 – 8 năm. Thời gian biểu thực tập khá khắc nghiệt, kín mít một ngày khiến họ không thể tung tăng chơi đùa thoải mái như các cô cậu bé lên 9 lên 10 bình thường khác.

Trong quá trình là thực tập sinh, họ được đào tạo khá bài bản về ca hát, vũ đạo, diễn xuất và ngoại ngữ. Nhưng không phải cứ là thực tập sinh là họ sẽ được bước ra sân khấu. Các công ty giải trí có quá trình chọn lọc rất chặt chẽ: ai đáp ứng đủ điều kiện mới có thể ra mắt, nếu không sẽ tiếp tục đứng sau sân khấu hoặc bỏ cuộc, chuyển sang công ty giải trí khác.


Nhóm nhạc nữ đình đám T-ARA

Nữ ca sĩ nổi tiếng BoA đã có thời gian thực tập khá dài tại SMTown từ lúc 11 tuổi. Sau nhiều năm luyện tập, BoA đã ra mắt thành công khi chưa đầy 20 tuổi. Cô đã có hơn 20 triệu đĩa tiêu thụ trên toàn thế giới. Jo Kwon (trưởng nhóm 2AM) là thực tập sinh của JYPEnt trong thời gian 2.567 ngày (hơn 7 năm). Các ca sĩ nhóm nhạc nổi tiếng nhất Hàn Quốc, Super Junior trung bình đều trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt từ 1 – 5 năm, có lúc họ tưởng như mình không bao giờ được biểu diễn trên sân khấu, nhưng sau đó bằng nỗ lực hết mình, họ đã trở thành ông hoàng của K-pop.

Chưa được ra mắt là một áp lực cực lớn đối với các thực tập sinh. Một công ty giải trí của Hàn Quốc có đến hàng chục người thực tập nhưng số người được bước ra sân khấu khá ít. Nên họ cần phải cố gắng bằng mọi cách. Họ luôn phải tỏ ra giỏi giang trước mặt thầy dạy và các bạn bè. Ai cũng muốn chứng tỏ sự xuất sắc của mình để không thua kém và bước gần đến ánh đèn sân khấu.

* Ra mắt cũng chưa yên thân

Tình trạng phân biệt đối xử, cạnh tranh giữa các thành viên trong một nhóm nhạc có rất nhiều lý do. Thứ nhất, một thành viên mới gia nhập nhóm, sẽ khó bắt được nhịp sinh hoạt của các thành viên cũ, khiến họ tự thu mình lại. Thứ hai, các thành viên cũ thường trải qua quá trình khổ luyện kéo dài vài năm, do đó họ có tâm lý ganh tỵ với các thành viên mới cho rằng những người này "được ăn sẵn". Thứ ba, nếu một vài thành viên nổi bật hơn các thành viên khác trong nhóm sẽ thu hút sự chú ý của fan, các công ty quảng cáo, các nhà làm chương trình truyền hình nhiều hơn, vô tình sự nổi bật này làm cho các thành viên khác không hài lòng và họ tập hợp nhau lại để cô lập thành viên kia.

Khi được đứng trên sân khấu biểu diễn, sự canh tranh diễn ra ngay trong nội bộ nhóm. Mỗi nhóm nhạc là sự tập hợp của các thành viên với những tính cách, tài năng khác nhau nên sự dung hòa từ ban đầu là rất khó. Những thành viên mới gia nhập  thường khó bắt nhịp hòa đồng với cả nhóm.

Thành viên Kyu Hyun là người thứ 13 gia nhập nhóm Super Junior và cũng ít tuổi nhất nên lúc đầu anh gặp khá nhiều khó khăn trong ứng xử với các đàn anh trong nhóm, đến mức phát khóc. Thunder, thành viên duy nhất người Philippines của nhóm MBLAQ, cũng đã từng sợ hãi về thái độ của Seung Ho lúc mới gia nhập. Hay Hwa Young, cô nàng ít tuổi nhất và cũng mới gia nhập nhóm T-ARA được gần 20 tháng cũng đã phải chịu nhiều uất ức, bị bắt nạt tập thể và đã buộc phải rời nhóm vào ngày 31/7 vừa qua.

Nhóm nhạc nữ nổi tiếng SNSD cũng đã có những xích mích nội bộ dẫn đến việc hai thành viên Jessica và Hyo Yeon suýt đánh nhau nếu không được các thành viên khác can ngăn kịp thời. Jay Park, cựu thành viên nhóm 2PM, cũng bị công ty quản lý và các thành viên cũng như một lượng lớn fan tẩy chay vì có những phát ngôn mang tính xúc phạm đất nước Hàn Quốc.


Trưởng nhóm Lee Teuk là người hóa giải các mâu thuẫn trong Super Junior


* Dập tắt sóng ngầm

Việc cạnh tranh nội bộ diễn ra gay gắt như một cơn sóng ngầm tất yếu trong lòng K-pop. Nhóm nhạc lớn có nhiều vấn đề, nhóm nhỏ cũng có không ít rắc rối.

Việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ thật không đơn giản nhưng cũng không quá khó. Nó xuất phát trước hết từ bản thân người nghệ sĩ, sau đó là vai trò trưởng nhóm và công ty quản lý.

Có thể nói, trưởng nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ thân thiết tốt đẹp giữa các thành viên. Nhóm Super Junior, sau khi Kyu Hyun gia nhập cũng có một số vấn đề lục đục, nhưng trưởng nhóm Lee Teuk đã đóng vai trò hòa giải tất cả. Anh gọi các thành viên ngồi lại trao đổi với nhau để cùng giải quyết mọi vấn đề khó khăn, khiến cho các thành viên ngày một hiểu nhau, gần gũi nhau hơn. Bây giờ, sau 10 năm gắn bó từ khi còn là thực tập sinh, họ đã trở thành những người nổi tiếng nhất K-pop, đồng thời họ cũng thực sự trở thành những người anh em thân thiết, cùng nhau chia sẻ mọi thành công cũng như những thất bại trong cuộc sống.

Công ty JYP nổi tiếng vì có ông chủ rất tâm lý. Ông chủ Park Jin Young luôn quan tâm đến vấn đề nội bộ các nhóm nhạc, cũng như vấn đề của các nghệ sĩ trong công ty để đưa ra những lời khuyên bổ ích, giúp họ đứng vững trên sân khấu đầy sóng gió.

Nguyễn Yên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm