27/05/2025 19:15 GMT+7 | Multimedia
Vừa qua tại Hà Nội, triển lãm và lễ tổng kết Trại sáng tác mỹ thuật về đề tài "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" lần thứ 5 – do Cục Công tác đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã khép lại với nhiều dư âm mạnh mẽ. Trong số ba giải A danh giá được trao, Đồng đội - tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn để lại ấn tượng đẹp cho người xem.
Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Ban tổ chức Trại sáng tác trao Giải A cho các tác giả.
Giống như nhiều họa sĩ cùng tham gia trại sáng tác, Nguyễn Hồng Tuấn không chỉ mang theo bảng màu và giá vẽ, mà còn mang theo sự rung cảm trước đời sống con người phía sau sắc phục. "Hay lắm!" – anh thốt lên đầy cảm xúc khi kể về những trải nghiệm trong Trại sáng tác lần này. Nhưng cái "hay" mà anh nhấn mạnh không nằm ở những khẩu hiệu hay thành tích, mà là những câu chuyện không tên: một lần lên bản cùng các chiến sĩ biên phòng ở Sơn La, một buổi gặp gỡ cảnh sát hình sự tại Hải Phòng, một khoảnh khắc lặng người giữa những dòng hồi ức ở Hòa Bình, Quảng Ninh… Câu chuyện của những chiến sĩ công an, những chiến công thầm lặng, những bước chân không ngơi nghỉ giữa thao trường đã in sâu vào anh… và từ đó, hiện lên sống động trong tranh.
Những lát cắt đời sống trong từng nét ký họa
Không vội vàng cầm bút, họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn bước vào hành trình thực tế như một người lữ hành thầm lặng, để đôi mắt lắng nghe và trái tim cảm thấu. Thay vì vẽ ngay khi bắt gặp hình ảnh, anh chọn cách sống cùng những câu chuyện, để mỗi khuôn mặt, mỗi cái bắt tay, mỗi ánh nhìn của người chiến sĩ Công an ngấm vào anh như dòng chảy lặng lẽ của đời sống. Ở đó, không có hào quang được phô bày: chỉ có con người, bằng xương bằng thịt, bằng niềm tin, nỗi đau và sự hy sinh.
Họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn ký họa những chiến sĩ
Anh kể về một kỷ niệm ở Hòa Bình, khi anh hỏi một cán bộ: "Ngoài những chiến công, những nhiệm vụ hoàn thành, thì tổn thất là gì?" Câu trả lời là những giọt nước mắt. Những người chiến sĩ, sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhớ về những gì đã trải qua: đó là câu chuyện về một đêm chống tội phạm ma túy giữa đại dịch COVID-19, giữa núi rừng khắc nghiệt, những chiến sĩ ốm sốt vẫn lao vào hiểm nguy, trên những chiếc xe máy cũ kỹ bám đuổi tội phạm đi mô-tô phân khối lớn. Họ không ngại nguy hiểm, nhưng có những phút giây họ nhớ về gia đình, nghĩ về sự mong manh của lằn ranh sinh tử.
Và thực sự, sau nhiều chuyên án, đã có những chiến sĩ hy sinh, hay những người mãi mang thương tật.
Những mảnh ghép hiện thực đó trở thành chất liệu sống động để Nguyễn Hồng Tuấn đi tìm biểu cảm chân thực nhất cho hình tượng người chiến sĩ trong nghệ thuật của mình. Anh vẽ không phải để mô tả, mà để khắc họa cái "hồn" của một đời người, một thế hệ, một lý tưởng.
Và đôi khi, dòng cảm xúc ấy không đến từ hiện thực khốc liệt mà khởi sinh từ ký ức dịu dàng. "Từ bé tôi đã thân quen hình ảnh người chiến sĩ Công an qua người cậu của mình. Hồi đó, chiều nào tôi cũng ra ban công chỉ để ngóng theo bóng lưng cậu đi làm – trong bộ quân phục khiến tôi thấy đầy tự hào." Hình ảnh giản dị ấy – không có ánh hào quang, không tiếng còi hú, chỉ là bóng một người đàn ông đi - về giữa phố phường tấp nập – đã in sâu trong ký ức tuổi thơ, và có lẽ, cũng là nơi khởi nguồn cho những bức ký họa lặng lẽ mà đau đáu niềm tin của anh hôm nay.
Tác phẩm hoàn thiện từ trái tim
Trong suốt hành trình đi thực tế, rất nhiều bức ký họa đã ra đời. Là một họa sĩ ký họa giàu kinh nghiệm, Nguyễn Hồng Tuấn luôn nắm bắt những khoảnh khắc bằng sự nhạy cảm của người từng nhiều năm "bắt hình" giữa đời thường. Những cảm xúc trực diện, những rung động từ những lần "sống chạm" cùng người lính giữa thao trường, nơi rừng sâu hay điểm nóng nơi tuyến đầu… đã lập tức lan truyền xuống nét cọ. Không tô vẽ cầu kỳ, anh để mặc xúc cảm dẫn lối, để hình ảnh người chiến sĩ hiện lên mộc mạc mà lay động – như chính những gì anh được chứng kiến bằng mắt và rung cảm bằng tim.
Sau chuyến đi, trở lại Hà Nội, anh dành nhiều thời gian suy tư, phác thảo, rồi mới bắt tay hoàn thiện những tác phẩm. Mỗi nét vẽ là một lớp cảm xúc, một nốt nhấn của ký ức. Đồng đội - được hoàn thành sau khi họa sĩ Tuấn tham gia quan sát buổi thao diễn của lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố. Anh bị cuốn hút bởi sự khắc nghiệt trong huấn luyện, sự tinh nhuệ của những con người như "đẽo bằng đồng". Nhưng điều anh chọn để thể hiện không phải là lúc chiến đấu, mà là khoảnh khắc nghỉ ngơi – khi các chiến sĩ trẻ chăm sóc nhau, trò chuyện rôm rả, vẫn mang trong mình sự sẵn sàng cao độ.
Hình ảnh người lính lau mồ hôi giữa giờ nghỉ, vũ khí xếp gọn bên cạnh, đồng đội cười đùa phía xa – tất cả tạo nên một bố cục sinh động và đầy xúc động. Anh nói: "Họ vừa giống như những đứa con của mình – trẻ, hồn nhiên – nhưng cũng chính là những người gánh trên vai trách nhiệm lớn lao. Tôi muốn khắc họa một vẻ đẹp dung dị, gần gũi nhất của người chiến sĩ. Quan trọng hơn qua tác phẩm này, tôi muốn thể hiện hình ảnh của thời bình. Chỉ trong thời bình, những người chiến sĩ mới có những khoảng khắc thực sự nghỉ ngơi như thế!"
Tác phẩm Đồng đội đã giành giải A trong triển lãm tổng kết Trại sáng tác.
Tác phẩm Đồng đội
Nhưng với họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn, anh vẫn chưa thực sự hài lòng với những tác phẩm của mình. Anh cho rằng, mình vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể lột tả được hết những suy tư, cảm xúc mà anh có được sau hành trình đi, nghe, hiểu về những chiến sĩ công an ở nhiều địa phương khác nhau. "Với tôi, nghệ thuật không thể gượng ép. Mình cứ 'nhồi' cảm xúc vào cho đầy, rồi để nó tự bật ra," họa sĩ Tuấn tâm sự.
Dấu ấn nghệ thuật trong hành trình khắc họa người chiến sĩ CAND
Trại sáng tác mỹ thuật lần thứ 5 với chủ đề "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" là một cột mốc đặc biệt trong dòng chảy văn học – nghệ thuật Việt Nam, diễn ra nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2025), 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước. Trong khuôn khổ Trại sáng tác, các hội viên đã tham gia nhiều hoạt động thảo luận nghề nghiệp, tham quan thực tế tại những đơn vị cơ sở, tiêu biểu trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của Công an tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh từ ngày 7/11 đến ngày 19/11/2024; tham quan một số khu di tích lịch sử - văn hóa và địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử của địa phương. Hoạt động thâm nhập thực tế không dài, song các họa sĩ đã được trực tiếp giao lưu, trao đổi để hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả, sự cống hiến, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm về đề tài “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
45 họa sĩ chuyên nghiệp đã cùng nhau góp mặt, không chỉ để sáng tác, mà còn để sống trong những câu chuyện thật – nơi nghệ thuật và cuộc sống hòa làm một. Những tác phẩm như Hoa biển, Đồng đội của Nguyễn Hồng Tuấn không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân, mà còn là kết tinh của cảm xúc chân thành và cái nhìn nhân văn sâu sắc về người chiến sĩ trong thời bình. Ở đó, người lính không chỉ là biểu tượng, mà là con người – sống, hy sinh, yêu thương và hiện diện bình dị giữa đời thường.
Họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn, hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Anh từng tham gia nhiều triển lãm nhóm, theo đuổi đa dạng chất liệu và đề tài, nhưng có lẽ chính hành trình "đồng hành cùng người lính" lần này đã để lại trong anh, và người xem, một khoảng lặng nhiều suy tư và xúc động. Một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh nghệ thuật khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân bằng ngôn ngữ tạo hình chân thật, dung dị và giàu tính nhân văn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất