“Ông chủ nhỏ” Mathieu Valbuena

07/04/2013 12:50 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(Thethaovanhoa.vn) - Sân Stade de France ngày 26/3, đội tuyển Pháp tiếp đón Tây Ban Nha trong trận đấu loại World Cup 2014. Màn hình lớn chiếu hình ảnh Mathieu Valbuena và giữ nguyên trong 20 giây, trong khi khán giả trên sân phấn khích reo hò. Sự xưng tụng ấy trước đây vốn chỉ dành cho những siêu sao như Zinedine Zidane và nó giống như một lời thừa nhận: Valbuena nay đã trở thành nhạc trưởng, một “ông chủ nhỏ” của đội bóng áo Lam.

Trưởng thành trong bão táp

Bốn ngày trước đó, số 8 của Les Bleus đã có trận đấu tuyệt hay khi tung ra hai đường kiến tạo và tự mình ghi một bàn thắng đẹp mắt để đánh bại Gruzia 3-1. Đó cũng là trận thứ ba liên tiếp cầu thủ 28 tuổi ghi bàn cho Les Bleus. Trước đó là các bàn thắng vào lưới những đối thủ lớn Ý (14/11) và Đức (6/2). Trong trận lượt đi gặp Tây Ban Nha ở Madrid, Valbuena sau khi vào sân từ ghế dự bị cũng đã tạo ra thế trận khác biệt và giúp Pháp gỡ lại một điểm.

Vai trò của Valbuena giống như Zidane trước đây nhưng con đường sự nghiệp của họ lại hoàn toàn khác biệt. Nếu Zidane được xem như một tài năng lớn và từng kinh qua nhiều đội tuyển trẻ trước khi khoác áo đội tuyển quốc gia Pháp thì Valbuena bị đánh giá là kém tiềm năng, bị hắt hủi và mãi tới năm 26 tuổi mới được trải nghiệm trận đấu quốc tế đầu tiên trong cuộc đời. Zidane được các câu lạc bộ mở rộng vòng tay chào đón, trong khi Valbuena luôn bị từ khước vì lý do đơn giản là hình thể quá hạn chế và chỉ những đội nghiệp dư mới đón nhận anh. Bất chấp sự kỳ thị ấy anh không ngừng rèn luyện, tự mài giũa để trở thành viên ngọc sáng.

Valbuena làm quen trái bóng khi mới tám tuổi nhưng mãi đến năm 16 tuổi mới được mời gia nhập đội trẻ Bordeaux. Trong hai năm ở đây, cậu thiếu niên làng Bruges, tỉnh Gironde chỉ được chơi ba trận cho đội U18 trước khi bị huấn luyện viên Jean-Louis Garcia gạt bỏ. Garcia lý giải rằng Valbuena quá nhỏ con, trong khi một người thầy khác là Philippe Lucas thú nhận rằng đã phải đánh vật để rèn anh thành một cầu thủ chuyên nghiệp nhưng bất thành: “Cậu ấy phải triển khai bóng nhanh hơn và tránh mọi tranh cãi không cần thiết”.

Rời Bordeaux khi đã 19 tuổi, Valbuena tạm gác lại tham vọng chơi bóng chuyên nghiệp để dấn thân vào các giải đấu nghiệp dư, với ba năm khoác áo Langon Castets và Libourne. Có thời điểm Valbuena chỉ được tập ba buổi mỗi tuần, thời gian còn lại phải đứng bán đồ ở cửa hàng thể thao nhưng anh chấp nhận tất cả để nuôi dưỡng giấc mơ chơi bóng. Vận may đã tới khi anh gặp huấn luyện viên Didier Tholot, người đã biến anh thành “một kiến trúc sư” trên sân bóng. Mùa bóng 2005-06, Valbuena ghi tới chín bàn giúp Libourne thăng hạng Ligue 2 lần đầu tiên và đó cũng là mùa giải cuối cùng của anh ở hạng nghiệp dư.

“Trong bóng đá chuyên nghiệp, hình thể rất được đề cao. Tôi đã phải nỗ lực hết mình từ mùa giải này qua mùa giải khác để xóa bỏ những định kiến bao vây mình”, Valbuena, người chỉ cao 1,63 mét ở tuổi 23 và hiện vẫn chỉ cao 1,67 mét, chua chát nói. Trong cuốn tự truyện “Con đường của chiến binh”, anh mô tả mình giống như một người tự đào tạo và tự trưởng thành. May mắn đã mỉm cười khi Valbuena được Marseille ký hợp đồng chuyên nghiệp năm 2006 và trưởng thành nhanh chóng dưới sự chỉ dẫn của các huấn luyện viên Eric Gerets, Didier Deschamps.

Sau khi Ribery ra đi, anh trở thành nhạc trưởng mới ở sân Velodrome, được cổ động viên gắn cho biệt danh thân thương “người tí hon” (lilliputien, le petit), hay “xe đạp nhỏ” (le petit vélo). Dưới thời tân huấn luyện viên Elie Baup, Valbuena được đặt vào vị trí “số 10” và trở thành một trong những chân chuyền tốt nhất Ligue 1 với tám pha kiến tạo mùa này, giúp Marseille vững vàng trong cuộc đua giành vé dự Champions League.

Số 10 của nước Pháp

Thật khó để tin rằng cầu thủ chưa từng được triệu tập vào một đội tuyển trẻ nào của Pháp, chỉ bắt đầu được huấn luyện viên Raymond Domenech triệu tập khi đã 24 tuổi (nhưng vắng mặt do chấn thương), chơi trận đấu quốc đầu tiên ở tuổi 26 lại có ngày trở thành một trụ cột không thể thiếu của đội bóng áo Lam. Với Valbuena, giấc mơ đã trở thành hiện thực giống như trong cổ tích. “Các ông là lũ ngu xuẩn, rồi các ông sẽ thấy những gì cần phải thấy”, chàng trai 18 tuổi đã gào lên như thế khi bị gạt khỏi đội trẻ Bordeaux để rồi 10 năm sau lời nguyền được thực thi và không chỉ có những người thầy cũ, cả nước Pháp đã biết anh là ai.

Do không được đào tạo bài bản giống như những cầu thủ khác nên trong lối chơi và ứng xử trên sân bóng của Valbuena luôn tiềm ẩn sự tự phát, ngẫu hứng, thậm chí nổi loạn. Tholot mô tả cầu thủ sinh năm 1984 như “một người muốn làm tất cả mọi thứ” sau khi anh nhận thẻ đỏ trong một trận đấu của Libourne. Theo thời gian, anh dần trở nên điềm tĩnh hơn. Một trong những nguyên nhân khiến Pháp thất bại tại Euro 2012 là bởi huấn luyện viên Laurent Blanc bỗng dưng “ngó lơ” Valbuena dù tiền vệ Marseille từng tham dự hầu hết các trận đấu loại. Valbuena không bi kịch hóa câu chuyện ấy, anh khẳng định mình “không phải người thích than phiền”, tiếp tục cống hiến và trở thành trụ cột của đội tuyển dưới thời Deschamps.

Tròn một thập kỷ sau khi bị từ chối làm cầu thủ chuyên nghiệp, Valbuena đã trở thành niềm hi vọng của bóng đá Pháp bên cạnh Ribery và Benzema. Và sau 10 năm huấn luyện viên Philippe Lucas đã phải thú nhận: “Đội tuyển Pháp sẽ gặp khó nếu không có anh ấy”. Đó có thể xem như một lời xin lỗi của một người từng hắt hủi Valbuena.

Một Iniesta của nước Pháp

Có khá nhiều điểm tương đồng giữa Valbuena và Iniesta, họ cùng sinh năm 1984 và đều là những cầu thủ nhỏ con nhưng cực kỳ khéo léo, họ là những “ông chủ nhỏ” của trận đấu. Valbuena cũng có một nửa dòng máu Tây Ban Nha bởi cha anh, ông Carlos, vốn xuất thân từ Valladolid trước khi chuyển đến Pháp. Nhờ thế trong Valbuena tiềm ẩn phẩm chất nghệ sĩ của những người Iberia, giống như Iniesta. Anh cũng là fan của Barcelona khi còn rất nhỏ và đã có những lần lặn lội tới Camp Nou xem thần tượng của mình thi đấu.

Valbuena học đá bóng ở đội bóng quê hương Blanquefort, cách Bordeaux 12km về phía bắc nhưng một tai nạn nhớ đời xảy ra vào năm chín tuổi đã suýt buộc cậu bé phải nghỉ chơi bóng vĩnh viễn. “Mathieu đến bể bởi khi trời đang mưa và sân rất trơn, nó bị trượt chân ngã, chân bị rách toạc và phải khâu tới 50 mũi”, bà Brigitte, mẹ Valbuena hồi tưởng lại. Nhưng cậu bé gan dạ không hề run sợ. Câu hỏi đầu tiên của Mathieu sau khi tỉnh dậy trong bệnh viện là: “Bác sĩ, cháu có đá bóng được nữa không ạ?”

Là một cầu thủ nổi tiếng nhưng Valbuena vẫn dành nhiều thời gian cho cha mẹ. Trong căn nhà của gia đình anh ở Blanquefort vẫn còn treo chiếc áo đấu số 28, trên đó tự tay anh viết dòng chữ “Ngày 19/5/2007, bàn đầu tiên ở Ligue 1. Tặng cha và mẹ, con yêu cha mẹ lắm”. Ở gấu áo là một dòng chữ nhỏ khác “Saint-Etienne 1 - Marseille 2”.


Hoài Trinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm