08/03/2016 06:09 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - CLB Hà Nội sẽ chắc chắn chuyển vào trong TP.HCM trong thời gian tới. Ông Nguyễn Giang Đông, Chủ tịch CLB, bảo rằng cần chiều lòng những cổ đông lớn vì đây là Công ty cổ phần. Quanh đi quẩn lại, chính những cầu thủ lại là người chịu thiệt thòi. Dùng một câu mạnh hơn như lời chuyên gia Đặng Gia Mẫn thì “họ là nạn nhân của sự tùy tiện”.
Tiền vệ đội trưởng Nguyễn Ngọc Duy cho biết: “Hiện tại chưa có thông tin gì từ lãnh đạo. Thông tin đội chuyển vào TP.HCM thì có từ lâu rồi, chúng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần thôi. Chủ tịch đã xuống nói với anh em về chuyện tư tưởng không có vấn đề gì. Cũng có chút xáo trộn thôi, nhưng cầu thủ chuyên nghiệp thì thế nào cũng làm được. Phải xác định tư tưởng thôi”.
Ngọc Duy về CLB Hà Nội từ đầu mùa V-League 2016 sau khi chia tay CLB Hà Nội T&T. Chính sách đãi ngộ của 2 CLB là hoàn toàn khác nhau nhưng Ngọc Duy vẫn rất thoải mái với cuộc sống ở CLB mới khi đồng đội và HLV luôn tạo môi trường thoải mái, tình cảm anh em luôn đoàn kết.
Nhưng không vì thế mà cầu thủ sinh năm 1986 thôi băn khoăn: “Thật ra thì tôi chưa xa nhà quá lâu bao giờ. Thi đấu vào thời điểm này có những băn khoăn, có những điều mà lãnh đạo thông báo rồi mình mới giãi bày với lãnh đạo được. Cầu thủ chuyên nghiệp thì ở đâu cũng phải đá thôi”.
Không chỉ Ngọc Duy, HLV Đức Thắng cũng nhiều lần nói đến 2 chữ “chuyên nghiệp”. Họ xác định mình phải phục vụ cho CLB chủ quản và làm theo những yêu cầu từ phía lãnh đạo đội bóng.
Chia sẻ với phóng viên báo Thể thao & Văn hóa về vấn đề này, chuyên gia Đặng Gia Mẫn chỉ trích gay gắt: “Họ là nạn nhân của sự thiếu chuyên nghiệp. Môi trường bóng đá này không chuyên nghiệp, chúng ta có nhiều thứ không chuyên nghiệp.
Ngoài chuyên nghiệp còn là tình cảm đội bóng, là âm hưởng của cuộc sống. Không thể ngủ dậy rồi ngày mai lại mang một cái tên khác. Tôi thấy chuyện này quá bất ngờ. Nó không thuận với tự nhiên. Không chỉ đội bóng, VFF cũng là một đơn vị tùy tiện. Như Thanh Hóa năm ngoái mang một cái tên rồi lại chuyển sang FLC Thanh Hóa. Muốn đổi tên hay làm gì phải đợi hết một mùa giải đã”.
Ông Mẫn cũng cảnh báo rằng khán giả TP.HCM chắc chắn sẽ khó lòng đón nhận một đội bóng chuyển đổi như CLB Hà Nội. “Chủ tịch Nguyễn Giang Đông bảo do ý kiến từ Hội đồng Quản trị. Tôi không nghĩ đây là sự ngụy biện, nhưng là một việc làm trẻ con. Nó không chắc chắn về tương lai, người hâm mộ không ủng hộ.
Nó tùy tiện, ví dụ Navibank Sài Gòn phải hết mùa mới chuyển vào, nhưng đây là đã mang tên CLB Hà Nội. Người Sài Gòn sẽ không hào hứng đâu. Đội bóng của họ phải đi lên từ hạng Nhì, hạng Nhất rồi lên chuyên nghiệp thì mới đón nhận như một đứa con của họ. Giống như nuôi một đứa con 4 tuổi rồi đưa cho người khác bảo họ phải yêu mến thì khó lắm. Nói chung là tôi không đồng ý với sự chuyển đổi như vậy.
Người hâm mộ TPHCM cần Hải Quan, cần Cảng Sài Gòn. Một đội bóng của thành phố có lộ trình lên chuyên, được nuôi bằng tiền và hơi thở của thành phố thì người ta mới đón nhận. Chứ mang một đội bóng từ nơi khác rồi đổi tên thì không được”, vị chuyên gia này đánh giá.
Nói đến những ví dụ trong quá khứ như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành nhưng có lẽ CLB Hà Nội là trường hợp làm chuyên gia Đặng Gia Mẫn ngao ngán nhất: “Navibank Sài Gòn hay Sài Gòn Xuân Thành đã đến TP.HCM trước mùa giải, họ chuẩn bị và lấy tên Sài Gòn nhưng đã không trụ lại được vì bong bóng bất động sản. Họ có thành công và cũng có điều không tốt. Nhưng họ chia tay người ta còn chấp nhận được. Còn một đội bóng đá 4 vòng rồi mới chuyển vào địa phương khác thì chắc chắn chưa có tiền lệ, chắc chỉ Việt Nam mới có”.
Từ trường hợp của CLB Hà Nội, người hâm mộ có quyền nghi ngờ về sự tồn tại của cái gọi là “bản sắc bóng đá”. Nhưng ông Mẫn vẫn tin vào điều này, bóng đá Việt Nam vẫn còn hững dẫn chứng sống động: “Nghệ An, Thanh Hóa sẽ làm được. Như CLB Thanh Hóa đang sống trên xứ Thanh nên dù nhiều ngoại binh, cầu thủ từ nơi khác đến họ vẫn hít thở không khí, thu tiền lợi từ CĐV quê nhà. Bản sắc họ không mất, hội CĐV vẫn còn đó. Vấn đề là lãnh đạo CLB khéo làm thì sẽ giữ được thôi.
Rõ ràng hiện nay nhiều đội bóng đang gặp khó khăn, các ông chủ đã xây dựng một đội bóng dài hơi như SLNA, Đà Nẵng. Còn CLB Hà Nội đổi tên như vậy không hay chút nào. Họ muốn thu hút sự đầu tư của TP.HCM. Nhưng không nên nói nhiều về nó, có thể họ vẫn đi lên từ tiềm lực thôi, nhưng người hâm mộ thì không hài lòng”.
4 Nếu không có gì thay đổi, sau vòng 4 của Toyota V-League 2016, CLB Hà Nội sẽ chính thức chuyển vào TP.HCM với tên gọi mới là CLB Sài Gòn. 3 Đã có 2 đội bóng nhập khẩu vào TP.HCM trước CLB Hà Nội và đều có chữ Sài Gòn trong tên gọi nhưng cả Sài Gòn Xuân Thành (2010-2013) lẫn Navibank Sài Gòn (2009-2012) đều không tồn tại quá 3 năm. 0 Chưa có đội bóng nào trong lịch sử V-League lại thay đổi trụ sở và tên gọi khi giải đấu đang diễn ra như trường hợp của CLB Hà Nội. |
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất