Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore

16/02/2023 17:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

"Thật may mắn khi từ chuyến đi này, tôi đã thấy được nhiều thứ mà tôi chưa từng thấy, và đó cũng là điều mà bạn nên làm trong những chuyến đi sắp đến tại Singapore", nhiếp ảnh gia Phạm Gia Tùng chia sẻ.

Phạm Gia Tùng (Hà Nội) là một trong sáu nhiếp ảnh gia tại Đông Nam Á góp mặt trong triển lãm ảnh trực tuyến UNSEEN/SINGAPORE (Singapore – Những điều chưa biết) do Tổng cục Du lịch Singapore và National Geographic CreativeWorks hợp tác. Tạm gác lại những trải nghiệm từng có về một đất nước sôi động, hiện đại, Tùng chọn đi sâu và đến gần hơn với con người, thiên nhiên tại những địa điểm ít được biết đến. Với lợi thế về góc máy, Tùng đã khai thác và truyền tải những "lát cắt" thú vị, khác biệt của Đảo quốc Sư tử.

Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore - Ảnh 1.

Ảnh: STB

Khám phá chủ nghĩa anh hùng của Singapore trong chiến tranh thế giới thứ hai ở Bukit Chandu

Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore - Ảnh 2.

Ảnh: Reflections at Bukit Chandu

Bukit Chandu là nơi diễn ra trận đánh ác liệt Pasir Panjang năm 1942 với sự chiến đấu của 1.400 người lính trước quân đội Nhật. Toàn bộ di sản cùng với những triển lãm tương tác để minh họa câu chuyện lịch sử và tinh thần quật cường được lưu giữ tại bảo tàng Reflections at Bukit Chandu, cách địa điểm xảy ra cuộc chiến một quãng ngắn.

Bảo tàng là một bungalow mang hai màu đen trắng có từ thời thuộc địa và được phục dựng một cách tỉ mỉ. "Tôi muốn cho mọi người thấy nơi đây có rất nhiều hoạt động giúp họ tìm hiểu về lịch sử sống động của Singapore," và đó là lý do Tùng đã chọn địa điểm này để khai máy.

Chiêm nghiệm về những sản phẩm và ngành nghề thủ công đang dần biến mất tại Yuen Tong Hong

Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore - Ảnh 3.

Ảnh: Yuentonghong

Thương mại phát triển, thị hiếu của người dùng thay đổi và các cơ hội việc làm mới xuất hiện đã dẫn đến việc các ngành nghề và sản phẩm truyền thống ở Singapore bị mai một. Những cửa hàng còn sót lại trở thành "viên ngọc" ẩn chứa nhiều nét đẹp của một thời vàng son, và mang đến trải nghiệm có một không hai dành cho du khách.

Từ ga tàu Jalan Besar MRT, Tùng đặt chân đến cửa hàng Yuen Tong Hong có hơn 60 năm tuổi đời, nơi chuyên cung cấp đồ ngũ kim, hộp chìa khóa, ổ khóa… được thực hiện bởi những người thợ lâu năm. Những bức ảnh được chụp tại đây gợi nhớ không gian hoài cổ và những câu chuyện, thành tựu đáng tự hào mà lần đầu tiên anh được "tai nghe mắt thấy" từ người bán hàng và người dân địa phương.

Ngược dòng thời gian với loạt tranh tường về Singapore xưa tại Chinatown

Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore - Ảnh 4.

Ảnh: Yipyc

Đặt chân đến Chinatown, Tùng như lạc vào một Singapore của quá khứ với khung cảnh chợ truyền thống được thể hiện bằng nét vẽ chân thực bởi họa sỹ Yip Yew Chong. Trải dài trên bề mặt tường của tòa nhà ba tầng, tác phẩm bao gồm những biểu tượng đặc sắc của những năm 1980 như kopitiam (chuỗi quán cà phê phổ biến ở Singapore, Malaysia, Indonesia), cửa hiệu làm tóc, dịch vụ làm đẹp, hoạt cảnh uống trà, quầy hàng bán rau, cá… và đặc biệt là hoạt động buôn bán động vật hoang dã như rắn, kỳ đà đã dần biến mất.

Hòa mình vào giai điệu của muôn loài chim tại câu lạc bộ Kebun Baru

Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore - Ảnh 5.

Ảnh: Coconuts Singapore

Kebun Baru Bird Singing Club tọa lạc tại khu dân cư Ang Mo Kio là một đại diện cho nét văn hóa độc đáo của người Hoa tại Singapore. Hoạt động rèn luyện và thi đấu chim hót đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 tại đây, và đến nay Kebun Baru là sân chơi có quy mô lớn nhất ở Đảo quốc.

Hoạt động mỗi ngày và đặc biệt náo nhiệt vào cuối tuần, Kebun Baru thu hút sự tham gia của những "chiến binh" hót hay đến từ Ang Mo Kio, Pasir Ris, Jurong, Woodlands. Đám đông gồm những nghệ nhân chơi chim, người dân, du khách… đến chiêm ngưỡng và thưởng thức màn hòa ca của hơn 1.000 chú chim trên trảng cỏ xanh mát.

Lắng đọng trước sự giao thoa của thiên nhiên và lịch sử tại đảo Pulau Ubin

Câu chuyện về nhiếp ảnh gia trẻ “phải lòng” đất nước Singapore - Ảnh 6.

Ảnh: The Honeycombers

"Nếu bạn dành thời gian để đến đảo Pulau Ubin, bạn sẽ rất ấn tượng bởi thiên nhiên, về sự đa dạng của muôn loài từ cây cối, động vật… và tất cả đều rất thân thiện, cho phép bạn đến gần khám phá." Và Tùng đã choáng ngợp trước một trong những hệ sinh thái phong phú nhất Singapore - khu đầm lầy Chek Jawa Wetlands.

Những ngôi nhà kampong (làng kiểu cổ) cuối cùng được bảo tồn tại đây cũng đưa du khách về với thập niên 1960, hay cảnh người dân sinh hoạt như lấy nước từ giếng, đánh cá, chạy máy phát điện... gợi nhớ những năm tháng bình dị. Tất cả làm nên một Pulau Ubin êm đềm nhưng không kém phần rực rỡ bởi sự pha trộn giữa thiên nhiên quyến rũ và văn hóa đặc sắc.

"Và đó cũng là những điều khiến tôi rất ấn tượng về Singapore," Tùng cho biết.

Tùng đã không chỉ bắt trọn những hình ảnh về Singapore một cách chân thực mà còn khơi gợi những ngóc ngách được khám phá một cách bất ngờ. "Điều đó làm nên một bức ảnh đẹp hơn so với việc chỉ đơn thuần là cố gắng chụp nó một cách hoàn hảo," và cũng giúp cho những du khách như Tùng cảm thấy thêm yêu mến đất nước này hơn.

Tổng cục Du lịch Singapore (Singapore Tourism Board) hợp tác cùng National Geographic CreativeWorks ra mắt chiến dịch UNSEEN/SINGAPORE (tạm dịch: Singapore – Những điều chưa biết); hình dung lại Singapore như một điểm đến du lịch dưới góc nhìn của các nhiếp ảnh gia Đông Nam Á.

Từ ngày 25 tháng 1 năm 2023, triển lãm ảnh UNSEEN/SINGAPORE đã chính thức ra mắt công chúng trên website https://www.nationalgeographic.com/unseensingapore/. Qua đó, du khách có thể khám phá trực tuyến các trải nghiệm được hình dung lại tại Singapore.

Quang Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm