Nếu không được nhận lương tháng 4, 5 trước ngày 30/5, các cầu thủ XMCT Thanh Hóa sẽ lãn công. Lãnh đạo đội bóng đã phải tức tốc gửi tiền vào trong đêm 28/5 cho các cầu thủ. Đấy là sự thoả hiệp theo kiểu cực chẳng đã. Chẳng khác gì cảnh Pjico và lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ năm 2006 phải giải ngân tiền, vì “cục tức” của cầu thủ đã lên đến đỉnh điểm, không chịu lên tàu vào đá trận cuối cùng lượt đi với Bình Định.
Vấn đề là động thái trả lương sau khi bị thúc bách không bảo đảm tình hình của đội bóng được cải thiện hơn về lâu dài. XMCT cũng không cho thấy thiện chí sẽ có trách nhiệm như một “người chồng” thực sự với bóng đá Thanh Hoá. Có nghĩa, họ buộc phải trả lương như một giải pháp tình thế. Dường như mọi chuyện đã quá muộn với đội bóng tỉnh Thanh rồi!
Nhớ lại ngày mới tiếp quản đội bóng (24/4/2008), bầu Lý nổ vang trời: "Bóng đá xứ Thanh lâu nay vẫn được xem là cái nôi của bóng đá nước nhà. Nhân tài đi đá khắp nước, hơn nữa hiện nay nguồn "chất xám" tại chỗ còn nguyên sơ, tại sao lại không chọn làm mảnh đất đó để canh tác. Được tài trợ cho một đại diện đang thi đấu tại V-League chính là niềm vinh dự lớn của chúng tôi”.
Thời gian đã chứng minh giữa lời bầu Lý nói và việc bầu Lý làm không hề tương thích với nhau. Để rồi bôi bác đến mức cầu thủ sáng sáng phải ra trước cổng CLB ăn chịu cháo lòng để có sức đi tập. CLB như một “con nợ” thực sự, từ nợ quần áo, giày để luyện tập và thi đấu, nợ lương, nợ thưởng, nợ tiền ăn và thậm chí là nợ cả tiền đóng học phí cho các trường phổ thông cơ sở nơi các cầu thủ tuyến trẻ theo học văn hóa…
Niềm vui như thế này ở XMCT.TH giờ chỉ còn là dĩ vãng.
Một sự nghịch lý đau lòng hết mức, tưởng chỉ tồn tại ở bóng đá thời bao cấp. Nhưng là sự nghịch lý dễ hiểu. Vì đội bóng phải sống trong điều kiện quan hệ giữa địa phương và nhà tài trợ trong lĩnh vực bóng đá chỉ mới dừng lại ở mức “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Phía nhà tài trợ bỏ một số tiền nhất định để đổi lại một số lợi ích về chính sách, dự án đầu tư chẳng hạn. Phía tỉnh Thanh Hoá đỡ một số tiền quá lớn phải đầu tư cho đội bóng. Khi đội bóng không thành công, thì trách nhiệm càng bị đổ vấy. Như chuyện Thanhh Hoá. Phía bầu Lý yêu cầu tỉnh chuyển khoản tiền hỗ trợ như đã ký là 7 tỷ đồng trong một lần. Phía CLB Thanh Hoá không biết tập đoàn XMCT sẽ chi bao nhiêu tiền và bao giờ thì chi để đội bóng hoạt động. Sở Tài chính thì khẳng định không thể chi tiền vô nguyên tắc như yêu cầu của phía XMCT. Lý do là sau khi chuyển đổi mô hình thì CLB bóng đá Thanh Hóa thuộc sở hữu của một Công ty tư nhân, vì vậy Nhà nước không thể hỗ trợ như một đơn vị sự nghiệp.
Trong 9 năm lên chuyên nghiệp, các địa phương đều nhận thức được nếu không xã hội hoá bóng đá nói riêng, bắt tay với doanh nghiệp thì ngân sách tỉnh không thể đáp ứng nổi. Con số trung bình 30 tỷ đồng trong một năm cho đội bóng hoạt động là quá lớn. Xu hướng chung là liên kết với một doanh nghiệp nào đó trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hệ quả là số các doanh nghiệp đến với bóng đá rồi đi không đếm hết. Và số đội bóng phải thay tên, đổi họ cũng tỷ lệ thuận. Như Sông Lam, họ từng khoác áo Pjico SLNA, TCDK.SLNA.
Với những mối tình như vậy đã đẩy các đội bóng ở ta vào cảnh bất ổn về mặt tổ chức, trì trệ trong lộ trình phát triển. Ai chẳng biết Thanh Hoá là cái nôi sản sinh nhiều cầu thủ giỏi. Dưới thời HLV Trần Văn Phúc đã xây dựng nên một đội bóng có tư chất, một phong trào bóng đá khiến cả nước lạc quan. Vậy mà, giờ đây bóng đá xứ Thanh đang đứng trước nguy cơ trở lại thời “đồ đá”. Trách nhiệm không riêng gì về bầu Lý, mà cả phía lãnh đạo Thanh Hoá cũng phải hỏi tại sao bóng đá quê mình có nhiều người tài, mà cả chục năm qua không ngóc đầu lên nổi.
Khi giữa địa phương và doanh nghiệp mối quan hệ trong bóng đá còn ở mức “già nhân ngãi, non vợ chồng”, chẳng khó tiên liệu cuộc tình đó khó có hậu. Bóng đá cũng như cuộc đời, mấy đôi sống theo kiểu cộng sinh qua ngày như thế mấy khi đi trọn cuộc đời với nhau.
HỮU QÚY