Câu chuyện hoàn lương của một cựu mafia

05/09/2008 09:16 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Louis Ferrante đã có rất nhiều quyết định sai lầm trong cuộc đời. Nhưng anh đã có một quyết định đúng giúp thay đổi mọi chuyện sau khi được trả tự do hồi tháng 12/2006: viết sách. Đầu tháng 9 này, cuốn hồi ký mang tên "Tough Guy" của anh đã ra mắt công chúng, mang tới nhiều hình ảnh mới về giới mafia Mỹ, đứng từ góc độ của một người trong cuộc.

Thích làm mafia
 
 Trang bìa cuốn sách của Ferrante
Cụm từ "ông trùm mafia" khiến người ta thường hình dung tới một nhân vật cao to, nước da nâu, mắt ngầu máu và mặc quần áo đen. Louis Ferrante có vài điểm rất giống với hình ảnh này.

Anh là một người New York gốc Italia, cao to và thích mặc quần áo tối màu. Anh thích làm mafia, như những lời thổ lộ trong cuốn hồi ký mới: "Một đứa trẻ với thừa dũng khí và ít trí tuệ sẽ nhanh chóng bị cuốn vào việc trộm đồ, móc túi. Đó là những cách kiếm tiền nhanh nhất trong giới giang hồ".

Khởi đầu của Ferrante cũng giống nhiều đứa trẻ đường phố khác. Anh kiếm tiền bằng cách đập phá các điểm thu tiền đỗ xe tự động, nhặt những đồng xu rơi ra từ chiếc máy bị đánh hỏng. Rồi anh tiến một bước dài khi dùng súng cướp chiếc xe tải đầu tiên. "Tôi mới 17 tuổi. Tôi thích các cô gái. Tôi thích lái xe tốc độ cao. Tôi thích hamburger và khoai tây chiên. Và tôi nhận ra rằng mình thích cướp những chiếc xe tải" - anh kể.

Người đời thường nghĩ rằng muốn gia nhập một gia đình mafia, trong người tay anh chị phải có chút máu mủ liên quan tới gia đình đó. Thực tế không hẳn vậy. Ferrante cho biết phần lớn các tay anh chị nổi tiếng trên đất Mỹ có xuất thân từ đường phố như anh.

Lucky Luciano, Thomas Lucchese, Carlos Marcello và Vito Genovese đều khởi nghiệp bằng những vụ trộm vặt. Theo năm tháng, các vụ phạm tội dần lớn lên cùng với tội ác của chúng. Ông trùm John Gotti khét tiếng cũng vậy và Ferrante không phải là ngoại lệ.

Tội phạm chuyên nghiệp

Tự nhận mình là người thuộc về mafia, Ferrante cho biết tên của anh đã nằm trong một danh sách chạy vòng quanh 5 gia đình mafia lớn nhất ở Mỹ trước khi dừng chân tại gia đình Gambino nổi tiếng của ông trùm John Gotti. “Tôi có cả tá anh em tốt dưới quyền. Tôi đã gần như ngang bằng với những tay mafia cấp cao do tôi nhận lệnh trực tiếp từ lãnh đạo gia đình" - Ferrante kể.
 
 Cựu thành viên mafia Louis Ferrante
Trở thành một tay anh chị, Ferrante bắt đầu có cuộc sống hai mặt. Ngoài đời, Ferrante là một doanh nhân. Trong giới giang hồ, Ferrante điều hành một băng tội phạm chuyên cướp xe tải, bán hàng mua được từ các thẻ tín dụng ăn cắp, buôn vũ khí. Thành tích lớn nhất của Ferrante là chưa một lần giết người dù nhiều năm làm dân anh chị. Nhưng việc đánh đập ai đó là chuyện quá thường tình. Chuyện dọa dẫm và đánh đập thường xảy ra khi Ferrante đi thu tiền bảo kê.

Ferrante cho biết không phải lúc nào việc làm ăn cũng tốt đẹp. "Có lúc tôi bị kẹt vì cướp nhằm một chiếc xe chứa 500 thùng đồ lót. Tôi chẳng bán lấy nổi một chiếc" - anh kể. Nhưng phần lớn thời gian, hoạt động làm ăn của Ferrante đều mang lại lợi nhuận lớn. Ở đỉnh cao sự nghiệp, Ferrante đã kiếm và tiêu tiền như nước. "Tôi có thể dễ dàng vứt lại 10.000 USD ở các sòng bài tại Atlantic City, chọn những miếng bít-tết giá 500 USD ở các nhà hàng hạng sang và cho ai đó hàng trăm USD nếu thích" - Ferrante nói.

Trong cuốn hồi ký, Ferrante cũng tiết lộ một số bí mật của giới mafia Mỹ. Đó là một tay anh chị sẽ không tới nhà "đồng đội" để dùng bữa. Bản thân phải là người Italia mới được thăng cấp lãnh đạo. Giới anh chị ở Mỹ cũng tôn trọng danh dự và luật lệ như mọi tay mafia khác. “Jimmy và tôi làm ăn không có hợp đồng, không có luật sư, không có hóa đơn, chỉ có một cái bắt tay” - Ferrante cho biết.

Đúng vào lúc Ferrante đang chuẩn bị thăng cấp thì anh bị bắt vì tội gian lận kinh doanh.

Ăn năn hối cải

Bị bắt, bị xử 10 năm tù, Ferrante không tỏ ra hối cải, quyết thực hiện "luật im lặng" khi không khai ra những kẻ có liên quan. Khoảnh khắc thay đổi của Ferrante chỉ đến khi một người gác ngục ở Nhà trù Brooklyn Metropolitan chửi anh và các tù nhân khác là "lũ súc vật".

Hai tháng bị biệt giam tiếp theo đó đã buộc Ferrante tự hỏi bản thân: liệu mình có phải là một con thú. Và sau khi tự vấn lại những tội lỗi đã gây ra, anh cho rằng mình "xứng đáng được gửi tới sống ở một sở thú".

Sau lần đó, Ferrante bắt đầu đọc sách, ngẫm ngợi nhiều hơn về bản thân và mong muốn tìm câu trả lời. Anh tự đặt mục tiêu cho bản thân là sẽ đọc hết thư viện của nhà tù trong thời gian thụ án. Không khó hiểu khi anh thổ lộ những cảm xúc "khác người" về nhà tù: "Đó là thứ tuyệt vời nhất đã xảy đến với tôi. Nhà tù cho tôi thời gian tự nhìn lại mình, cho tôi sự cô độc cần thiết để đánh giá kỹ hơn về những thứ quanh tôi, để tự phân tích bản thân tôi". Nhà tù là nơi Ferrante tự giáo dục, tự hối cải và giờ giúp anh bỏ lại quãng đời tội lỗi để bắt đầu một cuộc sống mới, bằng một cuốn sách mới.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm