Câu chuyện Calcio: Khi 'bóng chết' là phương thức duy trì sự sống

18/11/2014 21:24 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) Một loạt đội bóng ở Serie A tập trung khai thác tối đa các pha bóng chết để tìm kiếm bàn thắng, thay vì cố sức xây dựng lối chơi phối hợp bài bản. Chuyện gì đang xảy ra?

Maurizio Sarri mở hộp thuốc lá rồi châm thuốc hút. Ông thảo luận về cuốn tiểu thuyết đang đọc. HLV của Empoli rất đam mê văn học, đặc biệt các tác phẩm của Charles Bukowski. Nhưng sau vài mẩu chuyện, Sarri biết sẽ cần phải nói gì. Các nhà báo luôn hỏi ông cùng 1 câu về việc đã làm ở một ngân hàng cho đến khi 40 tuổi. “Tôi xử lý các giao dịch cho Montepaschi tại London, Đức, Thụy Sỹ và Luxembourg”, Sarri trả lời.

Các CĐV gọi ông là huyền thoại, không phải huyền thoại về… hút thuốc lá (ông nghiện thuốc rất nặng) hay tầm hiểu biết văn học sâu rộng, mà là bóng đá. “Tôi không biết họ đồn mấy câu chuyện ấy từ đâu”, Sarri nói với Radio Sportiva về tin đồn ông có một cuốn sách đen, gồm các biểu đồ và chỉ dẫn nguệch ngoạc về 33 tình huống bóng chết cơ bản. “Không chỉ là 33 mà bên cạnh đó, mọi người còn phải tập luyện để sáng tạo thêm. Trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải, chúng tôi đã tập trong nhiều ngày. Vào mỗi ngày thứ Bảy có trận đấu, chúng tôi chọn ra một vài phương án để thực thi”, Sarri giải thích.

Cứ “bóng chết” mà sống!

Cả hai bàn Empoli ghi trong trận thắng bất ngờ trước Lazio với tỉ số 2-1 đều từ các tình huống cố định. Sarri thật sự giữ niềm tin tuyệt đối vào khả năng ghi bàn từ các pha bóng chết của đội, và phải chà đạp lên rất nhiều định kiến khác từ người hâm mộ. Vì sao không xây dựng một lối chơi bài bản đẹp mắt? Các cầu thủ trẻ rồi sẽ phát triển thế nào với phong cách sử dụng quá nhiều bóng chết kiểu này? Không khó để nhận ra khác biệt từ cách bố trí nhân sự trong các pha cố định của Empoli mùa này. Cực kì khó đoán! Gần 66,7% số bàn họ đã ghi là từ các pha bóng chết. Cụ thể là 8/12 bàn. Chỉ Sampdoria ghi nhiều bàn đến vậy ở khía cạnh này.

Xem bàn thứ hai của Empoli trước Milan từ 1'21.

Đánh lạc hướng, cản trở rồi bật nhảy, ba công đoạn ấy là sở trường của họ. Hãy nhớ lại bàn thắng thứ hai Empoli đã ghi vào lưới Milan vào cuối tháng 9: Mirco Valdifiori thực hiện cú đá phạt nhanh. Franceso Tavano di chuyển rộng để nhận bóng, và thu hút sự chú ý, kéo theo De Jong, Daniele Bonera và Mattia De Sciglio của Milan ra khỏi trung tâm vòng cấm, nơi Manuel Pucciarelli băng vào ghi bàn. Hạ gục Milan bằng những mánh khóe kiểu vậy không khó. Đấy là gót Achilles của họ. Nhưng Empoli vẫn xứng đáng với tiếng vang. Rất nhiều lần họ di chuyển như thế, như thể một bài tấn công của một đội bóng bầu dục.

Sampdoria cũng làm rất tốt. Hãy xem bàn mở tỉ số vào lưới Cagliari giữa tháng 10. Sinisa Mihajlovic bố trí 4 cầu thủ lẻn sau bức tường hàng thủ của Zdenek Zeman. Khi Angelo Palombo thực hiện cú đá, 4 cầu thủ này đồng thời di chuyển lên trên như thể một hàng thủ bẫy việt vị, khiến các hậu vệ Cagliari “đứng hình”. Paulo Avelar đã định theo Manolo Gabbiadini, nhưng bị Stefano Okaka chạy lên cản lại. Khung thành Cagliari chỉ còn trơ trọi thủ môn, và tiền đạo của Samp không mắc sai lầm nào trong cú dứt điểm.

Pha phối hợp cực kì tinh quái của Sampdoria.

Huyền thoại Gianni Vio

Mihajlovic luôn đánh giá rất cao các tình huống cố định. Ông hiện vẫn là cầu thủ ghi nhiều bàn từ đá phạt trực tiếp nhất lịch sử Serie A (28 bàn), tất nhiên là cho đến khi Andrea Pirlo bắt kịp. Mihajlovic bắt đầu tập trung vào các tình huống cố định từ giai đoạn làm huấn luyện viên ở Catania, thời điểm ông được kế thừa một BHL có chuyên gia huấn luyện đá phạt lừng danh: Gianni Vio.

Như Sarri, Vio từng làm việc ở ngân hàng và ông dành thời gian rảnh thiết kế các tình huống bóng chết nguyên mẫu. Cùng với cộng sự Alessandro Tettamanzi, ông xuất bản cuốn sách có nhan đề “Thêm 30% nữa”, có kèm một CD-Rom hướng dẫn các đội bóng thực hiện những tình huống đá phạt trực tiếp và phạt góc. Những tưởng công việc chỉ là một thú vui, và Vio sẽ mãi sống trong bí ẩn thì một ngày nọ, ông nhận được cuộc gọi từ Walter Zenga.

“Tôi biết ông ấy vào năm 2005 khi huấn luyện đội Sao đỏ Belgrade”, “Người nhện” của đội tuyển Italy những năm 1980 kể lại. “Là một thủ môn, tôi luôn là một người cuồng tín các pha bóng cố định. Chúng tôi trao đổi email, phác họa chương trình như thể nó là một trận hải chiến. Sau đó tôi trao đổi với ông ấy mọi kinh nghiệm mà mình có cơ hội trải nghiệm ở nước ngoài”. Zenga cộng tác bán thời gian với Vio sau khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội bóng xứ đảo Catania. Hiệu ứng tức thì. Ngay trận đầu tiên trong thời kì của mình, Catania ghi 2 bàn từ phạt góc trong chiến thắng 3-0 trước Napoli.


Có chuyên gia Gianni Vio, tỉ lệ ghi bàn từ bóng chết của các đội bóng lập tức tăng mạnh.

Đến giờ, một bàn thắng ghi từ cú đá phạt trực tiếp của Catania trước Torino đã trở nên rất nổi tiếng. Hàng rào được thiết lập, nhưng cầu thủ Catania không đứng như thường lệ. Họ bất thần lui xuống chặn tầm nhìn của thủ môn Matteo Sereni. Trước khi chạy trở lại, tiền đạo Gianvito Plasmati bất ngờ tụt quần xuống để gây mất tập trung. Hỗn loạn, và thủ môn Sereni bị đánh bại bởi cú đá phạt của Giuseppe Mascara, một trong những chân sút phạt cự phách lịch sử Calcio.

Mihajlovic rất biết ơn vì được làm việc với Vio. Khi ông đến, Samp đang nằm trong khu vực xuống hạng, nhưng chỉ cần hai quyết định: kí hợp đồng với tiền đạo Maxi Lopez và nghiên cứu cuốn sổ ghi chép của Vio để lại đã giúp đội bóng kết giải ở vị trí thứ 13. Khi Catania đạt thành tích ghi 17 bàn từ bóng chết, chiếm 38,6% tổng số bàn thắng, Vio xuất bản cuốn sách thứ hai mang tên: “Bóng chết: tiền đạo ghi 15 bàn thắng mỗi mùa”.

Bàn thắng nổi tiếng của Catania thời Walter Zenga.

Vio rời Catania đến Fiorentina làm việc với Vicenzo Montela. Trong mùa giải đầu tiên ở Artemio Franchi, ông giúp đội bóng áo tím ghi đến 29 bàn từ các pha bóng chết. Mùa giải này, Gianni Vio đi theo tiếng gọi của Filippo Inzaghi tới làm việc tại Milan. Tỉ lệ bàn thắng từ bóng chết của Fiorentina suy giảm nghiêm trọng: chỉ ghi 1/10 bàn từ bóng chết cho đến lúc này. Trong khi đó, Milan đã ghi 6 bàn từ bóng chết, chiếm 30% tổng số bàn thắng đã ghi. Inzaghi chắc chắn phải tri ân Vio nhờ tỉ lệ này.

Cuộc đua của cả giải đấu vậy là đang xoay vần nhờ các bí quyết bóng chết của Sarri và Gianni Vio. Các đội bóng nhỏ (hoặc đang tái thiết như Milan) không cần phải chi tiền mua một tiền đạo để có cỡ 15 bàn thắng mỗi mùa. Họ chỉ cần một cuốn sổ tay, vẽ chằng chịt các phương án thực hiện bóng chết, từ phổ biến đến kì dị nhất, như chiến thuật của một đội hải quân.

Gia Hưng
Lược dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm