Cathy Lynn Vũ: nếu ở Mỹ, tôi không thể làm giám đốc sản xuất!

02/05/2009 10:39 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tốt nghiệp ngành nghệ thuật trường đại học Fullerton (California - Mỹ), từng đóng phim, ca hát, là nhà sản xuất của nhiều clip quảng cáo cho các nhãn hàng danh tiếng (Sony, Honda…) và hiện là giám đốc sản xuất của YanTV (kênh truyền hình Yêu âm nhạc) nhưng Cathy Lynn Vũ lại được đông đảo công chúng Việt Nam biết đến qua… cuộc ly hôn “đình đám” với nam diễn viên Johnny Trí Nguyễn. Bẵng đi một thời gian sau cuộc chia tay khá ồn ào đó, Cathy Lynn Vũ bất ngờ xuất hiện với vai trò nhà sản xuất của bộ phim 14 ngày phép (hãng phim Chánh Phương). Đây là thành phẩm của những tháng ngày chị lao động miệt mài ở vị thế của một “single mom”. Chị mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên TT&VH Cuối tuần bằng câu nói: “Nếu còn ở Mỹ, một single mom như tôi không thể làm được nghề sản xuất chương trình đâu!”.

Sản xuất chương trình ở Việt Nam dễ mà khó

* Chị nói vậy có nghĩa làm sản xuất chương trình (phim, truyền hình, quảng cáo...) ở Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi?

- Ở Mỹ, một đất nước không thiếu những tài năng trẻ, nhiều khát vọng thì với một người chập chững vào nghề, cơ hội rất hiếm, muốn làm thì phải chấp nhận lương thấp hoặc thậm chí không có lương. Trong khi đó, công việc này cần rất nhiều thời gian. Tôi đã chấp nhận làm việc như thế để có gì đó mà ghi vào CV (lý lịch công tác) của mình. Hồi đó, vẫn còn anh Trí bên cạnh, những lúc không đóng phim, anh ấy sẽ ở nhà giữ con và làm việc nhà để tôi đi làm. Bây giờ, tôi là người nuôi con một mình, cuộc sống ở Mỹ lại rất đắt đỏ, khó mà thuê được người giúp việc để trông con, làm việc nhà. Ở Việt Nam thì khác, tôi có thể vừa làm một người mẹ tốt, vừa thành đạt với công việc dường như chỉ dành cho nam giới vì ngoài chuyện thuê được người giúp việc ra, tôi còn được ba má phụ.
 
Cathy Lynn Vũ trong vai trò nhà sản xuất

* Với phim ảnh thì sao, thưa chị?

- Nếu ở Mỹ, với số tiền bằng tổng kinh phí của 14 ngày phép thì chưa làm nổi nửa bộ phim đâu.

* Nhưng giá rẻ thường đi kèm với chất lượng thấp?

- Khó mà so sánh giữa Mỹ với Việt Nam trong lĩnh vực này vì người Mỹ đã làm phim hàng trăm năm nay, họ chuyên nghiệp tới 100%. Đơn cử với chuyện giờ giấc thôi, mỗi lần đi làm không đúng giờ, bạn sẽ bị gạch một gạch, ba lần gạch như thế là bạn sẽ bị sa thải. Trong khi đó, đằng sau bạn là 100 người xếp hàng chờ để thay vị trí của bạn. Nhưng đổi lại, bạn được trả lương rất cao, được bảo hiểm đủ thứ. Còn ở Việt Nam, nếu phải làm thêm giờ thì cũng chẳng có thêm được đồng nào.

Dù sao điện ảnh, truyền hình và quảng cáo ở Việt Nam vẫn là những ngành rất mới mẻ. Bởi vậy mà mặc dù mọi người trong ê-kíp rất nghiêm túc và nhiệt tình với công việc nhưng do không được đào tạo căn bản, đồng bộ mà thường học theo kiểu người nọ dạy lại cho người kia nên khả năng của họ bị hạn chế. Chẳng hạn khi tôi muốn có một bình sơn xịt, tôi nói với người phụ trách đạo cụ và họ phải nói thêm với hai người nữa thì mới thống nhất được thứ tôi cần là gì và có thể mua được ở đâu. Thông thường tôi phải trình bày về thứ tôi cần ít nhất là ba lần vì nói lần thứ nhất họ chưa hiểu, phải nói lại lần thứ hai, và lần thứ ba là xác nhận xem họ đã biết chính xác về nó chưa. Đây không hẳn là chuyện không chuyên nghiệp của một vài cá nhân mà vì ở mình chưa có một nền tảng đồng bộ từ người cung cấp hàng hóa (liên quan đến phim ảnh) đến người làm việc trong ngành.

Chuyện đi tìm bối cảnh cũng vậy. Nếu ở Mỹ, người đi tìm bối cảnh sau khi nghe yêu cầu về bối cảnh sẽ mang máy ảnh đi chụp một lúc ít nhất là hai chục góc mang về cho đạo diễn và nhà sản xuất lựa chọn. Ở Việt Nam người chọn bối cảnh chỉ chụp ba góc thôi (chuyện này có cả ở sản xuất phim lẫn quảng cáo).

Tuy nhiên tôi thấy đó là những khó khăn rất bình thường và mình hoàn toàn có thể khắc phục.
Những ngày vất vả tại trường quay

* Vậy khó khăn lớn nhất là gì?

- Có lẽ là chuyện kiếm địa điểm quay và xin giấy phép. Tìm được địa điểm tốt, được cho phép rồi nhưng họ lại đổi ý, vậy là phải tìm địa điểm khác. Có khi mượn được địa điểm rồi nhưng người ta chỉ cho mượn trong một thời gian ngắn nên phải bằng mọi cách để quay cho xong trong thời hạn đó. Tôi nhiều lần khốn đốn vì chuyện này đấy. Chẳng hạn quay phim 14 ngày phép, mượn được chỗ quay cảnh Trịnh Hội chạy, thì đúng lúc anh ấy bị trật chân do tập thể thao, anh ấy rất đau và không thể chạy được, vậy là phải dời lịch quay cảnh đó. Một lần khác, tôi và đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa đã căng thẳng với nhau cũng vì vấn đề này. Tôi đã phải sử dụng quan hệ của mình để mượn một bối cảnh và phải lấy danh dự của mình ra để đảm bảo rằng chỉ quay đúng đến giờ mà người ta cho phép, nhưng đến giờ đó rồi mà đạo diễn vẫn cứ hô diễn hoài không chịu dừng lại, vậy là tôi phải đứng trước máy quay và hô “cắt”!

Bên cạnh đó, sự quan tâm của công chúng đôi khi cũng khiến công việc của đoàn phim bị ảnh hưởng. Như bạn biết, làm phim phải thu tiếng trực tiếp, nhưng người dân đến xem quay thì rất ồn ào, tuy rằng họ sẵn sàng không nói to khi đoàn phim đề nghị nhưng họ cũng không yên lặng hẳn mà chuyển sang... nói thầm, nhiều người cũng nói thầm thì cũng thành ra ồn ào (cười).

* Thế là cũng có vài cái khó khăn được cho là “lớn nhất” rồi...

- À, còn nữa, lúc mới làm việc tại Việt Nam, điều làm tôi bối rối nhất là không thể lên được một bảng dự toán chính xác cho các chi phí thực hiện. Kiếm đồ đã khó, biết được giá thực của chúng còn khó hơn, khi mua thường là phải trả giá mà cũng không biết được chất lượng của chúng so với yêu cầu công việc của mình thế nào.

* Nhưng nếu là nhà sản xuất mà không kiểm soát được việc chi tiêu thì có vẻ không ổn?

- (Cười). Tôi làm việc bằng... lòng tin là chính. Vì nếu không tin thì người ta có làm gì mình cũng không biết được. Phải chấp nhận. Vả lại, cách làm theo kiểu chia từng khoản cho từng khâu cũng giúp mình yên tâm hơn vì dù sao vẫn đảm bảo được công việc.

* Còn diễn viên thì sao, thưa chị?

- Việt Nam không có nhiều diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, hầu hết các diễn viên đang tham gia đóng phim không được đào tạo để làm phim mà thường đến từ các ngành sân khấu. Mặt khác, họ còn phải chạy nhiều sô một lúc nên chúng tôi phải làm lịch quay cụ thể theo diễn viên.
 
Tôi đã thăng bằng sau đổ vỡ

* Chị nhận làm Giám đốc sản xuất phim 14 ngày phép cho Chánh Phương - hãng phim của gia đình Johnny Trí Nguyễn trong hoàn cảnh hai người đã chia tay. Chị cũng không mấy bối rối khi chị, Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân cùng có mặt trong buổi ra mắt phim này. Thậm chí chị vẫn ở cùng khu nhà với họ. Có vẻ như chị đã rất vững vàng sau khi hôn nhân tan vỡ?

- Tôi làm việc với Chánh Phương vì tôi vẫn còn cổ phần ở đó, vả lại, đây lại là công việc mà tôi yêu thích. Hơn nữa, 14 ngày phép... không có Ngô Thanh Vân và anh Trí nên tôi không thấy có gì nặng nề cả. Mọi việc đã qua đi được mấy năm rồi, tôi đã không còn sống trong tình trạng đau khổ nữa, nhưng dù là người mạnh mẽ thì tôi vẫn thấy tim đập nhanh khi giáp mặt họ giống như hôm đó. Giờ tôi phải nghĩ đến những chuyện xa hơn, không để chuyện này ảnh hưởng đến mình nữa, tôi phải lo cho hai đứa nhỏ.

* Chuyện xa hơn có phải là khẳng định bản thân với người cũ không?

- Hoàn toàn không. Tôi không nghĩ đến việc phải làm gì để khẳng định mình với ai cả, tôi chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để sống tốt và lo cho con. Sự thật là đến giờ tôi phải cảm ơn anh Trí và Ngô Thanh Vân, nhờ họ mà tôi thấy mình mạnh mẽ hơn.
 
Rạng rỡ trong ngày ra mắt bộ phim 14 ngày phép

* Nếu chị không ngại nhắc lại chuyện cũ thì tôi xin hỏi tại sao chị quyết định công khai những uẩn ức trong cuộc chia tay của hai người trong khi chắc chị cũng biết rằng người bẽ bàng không chỉ là Trí và Vân?

- Tôi quyết định công bố là vì sau khi chúng tôi ly hôn một thời gian, tôi đã im lặng mặc cho hai người đó nói rất nhiều trên báo và báo cũng nói rất nhiều những thông tin không chính xác về chuyện của chúng tôi. Mẹ tôi cũng rất buồn vì điều này. Và lúc đó, tôi đã hoàn toàn thấy thăng bằng, nên tôi nghĩ rằng mình sẽ nói một lần cho hết để chấm dứt những dư luận không đúng.

* Tôi hỏi khí không phải, ngay sau khi bài phỏng vấn đó được đăng, có tin đồn rằng chị nhận được 50 triệu đồng để trả lời phỏng vấn, chị nói sao về điều này?

- Ô, không, không bao giờ có chuyện ấy. Cô phóng viên đó gọi điện cho tôi đề nghị tôi trả lời phỏng vấn về việc nuôi con, chuyện mẹ và bé (vì không rành tiếng Việt lắm nên tôi còn tưởng cô đó ở tạp chí Mẹ và Bé) nên tôi đồng ý. Nhưng nói chuyện một hồi thì cô ấy hỏi chuyện chia tay của tôi với anh Trí. Có bạn tôi phiên dịch cho tôi với cô ấy đây, bạn tôi là người chứng kiến. Lúc cô phóng viên kia hỏi đến chuyện đó, bạn tôi còn dừng lại hỏi tôi: “Có muốn nói ra không, nếu không muốn thì sẽ không dịch, stop ở đây”. Nhưng tôi nghĩ kỹ và thấy đã đến lúc mình phải lên tiếng. Nếu biết có chuyện này thì hồi đó tôi đã gọi cho cô phóng viên để hỏi tiền của tôi đâu. Hay là tòa soạn báo đó có trả tiền nhưng cô ấy lấy mất rồi? (cười).

* Vậy nếu được làm lại, chị sẽ hành động thế nào?

- Tôi sẽ vẫn hành động như thế vì nếu muốn làm lại thì phải thay đổi nhiều thứ chứ không chỉ một chuyện.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm