02/05/2023 21:59 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Quyết định chuyển đến một thị trấn nhỏ nơi mọi thứ đều phải tự làm từ A-Z, thịt, cá, trứng, sữa đều đắt hơn cả thành phố lớn đã mở ra cuộc sống mới với gia đình một kiến trúc sư.
Ngôi nhà bỏ không ‘lột xác’ đẹp như mơ
Một chuyến đi tình cờ đến thị trấn nghìn năm tuổi Sa Khê ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã khiến gia đình kiến trúc sư Vương Đào choáng ngợp bởi khí hậu mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ nơi đây. Họ phát hiện ra thị trấn này đặc biệt yên tĩnh, người dân luôn biết cách để thong thả và nhàn rỗi - điều khó thấy ở cuộc sống thành phố, 4 phía đều chỉ nhìn thấy núi, sông và mây. Kỳ nghỉ khiến cả gia đình lưu luyến khó quên Sa Khê.
Khi trở lại quê hương Thanh Đảo, vợ Vương Đào đột ngột bị bệnh phải nhập viện, suýt chút nữa không thể giữ được tính mạng. Sau khi vợ khỏi bệnh, Vương Đào hỏi ý kiến cô về việc quay trở lại Sa Khê sinh sống, không ngờ người vợ đồng ý không chút do dự.
Xem xét hàng chục ngôi nhà ở Sa Khê, cuối cùng Vương Đào thuê một ngôi nhà cũ bị chủ bỏ trống ở cách trung tâm thị trấn 2km. Là một kiến trúc sư, bản thân Vương Đào đã thực hiện nhiều dự án ở những nơi khác, nhưng công cuộc cải tạo này vẫn đầy thách thức vì khó khăn trong vận chuyển và thiếu nhân công.
Các phương pháp truyền thống của địa phương được áp dụng cho vật liệu và kỹ thuật xây dựng, ví dụ như một vật liệu gọi là “tro da bò” được sử dụng cho các bức tường bên trong lẫn bên ngoài vì có khả năng hút ẩm tốt, mùa mưa nhà không bị nấm mốc, ẩm thấp.
Toàn bộ ngôi nhà có diện tích 200m2, được Vương Đào thiết kế để đón tối đa ánh sáng tự nhiên vào ban ngày. Tầng một có một bàn ăn lớn làm trung tâm, bởi vì gia đình kiến trúc sư Vương thích trò chuyện quanh bàn ăn. Vợ của Vương Đào thích nấu nướng và sành ăn nên chiều cao của mặt bàn trong bếp được cô tùy chỉnh theo ý thích.
Khoảng sân rộng được chia thành 3 khu vườn, mỗi vườn trồng những loại cây xanh khác nhau. Ở mọi nơi trong nhà đều có thể thấy những tác phẩm thủ công của Vương Đào, từ bàn ghế, cửa trượt, đèn, giàn hoa, thậm chí cả mái hiên của sân sau đều do Vương Đào và những người thợ địa phương tự tay làm. Vậy nên thành quả là ngôi nhà có 1-0-2 khiến kiến trúc sư này rất hài lòng, tự làm thêm cả thớt cho vợ, đánh bóng đồ gỗ mỗi khi rảnh rỗi.
Công việc thủ công mang lại cho Vương Đào sự chữa lành tuyệt vời về thể chất và tinh thần, đồng thời cũng truyền cảm hứng cho anh sáng tạo hơn. Phòng làm việc của anh cũng theo phong cách tối giản, loại bỏ những thiết kế phức tạp, thứ duy nhất nhiều trong căn nhà là 1.200 cuốn sách.
Thay đổi suy nghĩ về “sự hoàn hảo”
Sống ở thị trấn Sa Khê một thời gian, Vương Đào nhận ra khả năng tự mình làm mọi thứ tiến bộ đáng kể bởi đường núi xa xôi, nếu gặp sự cố gì cũng phải đợi nửa tháng mới tìm được người sửa, chuyển phát nhanh cũng không tới tận nhà. Vậy nên người dân ở đây phải tự tìm cách giải quyết. Mỗi hộ gia đình đều có hộp dụng cụ với đủ loại cần thiết phục vụ sinh hoạt và làm việc.
"Khi ở thành phố, các kiến trúc sư thường là những người cầu toàn, chúng tôi luôn hướng đến những ngôi nhà với điểm 10 hoàn hảo. Nhưng ở Sa Khê, mọi thứ đều khác. Bạn làm mọi việc chỉ đến 4-5 điểm nhưng vẫn có thể hài lòng và thong dong”, Vương Đào nói.
Chính vì điều này khiến kiến trúc sư Vương suy nghĩ, liệu có thực sự cần thiết khi chỉ mãi theo đuổi điểm 10 không? Anh dần buông bỏ mục tiêu về sự hoàn hảo đến cực đoan ở thành phố để sống một cuộc sống không hoàn hảo tại thị trấn cổ.
“Tôi bỏ ra 2 triệu NDT (~6,7 tỷ đồng) để làm ‘thí nghiệm’ về môi trường sống mà chuột bạch chính là tôi và gia đình. Ngôi nhà này không hoàn hảo, còn nhiều khuyết điểm nhưng nó là mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống tại Sa Khê”, kiến trúc sư Vương chia sẻ.
Trong 10 năm qua, số lượng người chuyển đến Sa Khê ngày càng nhiều nhưng so với các thị trấn khác vẫn yên tĩnh hơn nhiều, khách du lịch cũng không nán lại quá lâu. Sau đại dịch, số lượng người trẻ đến thị trấn này tăng đột biến với nhiều kỳ vọng về một miền đất xa xôi nhưng trên thực tế, chi phí sinh hoạt ở đây không hề thấp. Thêm vào đó, Sa Khê không có siêu thị, giá thịt, trứng, sữa còn có thể cao hơn so với thành phố.
Vậy nên kiến trúc sư Vương tin rằng những người phù hợp nhất để sống ở SaKhê là những người có thể kiếm tiền từ khả năng sáng tạo, như viết lách, thiết kế, chụp ảnh bởi họ sẽ có được nguồn cảm hứng bất tận tại thị trấn này. “Sống ở Sa Khê, chúng tôi không tìm thấy thơ ca hay những thứ lãng mạn mà tìm thấy chính mình”, Vương Đào nói.
Nhiều người trẻ sinh ra ở Sa Khê không muốn đến thành phố lớn nữa cũng quanh trở lại quê hương để lập nghiệp, áp dụng kỹ năng đã học được để phát triển thị trấn như mở quán cà phê, homestay, dẫn tour du lịch,... Ở thành phố, trẻ em thường chơi game trong ngày nghỉ nhưng khi đến Sa Khê, chúng có cảm hứng để khám phá cuộc sống và môi trường.
Con trai của Vương Đào được nhận vào một trường trung học ở quê hương Thanh Đảo nên đã chuyển đến KTX còn vợ chồng kiến trúc sư tiếp tục sống tại Sa Khê. Vì công việc và để chăm sóc bố mẹ, họ vẫn di chuyển qua lại giữa 2 nơi nhưng mỗi ngày ở Sa Khê là một ngày họ thong dong và thoải mái, không cần quan tâm đến những người khác đang làm gì mà chỉ hoàn toàn đắm chìm vào nhịp sống của riêng mình.
Bài và ảnh: Toutiao
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất