11/12/2011 11:00 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ hôm 9/12 đã cho phép SpaceX, một công ty tư nhân có trụ sở ở California, Mỹ, được phóng tàu vũ trụ chở hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đây là lần đầu tiên một con tàu vũ trụ do tư nhân chế tạo bay lên quỹ đạo Trái đất và kết nối với ISS, một sự kiện nếu thành công sẽ mở ra chương mới trong hoạt động chinh phục không gian của Mỹ.
Trong thông báo gửi tới báo chí, NASA đã cho phép công ty Space Exploration Technologies Corp (còn gọi là SpaceX) quyền được tiếp cận và kết nối với ISS trong một chuyến bay duy nhất.
Chuyến bay quan trọng
NASA cũng lên lịch bay cho SpaceX vào ngày 7/2/2012. Trong ngày này, một tàu vũ trụ SpaceX Falcon 9 sẽ được phóng lên từ Mũi Canaveral, Florida, mang theo module chở hàng Dragon bay vào vũ trụ. SpaceX ban đầu muốn phóng kèm 2 vệ tinh Orbcomm hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Tuy nhiên điều này đã gây lo ngại kiện hàng có thể sẽ đâm vào trạm vũ trụ. Công ty về sau phải bỏ bớt 1 vệ tinh và đồng ý sẽ thả nó ở quỹ đạo thấp hơn ISS.
Theo kế hoạch, tàu Dragon sẽ bay cách ISS chừng 3km để kiểm tra mọi hệ thống, trước khi nhích dần tới trạm và sẽ được các phi hành gia dùng một cánh tay rô bốt tóm lấy. Sau khi lấy hàng thành công, Dragon sẽ được thả ra và rơi trở lại bầu khí quyển, trước khi hạ cánh bằng dù xuống Thái Bình Dương. Đây sẽ là module Dragon thứ 2 trở về từ quỹ đạo, theo sau cuộc thử nghiệm đầu tiên thành công hồi tháng 12 năm ngoái.
“Vẫn còn nhiều công việc quan trọng khác phải thực hiện, nhưng chúng tôi đã lên kế hoạch cẩn thận để hoàn thành nhiệm vụ và đã chuẩn bị cho các thách thức chưa lường trước được" - William Gerstenmaier, một quan chức NASA nói với báo chí -"Giống như với mọi nhiệm vụ không gian khác, chúng tôi sẽ điều chỉnh thời điểm phóng tàu, để có thể tiến hành mọi thử nghiệm và phân tích nhằm đảm bảo sự an toàn và thành công của nhiệm vụ".
Nếu mọi chuyện đi theo đúng kế hoạch, SpaceX đã đạt được mục tiêu cuối cùng trong khuôn khổ chương trình Dịch vụ Vận chuyển lên Quỹ đạo Trái đất mang mục đích thương mại (COTS). Điều này sẽ mở đường để SpaceX nhận bản hợp đồng vận chuyển hàng lên ISS, gồm tổng cộng 12 chuyến bay tiếp tế cho ISS, trị giá 1,6 tỉ USD.
Mô phỏng module Dragon kết nối với ISS
Nhiều đối thủ nặng ký
Nhưng SpaceX sẽ không dễ dàng "ăn cả" bản hợp đồng béo bở kể trên. Công ty đang phải đối đầu trước sức ép cạnh tranh của hàng loạt đối thủ nặng ký khác. Đối thủ tiềm năng nhất là Orbital Sciences Corp đã lên kế hoạch phóng module chở hàng Cygnus bằng tên lửa đẩy Taurus II từ đảo Wallops, Virginia. Tuy nhiên việc này chỉ diễn ra vào nửa sau năm 2012.
Mark Sirangelo, một quan chức công ty Sierra Nevada Space Systems nói rằng chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tàu vũ trụ Dream Chaser do họ chế tạo sẽ bắt đầu cuối tuần này và việc bay thử lên quỹ đạo Trái đất sẽ bắt đầu vào năm tới. Về cơ bản Dream Chaser có hình dáng giống như một phiên bản thu nhỏ của tàu con thoi và nó được thiết kế dựa chủ yếu vào mẫu HL-20, một tàu con thoi thử nghiệm đã được NASA phác thảo hồi đầu những năm 1980.
Boeing thì đang gấp rút thử nghiệm việc hạ cánh bằng dù với mẫu module CST-100 của họ. Trong khi đó, Blue Origin, một công ty vũ trụ tư nhân có trụ sở ở Seattle đang nghiên cứu loại tàu vũ trụ có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Sierra Nevada, Boeing và Blue Origin đều nghĩ đến việc sử dụng tên lửa đẩy Atlas 5 của châu Âu để đưa tàu chở người của họ vào không gian. Duy chỉ có SpaceX là tự sản xuất ra tên lửa đẩy của riêng họ.
Philip McAlister, giám đốc cơ quan phát triển các chuyến bay vũ trụ thương mại của NASA, đã nói với báo giới rằng ông hy vọng các công ty tư nhân sẽ có thể chuyển hàng lên ISS từ năm tới, và theo sau đó chừng 5 năm là việc đưa phi hành gia lên ISS. Mặc dù ISS chỉ được cấp vốn để hoạt động tới năm 2020, nhưng McAlister bày tỏ hy vọng trạm vũ trụ sẽ tiếp tục hoạt động lâu hơn, chừng nào sự tồn tại của nó vẫn đảm bảo các yếu tố an toàn và có ích, qua đó sẽ trở thành một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh liên quan tới di chuyển trong không gian.
Sớm có “xe buýt” vũ trụ
NASA đã phải viện tới sự giúp đỡ của các công ty tư nhân, sau khi cho về hưu đội tàu con thoi của họ. NASA đã đổ hàng trăm triệu USD vào nỗ lực tư nhân hóa việc chuyển hàng lên trạm ISS. Nhưng tới nay trạm vẫn phải được tiếp tế bằng các tàu vũ trụ của Nga, châu Âu và Nhật Bản.
Ngoài việc phát triển tàu chở hàng, SpaceX còn đang ráo riết nghiên cứu module chở người và đã đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên quỹ đạo trong 3 năm tới. Hiện, Mỹ vẫn buộc phải mua vé lên ISS từ người Nga với mức giá ngày càng tăng lên. Nhưng SpaceX tin tưởng việc này sẽ không kéo dài. "Mọi quyết định chúng tôi thực hiện ở SpaceX hiện đều tập trung vào một mục tiêu duy nhất: đưa người lên không gian" - Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell tuyên bố.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất