Góc Hồng Ngọc: Thị trường chuyển nhượng V-League ảm đạm

03/11/2013 16:01 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm trước, mỗi khi kết thúc mùa giải V-League là chuyện chuyển nhượng cầu thủ, những hợp đồng kỷ lục, và nhất là những tin đồn liên tục nóng lên. Giờ thì hết thời kỷ lục, tin đồn cũng bớt. Đó là chủ đề Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Thị trường chuyển nhượng V-League năm nay khá èo uột. Vài mùa trước, tiền “lót tay” cho các cầu thủ hàng đầu đã tới mức hơn 3 tỉ đồng/năm. Những cầu thủ tầm tầm đã nhận lót tay hơn 1 tỉ đồng/năm. Còn mùa này, mới chỉ Trọng Hoàng vượt qua mức 1 tỉ đồng/năm. Anh có chia sẻ nhận định rằng đây là hệ quả của những khó khăn kinh tế?

- Hồng Ngọc: Tôi chia sẻ điều đó. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều gặp khó khăn, trừ các lĩnh vực thiết yếu. Bóng đá không phải là lĩnh vực thiết yếu, và bản thân nó cũng chưa trở thành một lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam, mà còn phụ thuộc vào các ông bầu.



Đã qua rồi thời cầu thủ chuyển nhượng được "lót tay" khủng. Ảnh: V.V

* Tôi muốn lật ngược vấn đề. Khó khăn kinh tế là tình trạng của cả thế giới. Nhưng nền công nghiệp bóng đá ở châu Âu vẫn tăng trưởng rất nhanh. Doanh thu tăng vọt, giá trị chuyển nhượng tiếp tục lập nên những kỷ lục và tầm cao mới về giá trị, lương cầu thủ tiếp tục tăng. Phải giải thích điều đó như thế nào đây?

- Một câu hỏi hay! Tôi cho rằng mấu chốt là thị trường bóng đá ngày càng toàn cầu hóa. Hai thập kỷ trước, chúng ta không được xem bóng đá đỉnh cao hằng tuần, rồi có Premier League. Bây giờ thì chúng ta được xem cả Bundesliga, Serie A, Ligue I, Liga, bên cạnh Champions League vào giữa tuần. Mà giá bản quyền truyền hình thì liên tục tăng, điển hình là Premier League.

Như vậy, bóng đá ngày càng mở rộng được quy mô thị trường. Giá cũng được định ở mức cao hơn nhất là với bản quyền truyền hình. Sự tăng giá này có thể nhờ một yếu tố đặc biệt: vì tình yêu mà khán giả không thể rời bỏ nó, ngay cả khi tăng giá.

* Tại sao bóng đá Việt Nam không thể tăng trưởng được như thế, vào lúc này?

- V-League vẫn chỉ có người Việt Nam xem thôi. Mà số lượng xem ngày càng ít đi, do chất lượng không tăng, sự xa cách khán giả ngày càng lớn. Vừa là sự thu hẹp về thị trường bóng đá, vừa là thiếu tình yêu của khán giả để gắn bó họ với đội bóng. Vậy thì dựa vào đâu để tăng trưởng?

Manchester United sau cả thế kỷ vẫn là Manchester United, vẫn ở Manchester. Còn Xuân Thành Sài Gòn, đầu năm 2010 còn ở Hà Tĩnh, cuối năm 2010 đã mượn xác của Hòa Phát để biến hình thành Xuân Thành Sài Gòn và di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Mà họ cũng kịp ba lần đổi tên và… đóng cửa sau chưa đầy ba năm. Xuân Thành Sài Gòn không phải là trường hợp cá biệt. Vậy thì tình yêu của khán giả đến từ đâu?

* Sự ảm đạm của thị trường chuyển nhượng V-League phải chăng còn vì bong bóng xì hơi trong bóng đá Việt?

- Đúng vậy. Nó là hệ quả của nền kinh tế bong bóng. Bất động sản nói riêng và khai thác tài nguyên nói chung đã phát triển ồ ạt trong một thời gian dài, và những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực đó đồng thời làm bóng đá đã dẫn đến ngộ nhận rằng kinh doanh bóng đá mang lại lợi nhuận gián tiếp rất lớn, khiến hàng loạt doanh nghiệp nhảy vào bóng đá.

* Ngộ nhận? Nếu không có lời lớn thì sao các doanh nghiệp ào ạt nhảy vào?

- Chúng ta cần lật ngược vấn đề. Các doanh nghiệp ồ ạt nhảy vào thì đồng thời cũng có các doanh nghiệp ồ ạt nhảy ra. Chúng ta vẫn nghĩ rằng các ngân hàng là giàu nhất. Nhưng thực tế không còn ngân hàng nào thật sự trụ lại với bóng đá, dù họ đã ồ ạt nhảy vào V-League trong thời kỳ bong bóng. Thời đỉnh cao của bong bóng trong bóng đá Việt Nam cũng chính là thời đỉnh cao của bong bóng trong bất động sản và ngân hàng nước nhà.

Nhưng ngân hàng sớm nhảy ra vì ngoài cái tên thì họ không được hưởng đặc quyền gì về tài nguyên. Chỉ còn lại những doanh nghiệp khai thác tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên đất đai là bất động sản, ở lại với bóng đá lâu nhất. Nhưng cũng phải là doanh nghiệp đủ lớn mới ở lại lâu, còn lại đa số nhảy vào để “đánh quả”, khi trao đổi việc rót tiền cho đội bóng làm “mát mặt” địa phương là những nguồn lợi mà doanh nghiệp được khai thác.

Hãy để ý điều này: Khủng hoảng thị trường bất động sản ở phía Nam năm 2008 đến nay chưa hồi phục, còn bất động sản phía Bắc còn thịnh vượng đến tận 2011. Suốt từ 2002 đến 2008 là các đội phía Nam vô địch V-League. Từ 2009 đến nay là các đội phía Bắc và Đà Nẵng, nơi thị trường bất động sản cao cấp do các cư dân Hà Nội chi phối tới trên 70%.

* Trở lại với thị trường chuyển nhượng V-League, giờ đây hầu như do Becamex Bình Dương “độc diễn”, các đội bóng còn lại chỉ tìm cách “hớt váng”?

- Becamex là doanh nghiệp bất động sản ở Bình Dương. Sản phẩm của Becamex trong nhiều năm qua có ít màu sắc đầu cơ và bong bóng nhất, vẫn bán đều đặn, khi tập trung vào đất nền giá rất rẻ, và nhà hoàn thiện tại các khu đô thị mới ở Bình Dương.

V-League có rất ít doanh nghiệp dạng này, trong khi nền kinh tế khủng hoảng đã khiến các doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, cắt giảm ngân sách cho bóng đá, thậm chí rút khỏi bóng đá. Đó là con đường tất yếu. Khi bong bóng qua đi, chi phí đầu tư cho một đội bóng giảm, sẽ chỉ còn lại các nhà đầu tư theo đuổi sự phát triển dài hạn và đam mê thật sự với bóng đá ở lại. Như Đồng Tâm Long An, khi tranh thủ dịp này để đưa Tài Em, Việt Thắng trở lại. Với Hoàng Anh Gia Lai, từ lâu tôi đã nhận ra họ chỉ đầu tư cho đội một ở mức duy trì, chờ lứa cầu thủ từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trưởng thành. Còn Sông Lam Nghệ An vẫn trung thành với chính sách của mình từ lâu.

Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế khiến các câu lạc bộ không chạy theo bong bóng chuyển nhượng. Nhưng chỉ có chính sách, quy chế bóng đá mới bảo vệ và khuyến khích các câu lạc bộ đầu tư cho đào tạo, nơi quyết định sự phát triển về chuyên môn của bóng đá Việt. Vấn đề này chúng ta phải chờ VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) trả lời.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm