24/05/2019 21:55 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) -
(Tiếp tục cập nhật)
Ngày 24/5, Cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là nghị sĩ đảng Bảo thủ Boris Johnson đã khẳng định sẽ tranh cử chức Thủ tướng chỉ vài giờ sau khi bà Theresa May thông báo sẽ từ chức.
Phát biểu tại một hội thảo kinh tế ở Thụy Sĩ, ông Johnson đã thể hiện sự kính trọng đối với bà May, nhấn mạnh nữ chính khách này đã rất "kiên nhẫn và chịu đựng" khi đối mặt với mọi khó khăn xung quanh tiến trình Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. Ông cho rằng vị thủ tướng tiếp theo của nước Anh có thể sẽ cứu vãn các cuộc đàm phán vốn đã bế tắc với EU về thỏa thuận "ly hôn". Cựu Ngoại trưởng Anh nhận định nhà lãnh đạo mới sẽ có "cơ hội làm mọi thứ theo một cách khác và sẽ có động lực lãnh đạo từ một chính quyền mới".
Ông Johnson cũng đánh giá nước Anh cần chuẩn bị việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nếu nước này buộc phải đàm phán về một thỏa thuận ra đi hợp lý. Ông nêu rõ: "Chúng ta sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10, kèm một thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận nào. Cách tốt nhất để đạt được một thỏa thuận tốt là chuẩn bị cho phương án không có thỏa thuận".
Trong khi đó, tờ Farnham Herald dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố sẽ trở thành ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ cầm quyền sau tuyên bố từ chức của bà May.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng May thông báo bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận nước Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái. Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ. Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ dự kiến kéo dài khoảng 6 tuần.
Trước quyết định trên của bà May, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã cảnh báo việc lựa chọn một Thủ tướng mới tại Anh có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong tiến trình đàm phán về Brexit, song điều này lại có thể "rất nguy hiểm" đối với Ireland.
Trao đổi với hãng tin Virgin Media, Thủ tướng Varadkar nêu rõ: "Chúng ta có thể mường tượng về một Thủ tướng mới đắc cử có quan điểm hoài nghi châu Âu, muốn từ bỏ thỏa thuận Brexit và để Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc...một chính phủ Anh mới mong muốn một mối quan hệ gần gũi hơn với EU và tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai". Tuy nhiên, ông khẳng định dù bất cứ điều gì xảy ra, Ireland vẫn bình tĩnh và sẽ củng cố, xây dựng các liên minh trên khắp EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ tôn trọng trước quyết định ra đi của người đồng cấp May, đồng thời khẳng định Berlin sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với London để đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra một cách có trật tự. Theo nhà lãnh đạo này, việc Anh rời khỏi EU là một quá trình chuyển tiếp lớn và bất chấp điều gì xảy ra hiện nay tại Anh, Chính phủ Đức sẽ làm mọi thứ để đảm bảo một sự ra đi có trật tự, cũng như một mối quan hệ đối tác tốt đẹp.
Người kế nhiệm sẽ được bầu vào 20/7
Ngày 24/5, thủ lĩnh hàng đầu của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh Brandon Lewis thông báo nước này sẽ bổ nhiệm người kế nhiệm bà Theresa May giữ chức lãnh đạo đảng này và Thủ tướng Anh trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ mùa Hè - được ấn định vào ngày 20/7 tới.
Trong một tuyên bố, ông Brandon Lewis nêu rõ công tác đề cử giữa các nghị sĩ sẽ kết thúc trong tuần bắt đầu từ ngày 10/6, từ đó các thành viên của đảng có thời gian lựa chọn một trong hai ứng cử viên hàng đầu thay thế bà May trước khi Quốc hội bước vào thời gian nghỉ lễ mùa Hè.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Theresa May thông báo bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mời và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ dự kiến kéo dài khoảng 6 tuần.
Tiếp tục phản ứng của quốc tế, quyền phát ngôn viên của Chính phủ Tây Ban Nha Isabel Celaa ngày 24/5 cho rằng kịch bản Brexit cứng gần như không thể tránh khỏi sau khi Thủ tướng May tuyên bố sẽ từ chức. Theo quan chức này, Chính phủ Tây Ban Nha đã có kế hoạch dự phòng cho mọi kịch bản liên quan Brexit.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng ngày cho biết ông đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà Theresa May, trong đó ông bày tỏ sự tôn trọng dành cho bà May sau khi bà thông báo sẽ từ nhiệm vào ngày 7/6 tới. Trên trang Twitter cá nhân, ông Rutte nhấn mạnh: "Thỏa thuận đạt được giữa EU và Anh về một Brexit có trật tự vẫn còn nằm trên bàn đàm phán".
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng EU sẽ không thay đổi quan điểm về Brexit hoặc đưa ra một thỏa thuận khác mềm mỏng hơn đối với người kế nhiệm bà May trong tương lai. Ông đồng thời nhấn mạnh khả năng nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận đang hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết do EU "đã hết kiên nhẫn".
EU không thay đổi lập trường với Anh
Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới, Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/5 cho biết việc từ chức của Thủ tướng Anh sẽ không làm thay đổi lập trường của EU về thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) mà khối này đã đạt được với Thủ tướng May hồi cuối năm ngoái.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Mina Andreeva cho biết lập trường của EU về thời hạn nước Anh rời khỏi khối này (còn gọi là Brexit) là không thay đổi.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Andreeva nêu rõ: "Cá nhân Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker không thấy vui khi nghe Thủ tướng Anh Theresa May thông báo từ chức vào sáng nay. Ngài Chủ tịch đánh giá cao thời gian làm việc với Thủ tướng May. Ông sẽ trân trọng hiết lập quan hệ cộng tác một cách bình đẳng với bất cứ tân Thủ tướng nào, dù đó là ai đi chăng nữa. Lập trường của chúng tôi về thỏa thuận ly hôn là không có gì thay đổi cả".
Bà Andreeva cũng nhắc lại rằng khối này sẽ không thay đổi thỏa thuận Brexit hiện bị đình trệ, song có thể tạm dừng đưa ra tuyên bố chính trị đi kèm về quan hệ EU-Anh sau Brexit.
Phản ứng về quyết định từ chức của Thủ tướng May, Điện Elysee cho biết lập trường của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là sẵn sàng làm việc với tân Thủ tướng Anh về mọi vấn đề song phương và trong EU, song muốn Anh làm rõ các bước đi tiếp theo liên quan tới thỏa thuận Brexit.
Trong tuyên bố, Điện Elysee cho biết Tổng thống Macron hoan nghênh "việc làm dũng cảm" của Thủ tướng May trong nỗ lực thực hiện Brexit vì lợi ích của đất nước và với sự tôn trọng các đối tác châu Âu của Anh. Tuy nhiên, tuyên bố nêu rõ : "Nguyên tắc của EU sẽ tiếp tục được thực hiện với ưu tiên hàng đầu là chức năng hoạt động suôn sẻ của EU, và điều này cần phía Anh nhanh chóng làm rõ các bước đi tiếp theo liên quan tới Brexit".
Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Martina Fietz cho biết nhà lãnh đạo Đức đã bày tỏ sự tôn trọng quyết định từ chức của Thủ tướng Anh, đồng thời cho rằng bà và Thủ tướng Anh đã có quan hệ hợp tác tin cậy và tốt đẹp.
Theo bà Fietz, Thủ tướng Merkel cũng cam kết tiếp tục làm việc với Thủ tướng May trên tinh thần như vậy cho đến khi nhà lãnh đạo Anh từ chức. Bà Merkel nhấn mạnh: "Berlin mong muốn duy trì sự hợp tác chặt chẽ và quan hệ mật thiết với Chính phủ Anh".
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang theo dõi sát sao tiến trình liên quan tới vấn đề Brexit ở Anh, đồng thời bày tỏ mong muốn một EU ổn định.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đang theo dõi sát tiến trình liên quan Brexit, bởi vấn đề này chắc chắn gây ảnh hưởng tới cả nước Anh và EU. Lý do là vì EU là đối tác kinh tế và thương mại lớn của chúng tôi, và chúng tôi muốn một đối tác có thể dự đoán được, ổn định và phát triển". Bình luận về quyết định từ chức của Thủ tướng Theresa May, đại diện Điện Kremlin cho rằng, bà May giữ chức Thủ tướng Anh đúng vào thời điểm mối quan hệ Anh-Nga đầy khó khăn.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng May thông báo bà sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mời và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ kéo dài khoảng 6 tuần. Quá trình này có thể sẽ bắt đầu sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới London.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới
Vào lúc 16h ngày 24/5 (giờ Hà Nội), Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ từ chức Chủ địch đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới. Tuyên bố được đưa ra sau khi những đề xuất mới của bà May về thỏa thuận Brexit không nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sỹ Anh.
Trong một tuyên bố bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh ở Phố Downing, bà May nhấn mạnh: "Việc tôi không thể thực hiện thỏa thuận Brexit sẽ luôn là điều hối tiếc sâu sắc đối với tôi. Tôi sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ và đảng Hợp nhất vào ngày 7/6 để một người kế nhiệm có thể được lựa chọn". Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Anh cũng thừa nhận bà đã cố gắng 3 lần để thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit, nhưng đều không thành công.
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ kéo dài khoảng 6 tuần. Quá trình này có thể sẽ bắt đầu sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới London.
Các ứng cử viên có thể thay thế Thủ tướng Theresa May:
Cái tên được nhắc đến nhiều nhất là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người được giới phân tích Anh đánh giá có trên 30% khả năng sẽ là chủ mới của ngôi nhà số 10 phố Downning. Tuy nhiên, cơ hội cũng để ngỏ cho 17 gương mặt tên tuổi khác trong đảng Bảo thủ, trong đó phải kể đến cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd...
Tuy nhiên bất kỳ ai thay thế bà May cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đạt được sự “đồng thuận và nhượng bộ” tại một Quốc hội Anh chưa bao giờ chia rẽ như hiện tại, giữa Đảng Bảo thủ và Công đảng, cũng như giữa các nhóm ủng hộ Ở lại và Ra đi (khỏi EU). Ngay cả khi Quốc hội Anh có đạt được một thỏa thuận mới về Brexit, thì vẫn còn câu hỏi lớn về việc liệu EU có đồng ý đàm phán lại hay không thỏa thuận Brexit mà họ đã phải mất gần 2 năm đàm phán mới đạt được với chính phủ của bà May.
Trước đó, trong bài phát biểu ngắn đầy cảm xúc đươc truyền hình trực tiếp từ Văn phòng Thủ tướng số 10 phố Downning tại thủ đô London, bà May đã không kiềm chế được những giọt nước mắt khi thừa nhận lý do khiến bà phải rời bỏ cương vị “vinh dự nhất trong đời” là thất bại trong việc thông qua thỏa thuận đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mặc dù “đã làm tất cả những gì có thể”.
Bà May bày tỏ sự tiếc nuối khi đã không thể thực hiện được tiến trình Brexit như đã cam kết với cử tri Anh như ý nguyện được thể hiện qua kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Bà May khẳng định việc tìm kiếm một Thủ tướng mới lúc này sẽ là lựa chọn tốt nhất cho nước Anh, và bày tỏ hy vọng người kế nhiệm của mình sẽ đạt đươc sự “đồng thuận và nhượng bộ” giữa các đảng phái và phe nhóm trên chính trường Anh – điều mà bà thừa nhận mình đã không làm được.
Quyết định khó khăn nhưng cũng được dự báo từ trước của bà May được đưa ra sau cuộc gặp sớm cùng ngày với ngài Graham Brady, lãnh đạo Ủy ban 1922 – chỉ nhóm nghị sĩ Bảo thủ tại Hạ viện Anh không có ghế trong Chính phủ. Việc rời bỏ cương vị Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 của bà May dự kiến sẽ mở đường cho một cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng này cũng như cương vị Thủ tướng vào ngày 10/6.
Bà May cho biết đã thông báo với Nữ hoàng Anh về việc mình sẽ tiếp tục đảm đương cương vị Thủ tướng tạm quyền cho đến khi nước Anh hoàn thành quá trình lựa chọn gương mặt mới lãnh đạo chính phủ.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất