05/03/2019 12:13 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn các nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho hay một chiến đấu cơ của Không quân nước này ngày 4/3 đã bắn hạ một máy bay không người lái quân sự của Pakistan ở vùng Bikaner thuộc bang Rajasthan, gần khu vực biên giới giữa hai nước.
Theo nguồn tin, chiếc máy bay của Pakistan bị một máy bay chiến đấu Sukhoi-30 của Ấn Độ bắn hạ bằng tên lửa đối không vào trưa cùng ngày, vài phút sau khi một trạm radar mặt đất phát hiện thiết bị trên. Đây là lần thứ 2 Pakistan được cho không thể đưa máy bay do thám vào Ấn Độ trong 6 ngày qua.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ở mức cao sau khi Không quân Ấn Độ không kích một trại huấn luyện khủng bố ở Balakot nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan và hành động đáp trả sau đó của Islamabad.
Trước đó, lực lượng Ấn Độ cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của Pakistan hôm 27/2 ở Kutch thuộc bang Gujarat dọc biên giới giữa hai nước.
Trong khi đó, Thủ hiến bang Punjab (Ấn Độ) giáp biên giới với Pakistan, ông Amarinder Singh ngày 4/3 cảnh báo Pakistan sẽ không do dự sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Islamabad cảm thấy bị thất bại trước Ấn Độ trong một cuộc chiến thông thường.
Lưu ý cả Ấn Độ và Pakistan đều là những nước sở hữu sức mạnh hạt nhân, ông khẳng định việc sử dụng loại vũ khí này không có lợi cho cả hai nước, nhưng Islamabad có thể có hành động mạo hiểm nếu họ bị thất bại trong những cuộc chiến khác, dù nước này đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế và phải đi tìm kiếm cứu trợ khắp nơi.
Tranh chấp kéo dài 7 thập niên giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir
Bất đồng tại khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan đã bùng phát từ năm 1947 và trải qua 7 thập niên khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng vì xung đột.
Vụ không kích “vượt biên” do Không quân Ấn Độ tiến hành nhằm vào Pakistan ngày 26/2 không phải là sự việc “nóng” duy nhất xảy ra giữa hai quốc gia Nam Á láng giềng này liên quan đến Kashmir.
Vì vị trí địa lý đặc biệt, Kashmir chưa thể được phân định thuộc về Ấn Độ hay Pakistan sau khi hai quốc gia này giành được độc lập từ Anh. Người lãnh đạo Kashmir khi đó là ông Maharaja Hari Singh vốn theo đạo Hindu, trong khi phần lớn dân số tại khu vực này là người Hồi giáo. Ông Maharaja Hari Singh quyết định Kashmir giữ vị trí trung lập. Tuy nhiên, điều này không thể kéo dài lâu khi cuộc chiến tranh nổ ra vào tháng 10/1947.
Cuộc chiến đầu tiên
Ấn Độ và Pakistan đụng độ quân sự lần đầu tiên vào tháng 10/1947, ba tháng sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Anh. Lực lượng vũ trang Pakistan đã xâm nhập vào bang Jammu và Kashmir. Maharaja Hari Singh đã tìm đến Chính phủ Ấn Độ nhờ hỗ trợ quân sự.
Tháng 8/1948, Liên hợp quốc đề nghị Pakistan rút binh sĩ, sau đó Ấn Độ cũng rút lực lượng vũ trang. Đến tháng 1/1949, Pakistan và Ấn Độ cùng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kèm theo nội dung 65% diện tích Kashmir do Ấn Độ kiểm soát trong khi phần còn lại thuộc về Pakistan.
Cuộc chiến thứ hai
Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết vào tháng 8/1965, Ấn Độ và Pakistan lại xảy ra đụng độ vì Kashmir một lần nữa. Lệnh ngừng bắn được ban hành vào tháng 9 cùng năm. Thủ tướng Ấn Độ khi đó Lal Bhadur Shastri và Tổng thống Pakistan M. Ayub Khan đã ký Thỏa thuận Tashkent vào ngày 1/1/1966.
"Động binh" năm 1999
Tháng 5/1999, Ấn Độ không kích đồng thời tấn công trên bộ vào vùng núi Kargil ở bang Jammu và Kashmir, viện lý do trước đó binh sĩ Pakitan lợi dụng thời tiết tuyết rơi dày đã đột nhập vào cơ sở quân sự của Ấn Độ.
Cuộc xung đột chỉ kết thúc sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif gặp gỡ tại Washington ngày 4/7/1999.
Bạo lực kéo dài âm ỉ
Chính quyền tại khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir bị tấn công vào tháng 10/2001 khiến 38 người thiệt mạng.
Tháng 9/2016, bốn tên khủng bố đột nhập và tấn công cơ sở của quân đội Ấn Độ tại Kashmir khiến 19 binh sĩ thiệt mạng.
Vụ việc mới nhất
Ngày 26/2, chiến đấu cơ Ấn Độ thả bom vào vùng Balakot thuộc Pakistan, nằm ngay sát LoC - ranh giới phân chia Kashmir làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát.
Ấn Độ khẳng định vụ tấn công này nhằm vào cơ sở huấn luyện khủng bố. Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu tập nhà ngoại giao của Ấn Độ tại Islamabad để phản đối động thái này.
Thảo Nhi (Theo TTXVN, Báo Tin tức, Vnews, Thông tin tư liệu)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất