09/03/2011 11:04 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Sáng qua 8/3, nhà văn, nhà phê bình Masatsugu Ono - một trong những cây bút trẻ đầy hứa hẹn của Nhật Bản đã có buổi thuyết trình tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam về nhiều vấn đề “nổi cộm’’ của nền văn học đương đại Nhật Bản.
Là một nhà văn, giảng viên, đồng thời cũng là một nhà phê bình, Masatsugu Ono có khả năng nhìn nhận văn học ở nhiều góc khác nhau. Trong buổi thuyết trình, Masatsugu Ono đã giới thiệu với độc giả Việt Nam về các “cây đại thụ’’ của văn học đương đại Nhật Bản đã nổi tiếng trên thế giới như: Murakami Haruki - tác giả của cuốn Rừng Nauy và OeKenzaburo - Nobel văn học 1994. Anh cũng mang đến cho độc giả Việt Nam những cái nhìn khá mới mẻ về văn học Nhật Bản.
Nhân dịp này, anh đã dành cho TT&VH một cuộc trò chuyện.
* Ở Việt Nam hiện nay, có 2 nhà văn Nhật Bản được biết đến là Murakami Haruki, Oe Kenzaburo... Theo anh, họ có phải là những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học đương đại Nhật Bản?
- Đúng vậy, họ đã trở thành những hiện tượng trong văn học đương đại Nhật Bản, được gắn với nhiều mỹ danh như: “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn best-seller”, “nhà văn của giới trẻ”. Hai nhà văn này có nhiều điểm tương đồng và khác biệt. Các tác phẩm của Murakami Haruki có kết cấu văn phong tuyệt vời, trong suốt, độc đáo, gợi những hình ảnh cụ thể nhưng không quá nặng về mặt văn học mà là sự pha lẫn thế giới huyền ảo, mang nhiều nét trinh thám. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn trong những tác phẩm của ông. Còn với Oe Kenzaburo, các tác phẩm của ông là sự cộng sinh với đứa con trai tật nguyền và ngôi làng quê hương - nơi có những truyền thuyết, thần thoại riêng và ông đã lấy nơi này làm hình mẫu cho nhiều tác phẩm. Thời trẻ các tác phẩm của ông chủ yếu về bạo lực và tình dục.
Về sự tương đồng, không riêng gì Murakami Haruki hay Oe Kenzaburo, nhiều nhà văn Nhật Bản hiện đại chịu ảnh hưởng khá lớn từ tác phẩm Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez.
Cứ 10 người Nhật có 1 người đọc Rừng Na Uy của Murakami
* Để chuẩn bị cho những buổi thuyết trình tại Việt Nam lần này, chắc hẳn anh đã xem danh sách những tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch tại Việt Nam?
- Tôi đã xem qua và tôi mong muốn văn học Nhật Bản được dịch nhiều hơn ở Việt Nam, cũng như các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch nhiều ở Nhật Bản. Tuy nhiên hiện nay, văn học Việt Nam được dịch ở Nhật Bản không nhiều. Tôi chỉ mới biết đến tác phẩm Thân phận của tình yêu của nhà văn Bảo Ninh vì tác phẩm này quá nổi tiếng ở Nhật Bản. Còn thực tế thì tôi không hiểu nhiều về văn học Việt Nam cũng như bất kỳ một tác phẩm nào.
Theo tôi, về phương diện văn học dịch giữa 2 nước gần đây có vẻ đang chững lại. Nhiều nhà văn có tiềm lực của Việt Nam vẫn đang suy nghĩ và hối hả viết mà chưa phổ biến trên thế giới. Hi vọng sắp tới, trong tủ sách của làng văn học thế giới, trong đó có Nhật Bản, tiếp tục có những pho sách quý của văn học Việt Nam.
* Ngoài những nhà văn quá nổi tiếng, thì tình hình xuất bản tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản hiện nay ra sao, thưa anh?
- Những nhà văn thuần túy như tôi, mỗi lần xuất bản thì thường khoảng 3.000 đến 4.000 bản và được đọc rất hạn chế, vì giới trẻ Nhật Bản hiện tại rất ít đọc văn học thuần túy.
* Vậy muốn để có những tác phẩm ‘’best-seller”, để thành “nhà văn của giới trẻ” anh quan tâm đến những vấn đề gì?
- Người viết văn không thể thờ ơ, đứng bên lề cuộc sống xã hội. Để có một tác phẩm chân thực, làm rung động lòng người, nhà văn cần phải “dấn thân”, đặt mình vào bối cảnh thực tế của xã hội, của câu chuyện. Murakami là một trong số ít các nhà văn Nhật Bản đương đại đã làm được điều đó. Tác phẩm Rừng Nauy của ông đã xuất bản 10 triệu cuốn trên khắp nước Nhật và toàn thế giới. Trung bình cứ 10 người Nhật lại có 1 người đọc tác phẩm này. Tác phẩm này cũng từng tạo nên cơn sốt tại Việt Nam. Theo tôi, Rừng Nauy đã thể hiện cái nhìn về xã hội Nhật Bản của tác giả thông qua nhân vật Wanatabe, 20 tuổi...
* Nhiều quan điểm cho rằng tác phẩm của Murakami và văn học Nhật Bản đề cao dục tính, anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Những đoạn văn miêu tả về tình dục trong các tác phẩm của Murakami Haruki thì không được coi là quá đáng và được cho là rất đẹp.
* Xin cảm ơn anh.
Masatsugu Ono (sinh năm 1970, hiện là giảng viên khoa Văn học, ĐH Meiji Gakuin) đã có nhiều giải thưởng trong sự nghiệp của mình. Tác phẩm đầu tay xuất bản năm 2001 có tên gọi Mizu ni Umoreru Haka, đã giúp anh đạt được giải thưởng Asahi New Writer (Giải thưởng Cây bút mới của Asahi). Tác phẩm thứ hai có tên gọi Nigiyakana Wan ni Seowareta Fune (tạm dịch: Con tàu neo Vịnh xôn xao) cũng được vịnh dự nhận được giải thưởng MishimaYukio. Cho đến nay, Masatsugu Ono đã được hai lần đề của cho giải thưởng Akutagawa, một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất ở Nhật Bản.
Hoài Ngọc (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất