Cánh buồm ký ức người Kẻ Chợ

05/02/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội có thêm một tấm biển văn hóa. Một tấm biển mang nhiều thông tin hơn biển giao thông chỉ báo tên phố, tấm biển mang nhiệm vụ khơi gợi ký ức cộng đồng.

Níu kéo hồn cốt 'nhà Tây'

Níu kéo hồn cốt 'nhà Tây'

Tham gia cuộc triển lãm “Tranh tối tranh sáng”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nói rằng anh muốn chia sẻ một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại hàm chứa nhiều câu chuyện: Toàn cầu hóa là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi ghê gớm nhất của nhà Hà Nội trong vòng một thế kỷ qua.

Đây là tác phẩm nghệ thuật thứ hai của nhà nghiên cứu - họa sĩ Trần Hậu Yên Thế được dựng vĩnh viễn tại địa chỉ di tích 22 phố Hàng Buồm - hội quán Quảng Đông xưa, vào cuối năm 2021 trong sự kiện Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Không gian ký ức số 22 Hàng Buồm.

Tác phẩm thứ nhất về biển phố Hàng Mã của ông được dựng năm 2017 trong dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng.

Cánh buồm trong ký ức phố Hàng

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: “đô thị cổ Trung Quốc từng có 360 phố hàng nhưng nay đã biến mất hoàn toàn. Vậy các con phố hàng còn tồn tại trong khu phố cổ Hà Nội đến ngày nay là một điều may mắn và hết sức độc đáo của Việt Nam. Khi người Pháp quy hoạch lại thành phố Hà Nội, họ chỉ can thiệp vào khu phố mới mở còn những khu phố cổ của người dân trước đó tự nguyện đến sinh sống và buôn bán các mặt hàng cùng nhau rồi đặt tên phố theo mặt hàng, thì người Pháp giữ nguyên. Đây cũng chính là sự nhạy cảm của người Pháp khi họ thấy được nét độc đáo và có lẽ là đáng yêu của Hà Nội”.

Chú thích ảnh
Tấm biển thứ nhất trên phố đi bộ Phùng Hưng

Hàng Buồm là một trong các con phố hàng nằm dọc bên bờ sông Nhị Hà (sông Hồng) và sông Tô Lịch của đất Thăng Long - Kẻ Chợ. Phố có tên tiếng Pháp là Rue des Voiles (phố Cánh buồm). Con phố này xưa kia là nơi bán các sản phẩm như bị, giỏ, chiếu, buồm, mành... Từ tài liệu của Viện quy hoạch Hà Nội, đầu thế kỷ 20, mặt chính của Hà Nội nhìn ra sông Hồng, con đường lớn ngay sát mép nước. Bến Chợ Gạo chi chít tàu đậu, hoạt động náo nhiệt: chở khách, chở hàng từ Hà Nội đi đến các tỉnh duyên hải cũng như các tỉnh trung du phía Bắc. Hà Nội với phố phường nổi trên mặt nước trong bức tranh của cố họa sĩ Nguyễn Thế Khang, không rõ đâu là phố đâu là sông. Cái tên Hà Nội chính là vùng đất bên trong sông hồ.

Trong suốt nhiều năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, họa sĩ - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế dành cho Hà Nội một sự quan tâm đặc biệt. Đó không chỉ là tình yêu mà còn là những trăn trở với văn hóa của mảnh đất này: “Hà Nội đã bị mất đi một số phố hàng. Mặc dù các mặt hàng đã không còn tồn tại nhưng nó cần thiết cho chúng ta có một ký ức cộng đồng. Khi chúng ta đắp con đê lên phòng lũ vô tình đã cản tầm nhìn ra sông Hồng. Có lẽ từ lâu, người Hà Nội đã mất ký ức về con sông, về nguồn gốc của Thăng Long - Kẻ Chợ”.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế bên trái - dựng biển phố Hàng Buồm

Nghệ thuật đương đại tiệm cận với đời sống

Ý tưởng về những chiếc biển phố trong một diện mạo mới được khởi nguồn từ dự án Qua Phố nhớ gì - Ký ức thành phố, ký ức di sản (NXB Thế giới) năm 2008. Nhưng phải tới năm 2017, khi tác giả tham gia dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, tác phẩm biển phố hàng đầu tiên mới trở thành hiện thực. Tấm biển đầu tiên đươc dựng ở phố đi bộ trong khuôn viên của dự án nghệ thuật. Và tấm biển thứ 2 này sẽ được dựng cố định đúng vị trí con phố của nó, cũng trong phạm vi ranh giới thuộc về di sản.

Chú thích ảnh
Biển phố được dựng ở ranh giới tiếp giáp trong khuôn viên di sản Hội Quán Quảng Đông (22 - Hàng Buồm)

Chia sẻ về vị trí của các tấm biển, họa sỹ Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Những tấm biển không có ý định thay thế cho biển chỉ đường giao thông. Nó vừa có nhận diện của biển báo giao thông (tên phố, cột) nhưng đồng thời cũng vượt quá và mang nghĩa biểu tượng, chỉ dấu văn hóa. Biển báo giao thông được áp đặt theo quy chuẩn tối giản của châu Âu. Tuy nhiên một lối suy nghĩ hậu hiện đại trong thực hành nghệ thuật ngày nay là giải quyết các vấn đề theo sắc thái địa phương. Ví dụ biển phố ở Thái Lan có sắc thái địa phương rất đặc sắc, có hình ảnh chùa chiền trên tấm biển, họ rất thành công trong việc đem đến cảm xúc cho cộng đồng”.

Bên cạnh đó, tấm biển hai mặt với hai ngôn ngữ tiếng Việt và Pháp còn có một ý nghĩa quan trọng khi được đặt chính tại vị trí 22 Hàng Buồm. Tác giả chia sẻ: “Có một thực tế ở Thăng Long khi đó là sự tồn tại và phát triển của cả 3 cộng đồng người Việt - Pháp - Hoa. Hội quán ở Hàng Buồm của người Hoa xây dựng là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng Hoa, điều đó phản ánh được mức độ tập trung và cũng là tiềm lực kinh tế của người Hoa ở đất Thăng Long. Vì thực sự nếu nhìn vào sự phồn hoa khu này, chính không gian Thăng Long - Hà Nội đã tạo cho họ cơ hội làm giàu. Bên cạnh đó, người Pháp cũng tạo điều kiện để họ phát triển. Chính việc đưa tấm biển vào không gian này như một minh chứng cho yếu tố Pháp - Việt trong không gian sinh sống của người Hoa ở Việt Nam. Tác phẩm trong bối cảnh nhắc chúng ta về không gian văn hóa Kẻ Chợ bao dung các cộng đồng khác nhau”.

Chú thích ảnh
Cột biển phố Hàng Buồm

Tấm biển cánh buồm được thiết kế vừa lạ vừa quen. Dưới hình thức một biển báo nhưng phía trên là yếu tố mỹ thuật cho hình ảnh cánh buồm với mây trời mang tính gợi tả cao về bối cảnh một cánh buồm trên sông. Đây là sáng tạo của nghệ sĩ cùng với chất liệu của truyền thống. Và như tác giả chia sẻ: “Đây chính là phương thức của nghệ thuật đương đại tiệm cận với đời sống. Một đô thị luôn có xu hướng tiến về phía trước. Khoa học công nghệ giải quyết vấn đề con người sống nhanh hơn, tốc độ hơn, nhưng nghệ thuật là cách thức để con người sống chậm hơn, tận hưởng cuộc sống. Khi có biển phố Hàng Mã, nhiều người đến đó chụp ảnh thích thú, việc họ dừng lại quan sát để nghĩ ngợi gì đó… đã làm cho mọi người sống chậm hơn. Đó cũng là quyền lực của nghệ thuật. Đời sống hiện đại không có nghĩa là chúng ta không có gì của quá khứ. Đó cũng là một triết lý sống. Khẩu hiệu “the less is the more” (ít hơn chính là nhiều hơn - ý nói về sự súc tích) chưa chắc đã đúng với các vấn đề của từng địa phương”.

Khi tấm biển phố với cánh buồm được dựng, người dân đi bộ qua khuôn viên di tích hội quán sẽ nán lại để nhìn ngắm và suy nghĩ. Biểu tượng về cánh buồm và dòng sông chắc hẳn sẽ được in đậm thêm trong ký ức cộng đồng. Trong tâm sự của mình, tác giả còn lưu luyến với nhiều con phố hàng của Hà Nội đã bị mất tên như phố Hàng Tranh, phố Hàng Kèn… Ông tưởng tượng: “Nếu một ngày chúng ta dựng được những tấm biển nghệ thuật cho con phố để người ta hình dung ra những địa danh xưa… những người nước ngoài đến Việt Nam thấy được con người Việt, văn hóa Việt Nam khác biệt, đa dạng và sinh động, họ sẽ thích thú hơn và tìm lại câu chuyện về thành phố”.

Những tấm biển như thế sẽ làm giàu hơn cho thành phố. Đó chính là thực hành nghệ thuật đương đại của người nghệ sỹ.

Trần Thu Huyền. Ảnh: Tác giả cung cấp
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm