Câu chuyện từ quá khứ
Năm 2001, Ba Tí (tức Hùng Ngọc Vạn Tắc) lúc ấy lâm bệnh nặng. Thế nhưng, khi nhắc đến cái tên Cảng Sài Gòn, “đầu lĩnh” này nói một hồi không dứt: “Tôi theo đội bóng CSG của cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang từ cái ngày 1/11/1975, khi CSG mới thành lập”. Ông vỗ ngực tự hào, không có trận đấu nào của CSG từ Bắc chí Nam mà ông vắng mặt. Sau này bệnh nặng, ông không đi xa được. Nhưng những trận CSG đá trên sân Thống Nhất, ông bảo con cháu hay anh em trong Hội CĐV chở ông đi xem cho bằng được.
Ba Tí có 1 chuyện vui và đầy ý nghĩa, đó là việc trận nào, ông cũng bỏ 1 triệu đồng ra thuê dàn kèn... đám ma ở quận 4 vào sân Thống Nhất thổi ầm ĩ để cầu thủ mình đá cho sung. Vì thế sau này, hội CĐV có sáng kiến may chiếc áo truyền thống khổng lồ giá 4 triệu để treo trên khán đài. Ông Ba Tí còn nhắc anh em phải cho in thêm chữ “fair-play” (chơi đẹp) dưới cái tên Cảng Sài Gòn nữa. Mấy lần đưa các CĐV và đội kèn đi sân Nha Trang, Quy Nhơn. Hội CĐV CSG nổi tiếng nhất nước không hẳn vì lần đầu tiên thành lập (1996) mà nhờ sự cổ vũ rất chuyên nghiệp và quy củ. Cuối năm 2004, ông Ba Tí bệnh nặng đã ra đi trong tiếng kèn da diết của những người yêu mến ông!
CĐV TMN.CSG (phải) đang đếm ngược ngày chia tay
Anh Hồng Hải (Hải Cao), ủy viên BCH Hội CĐV nhớ lại: “12 năm trước, anh và Ba Tí ngược xuôi xin thành lập Hội CĐV CSG rất khó khăn. Đã một lần đau đớn khi Cảng gắn vào cái đầu Thép. Anh trả cái chức hội trưởng sau khi bạn vong niên Ba Tí mất. Nhưng Hải vẫn vấn vương, vì với anh, tình yêu của CSG giống như “cha truyền con nối”. Cha anh (ông Ba Hiền) từng chơi cho đội Gia Định, thời của Tam Lang nhưng lại rất mê Cảng Sài Gòn bởi cái nét hào hoa, lãng tử. Năm 2001, trước khi nhắm mắt, ông nhắn nhủ con trai một ước nguyện sẽ được chôn theo chiếc áo của CSG. Ngày ông đi, cựu tuyển thủ Đặng Trần Chỉnh không cầm được nước mắt, tận tay bỏ vào quan tài ông chiếc áo số 10 của mình và một trái banh của đội... Nói xong, anh Hải ngậm ngùi: “ Giờ nếu ba tôi còn sống, chắc hẳn ông đau đớn lắm!”. Đó 2 câu chuyện chúng tôi lược ghi từ forum của Hội CĐV TMN.CSG.
Câu chuyện của hiện tại
Cuối giờ chiều ngày 6/11/2008, TT&VH nhận được điện thoại kêu cứu từ Hội CĐV TMN.CSG. Qua điện thoại, anh Tạ Công Thịnh phản đối không dứt về chuyện “khai tử” cái tên CSG. Cùng quan điểm là anh Đặng Đức Minh (Hội trưởng) kịch liệt phản đối chuyện đổi tên và nhờ giới truyền thông “tác động” đến lãnh đạo TMN.CSG.
Những ngày sau, trên nhiều tờ báo, kênh truyền hình đều lên tiếng và có khuynh hướng ủng hộ việc giữ tên. Hội CĐV CSG đã đấu tranh bằng hành động, xây dựng diễn đàn, thu thập ý kiến, chữ kí những CVĐ lão thành, từ những thế hệ cầu thủ nổi tiếng: Tam Lang, Đặng Trần Chỉnh… Các chuyên gia cũng đã xuất hiện và lên tiếng ủng hộ. Các CĐV đều lên tiếng muốn giữ lại cái tên CSG…Trước sức ép của dư luận, cuộc họp đổi tên đã phải hoãn lại để giảm bớt sức nóng.
Nhưng kết quả, sau bao nhiêu ngày nín thở đợi chờ là gì? Cảng Sài Gòn hay TMN.CSG hiện nay đã chính thức bị “khai tử” để chuyển đổi thành tên mới CLB TP.HCM.
Trận khai mạc giải bóng đá các CLB vô địch VN, giữa TMN.CSG và Thể Công, ở khán đài B, nơi CĐV CSG thường hội quân, đã không có đồng phục, kèn, trống, “chiếc áo 4 triệu” và những bản nhạc quen thuộc. Chỉ có lèo tèo vài chục CĐV và một cái băng rôn với hàng chữ “Một ngày Cảng Sài Gòn, mãi mãi Cảng Sài Gòn”. Những tiếng hô lọt thỏm giữa khoảng trống mênh mông của Sân Thống Nhất. Ai cũng hiểu đấy là những người trung thành nhất của TMN.CSG. Họ bảo: “Đã coi CSG đã là đứa con tinh thần, thôi thì… nghĩa tử là nghĩa tận, đến tạm biết một cái tên vĩ đại, một tượng đài đã đi vào lịch sử”.
Lời kết cho tương lai bỏ lửng
Từ câu chuyện quá khứ đến hiện tại, bao thế hệ CĐV của CSG đều có một đặc điểm chung đó là lòng trung thành. Trên mỗi bước đường thành công của CSG hay TMN.CSG đều có hình bóng của những CĐV trung thành này. Hơn 12 năm tồn tại, Hội CĐV CSG đã là một phần lịch sử và là niềm tự hào không chỉ riêng bóng đá Sài Gòn mà còn cả Việt Nam. Chắc chắn rồi đây CLB TP.HCM cũng sẽ có một hội CĐV cho riêng mình nhưng để tìm lại lòng trung thành không hề là chuyện đơn giản...
Đức Hiền