12/05/2021 21:38 GMT+7 | Thế giới
(Tehthaovanhoa.vn) - Miền đất linh thiêng Jerusalem vẫn chưa thể yên bình sau khi bạo lực liên tục leo thang giữa quân đội Israel với người biểu tình Palestine ở khu vực này những ngày qua. Bạo lực leo thang có nguy cơ thổi bùng lên ngọn lửa xung đột vốn chưa bao giờ tắt ở Trung Đông.
Miền đất luôn không yên bình
Jerusalem trong tiếng Semitic cổ có nghĩa là “Thành Phố của Hòa Bình”. Vây quanh bởi những bức tường hơn 700 năm tuổi, Thành Cổ Jerusalem đã chứng kiến nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong lịch sử tồn tại và phát triển của Trung Đông. Trong suốt quá trình lịch sử tồn tại, Jerusalem đã chứng kiến biết bao cuộc xung đột đẫm máu nhằm tranh giành nó. Thành phố này có một vị trí rất quan trọng trong đức tin của 3 tôn giáo lớn trong khu vực là Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Cả 3 tôn giáo này đều xem Jerusalem là “thánh địa” và cuộc tranh giành vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.
Đối với người Thiên Chúa Giáo, Jerusalem là nơi chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây. Người Hồi Giáo xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời, trong khi người theo Do Thái Giáo xem Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái, là nơi có đền thờ thiêng liêng của vua Salomon.
Người Israel và người Palestine vẫn liên tục xung đột để tranh giành Jerusalem.
Năm 1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, của người Arab (đó là Nhà nước Palestine) và của người Do Thái. Trong khi thực tế, lịch sử vùng đất này thuộc về người Arab, người Do Thái chỉ bắt đầu “hồi hương” về Palestine từ năm 1917 theo kế hoạch của Anh khi đó nắm quyền ủy trị Palestine.
Người Palestine đã không chấp nhận Nghị quyết của Liên hợp quốc. Vì thế, Jerusalem tiếp tục bị chia rẽ cho đến khi Israel chiếm hoàn toàn Jerusalem sau cuộc Chiến tranh 6 ngày (năm 1967). Sau cuộc chiến này, Israel đã tuyên bố lấy Jerusalem là thủ đô của mình. Tuy nhiên, điều này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận và không có đại sứ quán nước ngoài nào đóng ở Jerusalem.
Năm 1996, sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, cố chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat đã tuyên bố lấy Jerusalem làm thủ đô của nhà nước Palestine đang hình thành. Trước đó năm 1980, Quốc hội Israel cũng đã đơn phương tuyên bố: “Lấy Jerusalem làm thủ đô vĩnh viễn của Israel”.
Cuộc tranh giành Jerusalem vì thế được coi là nơi đụng độ giữa các tôn giáo lớn, với một bên là Israel - đại diện cho Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, và một bên là Palestine - có sự hẫu thuẫn của thế giới Hồi Giáo. Cuộc giao tranh đẫm máu này cứ thế tiếp diễn khi Palestine luôn đưa Jerusalem vào vấn đề thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Trong khi Israel lại không bao giờ chấp nhận từ bỏ “thánh địa” của mình.
Cũng kể từ khi có nghị quyết của Liên hợp quốc chia đôi vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, người Do Thái trở về vùng đất Palestine đã tăng đáng kể. Nhằm hợp thức hóa vùng đất được xem là “thánh địa” của mình, Israel đã tiến hành việc xây dựng nhà định cư cho người Do Thái hồi hương tại khu vực tranh chấp với Palestine.
Đến nay, Israel đã tiến hành xây dựng hàng nghìn nhà định cư Do Thái ở khu Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Israel cho rằng, các khu định cư là cần thiết cho an ninh của nước này và người Palestine phải công nhận quyền tồn tại của Israel nếu có một hòa ước. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, hoạt động xây dựng nhà định cư của Israel chính là một chướng ngại lớn đối với hòa bình ở Trung Đông. Hành động này của Israel đã gây ra sự phản đối lớn từ những người Palestine, làm bùng lên các cuộc biểu tình và những vụ tấn công của người Palestine nhằm vào người Israel trong nhiều thập kỷ qua.
Từ năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục gây sức ép buộc Chính phủ Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và khôi phục lại tiến trình hòa bình với Palestine. Tuy nhiên, chính quyền Israel vẫn tiếp tục cho phép mở bán những ngôi nhà được xây dựng tại khu định cư ở Đông Jerusalem, song song với đó, chính quyền Israel vẫn tiếp tục thông qua kế hoạch xây dựng thêm các khu nhà định cư tại các vùng lãnh thổ tranh chấp với Palestine. Những hành động này khiến cho tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine luôn lâm vào bế tắc.
Trong lúc tiến trình hòa bình Israel-Palestine vẫn trong tình trạng bế tắc, việc chính quyền Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump chính thức chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới vùng đất thánh Jerusalem (ngày 14/5/2018), đồng nghĩa với việc mặc nhiên thừa nhận đây là thủ đô vĩnh viễn của Nhà nước Do Thái, đã tiếp tục làm “chảo lửa” Trung Đông bùng nổ trở lại. Động thái này của cựu Tổng thống Trump khi đó được ví như một "cú đòn" giáng mạnh vào thế giới Hồi giáo và các nước Arab, gây ra hàng loạt phản ứng giận dữ từ ngay các nước đồng minh của Mỹ. Với quyết định này, cựu Tổng thống Trump không những đã phá vỡ chính sách hàng thập kỷ qua của Mỹ tại Trung Đông mà còn được cho là đặt dấu chấm hết cho nỗ lực đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine.
Miền đất linh thiêng Jerusalem vì thế chưa thể yên bình sau hàng thế kỷ xung đột.
Bạo lực lại quay trở lại
Những mâu thuẫn nội tại và dai dẳng trong quá khứ giữa Israel và Palestine lại đang bùng lên những tuần gần đây. Không khí căng thẳng và bạo lực leo thang tại Đông Jerusalem khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Thực ra, căng thẳng ở Đông Jerusalem bùng phát mạnh từ hồi tháng 4/2021 khi người Palestine biểu tình phản đối cảnh sát Israel ngăn không cho họ vào Thành cổ Jerusalem (Old City), trong đó có nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, trong tháng diễn ra lễ Ramadan của người Hồi giáo. Người Palestine coi đây hành vi hạn chế quyền tự do tụ họp, trong khi phía cảnh sát Israel cho rằng đó là biện pháp duy trì trật tự. Ngoài ra, họ cũng tức giận vì các nhà chức trách Israel trục xuất một số người Palestine ra khỏi nhà để nhường chỗ cho người định cư Israel. Thực tế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ đụng độ kể từ đầu năm nay, khi Tòa án vùng Jerusalem ra phán quyết ủng hộ người định cư Do Thái, những người đòi khu đất ở Sheikh Jarrah mà đang là nhà của nhiều gia đình Palestine.
Điều này đã khiến đụng độ qua lại và gây thương vong cho cả hai phía. Mới nhất, cảnh sát chống bạo động của Israel đã trấn áp mạnh tay đối với hàng trăm người Palestine tại đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem, khiến khoảng 170 người bị thương. Xung đột bùng lên sau khi một số người Palestine quá khích ném đá, chai lọ và pháo hoa về phía cảnh sát Israel và lực lượng này đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn. Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine đã phải dựng bệnh viện dã chiến ở gần khu vực xảy ra xung đột.
Không những vậy, liên tiếp trong những ngày qua, cả Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza còn phóng hàng trăm qua rocket về phía lãnh thổ của nhau. Nhóm vũ trang Palestine Jihad Hồi giáo ở Dải Gaza ngày 12/5 tuyên bố đã bắn 100 quả rocket vào Israel. Trước đó một ngày, phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza cho biết đã phóng 130 quả rocket vào thành phố Tel Aviv và khu vực miền Trung của Israel "nhằm đáp trả việc kẻ thù tấn công các tòa nhà dân sự cao tầng". Vụ tấn công đã khiến Israel phải kích hoạt hệ thống đánh chặn và báo động tại tất cả các khu vực nơi có đạn pháo hướng tới.
Trước đó cũng trong ngày 11/5, quân đội Israel đã mở chiến dịch tấn công vào 140 địa điểm của Hamas tại Dải Gaza, khiến 1 chung cư 13 tầng tại Gaza đã bị đổ sập do trúng không kích. Các nguồn tin báo chí Palestine cho biết ít nhất 30 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ không kích của Israel. Cuộc xung đột giữa Israel và các tay súng Palestine ở Dải Gaza đang ngày càng leo thang, gây nên mối lo ngại về cuộc chiến tranh toàn diện.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng xung đột
Trước diễn biến bạo lực leo thang giữa người Palestine và Israel, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tránh gây thêm thương vong.
Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ thất vọng trước tình hình thương vong gia tăng, bao gồm nhiều trẻ em, trong các vụ không kích của Israel tại Dải Gaza, cũng như thiệt hại tại Israel do các vụ phóng rocket từ Gaza. Liên hợp quốc hiện đang khẩn trương làm việc để giảm leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Ngày 8/5, các thành viên Bộ tứ Trung Đông, gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Đông Jerusalem và kêu gọi các bên kiềm chế. Nhóm hòa giải khẳng định lại cam kết thúc đẩy giải pháp hai nhà nước trong giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.
Tiếp đó ngày 10/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp khẩn theo đề nghị của 9 nước thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm Tunisia, Ireland, Trung Quốc, Estonia, Pháp, Na Uy, Niger, Saint Vincent và Grenadines và Việt Nam.
Các nước trong khu vực Trung Đông như Iran, Iraq, Libya, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng chỉ trích hành vi bạo lực nhằm người Palestine, thúc giục cộng đồng quốc tế gây sức ép với Israel. Saudi Arabia còn lên án hành động của lực lượng chức năng Israel đuổi người Palestine khỏi nhà của họ, nhằm áp đặt chủ quyền; nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm luật quốc tế, cản trở nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước. Vừa bình thường hóa quan hệ với Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng vẫn chỉ trích hành vi bạo lực với người Palestine, kêu gọi Israel có động thái giảm căng thẳng...
Bên ngoài khu vực, Nga cũng lên án hành động tiến công dân thường và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh mọi hành động khiến bạo lực leo thang. Moskva nhắc lại quan điểm phản đối việc chiếm đất và bất động sản, xây khu định cư trên các vùng đất Palestine bị chiếm đóng.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/5 cũng kêu gọi cả Israel và Palestine tránh gây ra những cái chết "vô cùng đáng tiếc" cho dân thường. Theo các nhà phân tích, bạo lực gia tăng đang làm dập tắt tia hy vọng nối lại đàm phán Israel-Palestine, vốn được nhen nhóm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền và có các bước đi đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm về tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông Biden đã nỗ lực đưa Mỹ trở lại vai trò trung gian nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine, với tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước và nối lại viện trợ cho Palestine.
Có thể thấy xung đột leo thang là hệ quả của nhiều năm căng thẳng giữa Israel và Palestine cùng những tranh chấp cứ âm ỉ. Nếu không được xử lý khéo léo, căng thẳng tại Jerusalem có nguy cơ lan rộng ra các vùng lãnh thổ khác của Palestine. Và tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ ngày càng trở nên mù mịt.
Thanh Lâm TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất