05/07/2019 15:09 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã đề cập ở số báo trước (bài viết "Quan" thể thao, "quan" bóng đá), việc 1 loạt cán bộ quản lý thể thao và bóng đá vừa bị bắt hoặc từ nhiệm đã chỉ ra thực tế đáng buồn trong địa hạt này. Mà nguyên do chính ở đây là cách nghĩ, cách làm không còn hợp thời, hoặc chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân.
Cách đây đôi tháng, thời điểm chỉ vài ngày trước khi giải hạng Nhì quốc gia 2019 khởi tranh, CLB Bến Tre đã phải giải thể. Không cần phải có cuộc họp khẩn nào, chỉ cần lá đơn của vị nữ tướng Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bến Tre gửi ra VFF. Sáng có đơn đồng ý tham dự, chiều là một lá đơn khác xin rút.
Liên đoàn bóng đá Bến Tre (đơn vị “sở hữu” CLB hạng Nhì Bến Tre) cũng bị giải thể sau đó, khi đã có những cảnh báo về sai phạm trong sử dụng tài chính, hạ tầng và “nội bộ mất đoàn kết, gây ảnh hưởng…” của UBND tỉnh.
Vấn đề là quyền lợi và ăn chia không đều, rót tiền không đúng kỳ hạn và cả những vấn đề nhân sự cài cắm. “Chị đã ở tuổi thất thập rồi, còn bon chen làm gì nữa và câu chuyện không như em nghe từ một hướng đâu”, đấy là chia sẻ của vị nữ tướng bảo hộ quyền lợi của bóng đá xứ dừa.
Một Liên đoàn nhỏ, nhưng nhân sự đã lới gần 30 con người và không biết họ đã làm những gì sau một năm thành lập, trước khi bị giải thể. Bóng đá Bến Tre quyết định làm lại từ giải hạng Ba, nhưng không liên quan gì đến địa phương nữa, mà là gói đầu tư tư nhân, với vẫn là ông bầu có số má vốn nặng tình với quê hương.
“Lần này chúng tôi tự làm, không liên quan và không ảnh hưởng tới ai cả”, HLV Trần Duy Quang, một trong những cầu thủ thành danh bậc nhất trong lịch sử bóng đá Bến Tre, chia sẻ.
Liên đoàn bóng đá Bình Định, có vị mang học vị tiến sỹ, nhưng bóng đá địa phương này đã và đang lụn bại, hiện đang thi đấu ở giải hạng thấp, lay lắt và từng đánh tiếng giải thể. Nói thế để thấy rằng, cách làm, cách tư duy bóng đá kiểu cũ đã không còn hợp thời nữa và công nghệ là bắt buộc.
Câu chuyện của bóng đá Bến Tre, như Thể thao & Văn hóa đã từng đề cập, đến mới nhất là quyết định khởi tố bắt tạm giam của Cơ quan điều tra Công an Thanh Hóa đưa ra với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá xứ Thanh, ông Lê Văn Nam, cùng 2 thuộc cấp cũ…, cũng là câu chuyện tương tự, khi mà các ông "quan" nghĩ đến lợi ích của mình, nhiều hơn là sự phát triển của thể thao, của bóng đá.
Thực ra, Liên đoàn thể thao nào cũng có vấn đề, từ bóng chuyền đến tennis, điền kinh, thậm chí là đấu kiếm như trường hợp của ông Hoàng Trung Thắng, Trưởng bộ môn đấu kiếm thuộc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa. Rõ ràng, "quan" bóng đá hay "quan" thể thao, có tiếng nói và có quyền lợi đi kèm, trong địa hạt mà họ hoạt động, quản lý.
Ngay với các CLB được tư nhân hóa, tức là đã tách bạch tương đối với địa phương và chỉ chịu sự chi phối rất hạn chế của địa phương, những ông "quan" kiểu này thậm chí còn nhiều “màu” hơn, với túi tiền của các ông bầu rót xuống.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam, trong 2 nhiệm kỳ gần nhất, đã có ít nhất 2 vị Phó chủ tịch buộc phải từ chức khi còn đương nhiệm. Trước là ông Phó phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ, đến khóa VIII mới đây là ông Phó phụ trách tài chính – tài trợ Cấn Văn Nghĩa, sau chỉ 6 tháng được bầu. Hiệu ứng domino, không biết chừng trong tương lai gần, sẽ thêm ai nữa phải ra đi, khi đã có những bật đèn xanh từ hậu trường.
Lĩnh vực thể thao và bóng đá Việt Nam vốn phức tạp và nhức đầu thế, tại sao người ta vẫn cố len vào, cố kiếm lấy cái ghế từ nhỏ nhất đến cao nhất có thể, thậm chí không trừ mọi thủ đoạn đấu đá – hạ bệ lẫn nhau? Phải chăng vì lợi ích cá nhân? Với những ông "quan" kiểu đó, mà thiếu những người làm việc thực sự, thử hỏi làm sao mà thể thao nói chung và bóng đá nói riêng phát triển cho được....
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất