(TT&VH Cuối tuần) - Bảo tồn Những báu vật nhân văn sống Việt Nam, tên dự án và ý đồ quá đẹp, công việc quá cần thiết và quá cấp bách. Nhưng cho phép tôi nói thật điều này: có lẽ tôi là người bi quan. Vừa rồi một anh bạn tôi, nghệ sĩ Trần Phong, mới cho in một tập sách ảnh về lễ hội ở Tây Nguyên, anh có nhờ tôi viết mấy lời giới thiệu, không phải vì tôi là người có am hiểu gì lắm chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật, mà vì anh và tôi, cả hai chúng tôi đều vô cùng yêu mến và cũng vô cùng lo lắng về những "báu vật" anh đã bỏ hơn 30 năm lăn lộn khắp núi rừng để ghi lại đó, ngày nay hầu như tuyệt đối không còn cách gì tìm lại, ghi lại được nữa, dù có tốn bao nhiêu công, bỏ bao nhiêu của, với bao nhiêu máy móc tinh vi hiện đại.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Những tượng nhà mồ cứ như là nguyên thủy, những nhà rông thật của làng thật chứ không phải "nhà rông văn hóa" của nhà nước, những cây cột lễ thật của một làng thật được sáng tác trong một ngày lễ hội thật của làng, Ê Đê, Mơ Nông, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai …, cổ xưa mà hiện đại đến kinh ngạc, và đẹp lạ lùng… Trong lời giới thiệu ngắn, và chắc là hơi buồn nữa, viết cho tác phẩm của Trần Phong, tôi có nói rằng ở Tây Nguyên hiện nay đang diễn ra một cuộc vật lộn văn hóa dữ dội, hoặc đúng hơn, một cuộc vật lộn dữ dội giữa văn hóa và kinh tế, bảo tồn và phát triển, trong đó, như bao giờ cũng vậy, văn hóa yếu hơn nhiều, lép vế hơn nhiều, văn hóa đã thua, đang thua, thậm chí có thể rồi sẽ thua đến "nốc ao". Chắc chắn không chỉ ở Tây Nguyên, tôi nói đến Tây Nguyên vì tôi biết nhiều hơn về vùng đất và người ấy. Ở đâu cũng vậy, trên khắp đất nước ngày nay, từng ngày, từng giờ đang diễn ra cuộc vật lộn sinh tử đó, và cũng không lâu lắm nữa đâu, sực quay nhìn lại ta bỗng nhận ra là ta đã sạch tay. Và đấy là khi ta đã giàu lên, đời sống đã tiện nghi hơn nhiều, GDP đầu người có thể đã bằng chị bằng em, các thành phố đã hiện đại chẳng thua ai …, thì cũng là lúc ta buồn rầu và bất lực biết ra rằng ta cũng nghèo đi rất nhiều, cái nghèo nguy hiểm nhất, nghèo khốn về tinh thần, khô cằn và lạc lõng giữa cuộc đời, do mất hết rồi những gì thuộc về cội nguồn sâu xa nhất của văn hóa. Những báu vật văn hóa vô giá.
Mà đấy là mới nói đến những "báu vật chết", những tinh túy văn hóa đã được cố định thành sản phẩm vật chất, bằng gỗ, bằng đá, bằng đồng …, nghĩa là có thể được bảo tồn không quá khó khăn, nếu ta không chỉ một mực cắm cúi nhắm mắt chạy theo kinh tế, theo cái gọi là "phát triển" với bất cứ giá nào - như đang làm hiện nay. Còn quan trọng hơn, bởi vì mong manh hơn, hữu hạn hơn, bất khả kháng hơn, là những "báu vật văn hóa sống". Vì đây là con người. Trên thế gian này còn có gì mong manh hơn, hữu hạn hơn, bất lực, bất khả kháng trước cái chết hơn là con người? Mà con người lại là tác giả duy nhất và tuyệt đối của văn hóa. Sáng nay anh Đỗ Hồng Kỳ, nhà sưu tầm sử thi say mê, mới nói với tôi về ông Điểu Kâu vừa mất cách đây một tháng, ở tuổi 85. Sẽ không hề quá đáng chút nào khi khẳng định rằng với cái chết của ông Điểu Kâu, chúng ta đã mất đi một báu vật văn hóa độc nhất vô nhị, chắc chắn không chỉ của dân tộc Mơ Nông, của Tây Nguyên, cũng có thể không chỉ của Việt Nam. Đấy là người am hiểu vô cùng sâu sắc văn hóa Tây Nguyên, một trí tuệ uyên bác và một tâm hồn thuần Tây Nguyên, người có trí nhớ phi thường, có thể kể suốt hàng tháng, hàng năm hơn 100 sử thi Mơ Nông. Một pho từ điển bách khoa về văn hóa và sử thi Mơ Nông. Vâng, chúng ta vừa mất đi một con người như vậy đấy. Rất may những năm qua nhiều anh chị em tâm huyết - và sáng suốt nữa - đã ghi lại được một phần những sử thi Mơ Nông do ông Điểu Kâu kể lại. Nhưng ông còn mãi mãi mang đi những gì, có ai biết? Một phần, có thể là phần rất quan trọng của văn hóa cổ truyền Mơ Nông, một trong những dân tộc có truyền thống văn hóa phong phú và sâu sắc nhất ở Tây Nguyên, đã vĩnh viễn mất đi.
Nghệ nhân Điểu Kâu (trái) Và TS Đỗ Hồng Kỳ |
Đã nhắc đến ông Điểu Kâu ắt không thể không nói đến hai người nữa: ông Điểu Klứt, anh ruột, và ông Điểu Klung, em ruột của ông Điểu Kâu, cũng là những người rất am hiểu và thuộc sử thi Mơ Nông. Một gia đình tuyệt diệu biết bao. Ta biết những điều đó như một tin vui, nhưng có lẽ nhiều hơn, rất nhiều hơn nữa, như một mối lo lớn: các ông đều đã trên dưới 80, ngoảnh đi ngoảnh lại rồi có còn không đây? Cái gia đình văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất nước ấy còn tồn tại được nữa bao nhiêu lâu nữa. Có ai, có tổ chức nào đã quan tâm, đã nghĩ ra và có kế hoạch gì đối với những "tàn tích" cuối cùng này của văn hóa và sử thi Mơ Nông, một vùng sử thi vô cùng kỳ lạ cả về chiều sâu lẫn độ dày, theo chỗ tôi biết, hầu như trên thế giới chưa thấy có nơi nào bằng.
Tôi được biết đang có một dự án khai thác bô-xít khổng lồ ở Đắc Nông, quê hương ngàn đời của người Mơ Nông và của sử thi Mơ Nông. Sẽ phải cạo sạch hàng ngàn hecta rừng, dời đi hằng trăm làng cư dân bản địa, đào sâu hàng chục mét để moi lấy quặng. Người ta nói về những nhà máy nhôm sừng sững, những thành phố công nghiệp náo nhiệt… sẽ mọc lên. Trong cái dự án đồ sộ này, khi thiết kế nó, khi thực thi nó, có chút lưu tâm hay kế hoạch nào đối với văn hóa Mơ Nông, sử thi Mơ Nông? Tôi xin nói lại lần nữa: tôi là người bi quan. Thật vậy đấy, những ông Điểu Kâu, Điểu Klứt, Điểu Klung … là gì đây trước cái sự nghiệp bauxit hùng vĩ này trên chính quê hương họ? Họ nhỏ bé, vô nghĩa cho đến nổi không có lấy một dòng trong cái dự án kiêu căng đang triển khai ngay trên mảnh đất mà họ là những người am hiểu sâu sắc nhất, tận ngọn nguồn xa nhất, sâu nhất của nó… Và những người khác nữa: ông Y Niê ở Dắc Lắc, chuyên gia đặc sắc về sử thi Ê Đê, ông A Lưu ở Kontum, "chuyên gia" sử thi Ba Na, ông Ker Tíc, ông Y Công … những nhà điêu khắc tuyệt vời của dân tộc Cơ Tu. Và bao nhiêu người nữa, cũng "vô danh" như vậy trước những dự án phát triển của chúng ta…
Tôi đã nói về văn hóa và sử thi Mơ Nông, bởi vì sử thi Mơ Nông là một hiện tượng quá đặc sắc, quá kinh ngạc. Tôi đã nói đến Tây Nguyên vì đấy là vùng đất tôi biết nhiều hơn đôi chút, tuy tôi rất hiểu rằng những gì đang diễn ra đối với "những báu vật văn hóa sống" ở Tây Nguyên cũng đang diễn ra khắp nước. Và tôi nói rằng tôi bi quan bởi vì, như ta đang thấy đấy, qua một ví dụ "so sánh lực lượng" giữa văn hóa và sử thi Mơ Nông với bô-xít Đắc Nông, tiếng nói của văn hóa quả thật rất yếu trước tiếng nói của kinh tế.
Tôi cho rằng cần có cái nhìn bi quan như vậy, để mà biết và khẳng định rằng vấn đề đang nghiêm trọng, hết sức nghiêm trọng. Đang mất hết, sẽ mất hết, mà là mất những gì tuyệt đối không còn tìm lại được nữa, cũng không "phục dựng" được nữa (như chẳng hạn có thể phục dựng những một ngôi nhà rông, một ngôi chùa cổ …) - làm sao có thể "phục dựng" con người!. Cần biết bi quan.
Và bây giờ những người biết bi quan, chúng ta hãy cùng nhau làm một cái gì đó để cho ngay chính chúng ta sẽ đỡ bi quan hơn, sẽ còn hy vọng được ít nhiều. Hãy làm một cái gì đó để kịp cứu lấy những gì rất quý, vô cùng quý, vô giá đang đứng trước nguy cơ mất đi, từng ngày, từng giờ, từng phút. Trước hết hãy truyền niềm bi quan của chúng ta cho những ai còn dửng dưng, còn chỉ một mực nhắm mắt lao tới. Hãy lên tiếng, hãy báo động. Níu tay xã hội, níu tay các nhà kinh tế, níu tay những nhà lãnh đạo, níu tay nhân dân lại mà báo động. Và mỗi người, anh, chị ,bạn, tôi, mỗi người hãy nói cho mọi người biết những "báu vật văn hóa sống" đang có nguy cơ biến mất mà mình biết. Và cùng nhau nghĩ cách cứu lấy, từng cái, cụ thể, bằng những biện pháp cụ thể và thiết thực…
Nhìn thẳng và bi quan đi, để mà từ đó có quyết tâm lớn hơn.
LTS: Giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa thế giới hay một quốc gia, một dân tộc để lại, đó chính là DI SẢN VĂN HÓA (theo Đại từ điển Tiếng Việt). Không chỉ có 7 di sản được xếp hạng thế giới, trên khắp đất nước ta còn có hàng ngàn, hàng vạn những báu vật của di sản của cha ông, được truyền giữ từ đời này qua đời khác, có thể không to lớn đồ sộ, không lộng lẫy bắt mắt, có cái còn nằm lẩn khuất trong dân gian chưa được nhiều người biết đến, hoặc cũng có thể quen thuộc đến mức nhiều lúc ta thấy rất bình thường... Thế nhưng, chính những giá trị nhiều khi rất “vô hình” ấy đã góp phần làm nên diện mạo, cốt cách văn hóa của dân tộc và khẳng định bản sắc văn hóa của chúng ta trong một thế giới phẳng.
Khởi động lại một chuyên mục từng xuất hiện trên TT&VH từ những năm 2001 - 2005 - Báo động từ vốn di sản sẽ trở lại trên TT&VH Cuối tuần bắt đầu từ hôm nay (7/11). Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông cùng tên với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh những di sản văn hóa Việt Nam.
Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397. |
Nguyên Ngọc