09/12/2011 11:04 GMT+7
(TT&VH) - 1. Vụ lình xình ở chung cư Keangnam hiện đại vào bậc nhất Thủ đô mới đây đã lộ ra nhiều vấn đề. Chủ đầu tư tự ý hét mức giá quản lý “khủng” chưa từng có, rồi cắt các dịch vụ thiết yếu của các căn hộ. Còn người dân sở hữu căn hộ “nhiều tỷ” ở đây, vốn được coi là những “đại gia” thì phản kháng lại bằng cách trải chiếu, dựng lều, ăn uống, đốt bếp than tổ ong… ngoài sảnh. Chưa rõ đúng sai thế nào, nhưng cách làm của những người liên quan gây ra không khí lộn xộn, có phần nhếch nhác.
Những chuyện tương tự như ở Keangnam không mới và cũng không phải cá biệt. Khi nhiều tòa nhà chung cư ở các đô thị lớn vừa bình dân, vừa cao cấp đi vào hoạt động, đã có rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh giữa chủ đầu tư, hay ban quản lý với người dân.
Mâu thuẫn này có thể gói gọn trong 2 vấn đề: Thứ nhất là việc chủ đầu tư hay ban quản lý tự tiện áp đặt một mức giá dịch vụ mà các hộ dân cho là không hợp lý, vi phạm các quy định của pháp luật. Đó là chi phí vận hành sử dụng các thiết bị phục vụ như nhà để xe, hệ thống điện, nước, thang máy, vệ sinh… Tuy đó là những công trình nằm phía bên ngoài những căn hộ nhưng gắn với nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của những người sống trong chung cư. Thiếu nó, thì các cuộc sống của người dân trong các căn hộ chung cư dù là “cao cấp”, cũng không thể nói là “tiện nghi, thân thiện, chuẩn mực”; Thứ hai là mâu thuẫn từ việc sử dụng các không gian sinh hoạt chung, sân chơi của tòa nhà. Chủ đầu tư thường cố gắng tạo tìm cách tạo giá trị gia tăng từ các không gian chung này, trong khi người dân muốn biến nó thành không gian công cộng hoàn toàn.
Như vậy, mấu chốt của mâu thuẫn chính là tại các không gian bên ngoài mỗi căn nhà. Đây không còn là chuyện nhỏ, mà là vấn đề lớn của các đô thị. Cần phải có cơ chế quản lý rõ ràng và sự can thiệp kịp thời của các cơ quan Nhà nước.
2. Từ cách hành xử của những người liên quan trong tòa nhà hiện đại Keangnam mới thấy hết, dù Hà Nội đang phát triển nhanh chóng nhưng người ta vẫn dễ dàng nhận ra, “tính làng” trong phát triển đô thị ở thủ đô dường như đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đương sự tùy nghi hành xử, chính quyền chưa có động thái giải quyết dứt điểm, rõ ràng việc quản lý đô thị của chúng ta còn thiếu cơ chế.
Từ việc Keangnam ngẫm ra, ở Hà Nội, không thiếu công viên, bảo tàng, đền chùa cổ kính bị xâm lấn hoặc tệ hơn đem ra “xẻ thịt”, để kinh doanh quán nhậu, nhà hàng phục vụ lợi ích của một vài nhóm người. Những con đường đoạn phình ra, đoạn co lại “thắt cổ chai”, những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng vẫn như cái gai nhức nhối trên bức tranh đô thị… Tất cả, cần bàn tay của một chính quyền đô thị thực sự.
Nghị quyết số 17-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước đã đề ra yêu cầu thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhằm "tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị". Đây là cơ sở để các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Một đô thị Thủ đô có diện tích hơn 3 nghìn km2, với dân số cả thường trú lẫn tạm trú có thể lên đến 10 triệu người, đã đến lúc Hà Nội bắt tay vào nghiên cứu thật sự về mô hình chính quyền đô thị.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất