Campuchia sẽ có chính phủ đơn đảng?

29/07/2008 09:41 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cuối tuần qua tại Campuchia đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV để chọn ra 123 nghị sĩ từ 11 chính đảng tham gia tranh cử. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, đảng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen đã giành chiến thắng vang dội và qua đó có khả năng thành lập chính phủ mà không cần tới một đảng liên minh nào khác.

Chiến thắng áp đảo

Ông Khan Keo Mono, phát ngôn viên Uỷ ban bầu cử quốc gia Campuchia cho biết theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, Đảng CPP dự kiến giành được 90 trong số 123 ghế ở Quốc hội, đạt 73% tổng số ghế. Trong khi đó đối thủ chính của CPP, Đảng Sam Rainsy, chỉ giành có 26 ghế, dù đã tăng thêm 2 ghế so với cuộc bầu cử trước. Đảng FUNCINPEC vốn giành được 26 ghế hồi năm 2003, chỉ được có 2 ghế trong năm nay. Tổng cộng đã có hơn 8 triệu cử tri đăng ký đi bầu tại hơn 15.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Hơn 17.000 quan sát viên ở trong nước và quốc tế đã tới Campuchia để đảm bảo đây là cuộc bầu cử trong sạch.
 
Hoạt động kiểm phiếu đã diễn ra khẩn trương để kết quả sơ bộ
được công bố vào tối ngày 28/7

Theo các nguồn khác, số ghế mà CPP dự kiến đạt được dao động từ 88 đến 91 ghế. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 9/8 tới. Song trong bất cứ trường hợp nào, khả năng CPP giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử vừa diễn ra có thể coi như là chắc chắn và đây là điều đã được nhiều nhà quan sát quốc tế tiên liệu.

Như vậy CPP hoàn toàn có điều kiện thành lập một chính phủ đơn đảng như đa số người dân Campuchia vẫn hy vọng. Trước đây ở Campuchia muốn lập chính phủ cần có ít nhất 2/3 số ghế trong Quốc hội; nhưng theo luật sửa đổi kể từ Quốc hội khóa IV, chỉ cần trên 50% số ghế. Trong khi ấy tại cuộc bầu cử vừa diễn, CPP không những vượt con số 50%, mà có nhiều khả năng còn vượt qua tỷ lệ 2/3 số ghế.
 
Người nắm quyền lâu nhất

 Thủ tướng Hun Sen đi bỏ phiếu tại thủ đô Phnom Penh
Chiến thắng áp đảo dành cho CPP không gây nhiều bất ngờ vì cả CPP và Thủ tướng Thủ tướng Hun Sen hiện đang nhận được sự tín nhiệm rất lớn của người dân.

Như vậy sau 23 năm lãnh đạo đất nước, dự kiến ông Hun Sen sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành trong 5 năm nữa và sẽ trở thành Thủ tướng dân cử có thâm niên cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Hun Sen sinh ngày 4/4/1951, tại tỉnh Kompang Cham. Năm 1970, hưởng ứng lời kêu gọi của Hoàng thân Sihanouk, ông tham gia phong trào kháng chiến chống đế quốc, giải phóng đất nước. Năm 1977 ông tham gia phong trào giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và một năm sau thì trở thành thành viên sáng lập của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu quốc Campuchia (UFNSK).

Tháng 1/1979, cùng với các phong trào yêu nước khác và được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, UFNSK đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Năm 1985, ông trở thành Thủ tướng của nhà nước Campuchia non trẻ, khi mới 33 tuổi, và tiếp tục nắm giữ trọng trách này cho tới năm 1991.

Tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 7/1998, Ðảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành thắng lợi, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch CPP và được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ II. Tới tháng 7/2004, ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng Chính phủ liên hiệp (giữa Ðảng CPP và Ðảng FUNCINPEC) nhiệm kỳ III là đảm nhiệm công việc này cho tới hiện nay.

Trong suốt thời gian nắm quyền Thủ tướng, ông Hun Sen chủ trương đoàn kết dân tộc, giúp Campuchia đạt được sự ổn định về chính trị. Ông cũng thi hành nhiều chính sách mở cửa, thu hút đầu tư khiến Campuchia trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực châu Á với GDP đạt hai con số trong mấy năm trở lại đây. Đời sống của người dân Campuchia nhờ đó đã có những thay đổi rõ rệt.

Ổn định: chìa khoá thành công

Vài năm trở lại đây, Thủ tướng Hun Sen chủ trương xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường xá khiến người dân đồng tình ủng hộ. Khi vụ tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear diễn ra, ông Hun Sen cáo buộc Thái Lan không tôn trọng luật pháp quốc tế và đe dọa tới hòa bình trong khu vực. Chính sự cứng rắn của Hun Sen đã khích lệ tinh thần dân tộc của người Campuchia và giúp đảng của ông giành được lá phiếu của những người còn do dự. "Tôi sẽ bỏ phiếu cho những người có thể giải quyết vấn đề đền Preah Vihear ngay sau khi họ lên nắm quyền" - thương gia có tên Lam Chanvanda không ngần ngại thổ lộ.

Không chỉ giành được cảm tình trong nước, ông Hun Sen còn nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia nước ngoài. "Thực tế là cuộc bầu cử được tổ chức tốt và hoà bình cho thấy những tiến triển mạnh ở Campuchia" - bà Marvin Yeo, đồng sáng lập công ty đầu tư tài chính Frontier Investment & Development Partners, nói - "Với sự ổn định chính trị kéo dài trong 5 năm tới, đầu tư nước ngoài sẽ đổ rất mạnh vào đất nước này". Còn ông Roderick Brazier, đại diện Tổ chức châu Á tại Campuchia, nhận xét đầy thiện cảm trên tờ New York Times rằng: "Đất nước này chưa bao giờ ổn định như hiện nay, và chưa từng tăng trưởng mạnh đến thế".

Dù vẫn còn những lời ong tiếng ve, nhưng ổn định rõ ràng đã trở thành yếu tố chìa khoá giúp CPP và Thủ tướng Hun Sen chiến thắng.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm