Cameroon: Đội tuyển của bê bối và Eto’o

28/05/2014 09:20 GMT+7 | Bảng A

(Thethaovanhoa.vn) - Trong giai đoạn thoái trào, tuyển Cameroon thất thế khi rơi vào bảng đấu khó gồm Brazil, Mexico, Croatia.

Tìm hiểu về bóng đá châu Phi hiện tại, bạn sẽ nhận thấy tất cả chỉ nói về Ghana hay Bờ Biển Ngà. Thật dễ quên cách đây không lâu, “Những chú Sư tử bất khuất” Cameroon mới là quyền lực bóng đá số 1 châu Phi. Năm 1990, Cameroon lọt vào tứ kết World Cup tại Italy sau khi đánh bại Argentina, rồi chỉ thua tuyển Anh ở hiệp phụ. “Toàn bộ thế giới thứ ba ủng hộ Cameroon”, tiền đạo huyền thoại Roger Milla, người ghi 4 bàn tại giải đấu khi đã 38 tuổi, nói vậy. (Sau này tại World Cup 1994 khi đã 42 tuổi, Milla thậm chí vẫn còn ghi bàn).

Một nền bóng đá bê bối

Tại Cameroon, ranh giới giữa bóng đá và chính trị rất mong manh. Tổng thống Paul Biya nổi tiếng khi liên minh với cộng đồng nói tiếng Pháp tại đất nước, và khi đội hình gồm phần lớn cầu thủ nói tiếng Pháp vào đến tứ kết World Cup 1990, ông sử dụng đội bóng làm bàn đạp cho chiến thắng ở cuộc bầu cử năm 1992. Ông hiện vẫn cầm quyền, nhưng quyền lực đã bị hạn chế. Năm 2009, ông gây chú ý với việc thuê 43 phòng khách sạn với giá 40 ngàn USD/ngày trong một kỳ nghỉ ở Pháp.

Năm 2006, một vài trận đấu trong nước đã bị hoãn vì các sân vận động từ chối cung cấp lưới thi đấu và bóng. Sau đó, tranh chấp giữa các cơ quan bóng đá và chính phủ, dẫn đầu là Bộ trưởng thể thao nổ ra. Gần nhất, Cameroon suýt mất suất dự World Cup 2014 sau khi bầu một kẻ bị cáo buộc lừa đảo tài chính đứng đầu hiệp hội bóng đá quốc gia. FIFA sau đó hủy bỏ hiệu lực cuộc bầu cử, và đình chỉ LĐBĐ Cameroon (gần 1 tháng sau, lệnh cấm được dỡ bỏ).

Tham nhũng hoành hành dữ dội nền bóng đá Cameroon. Hối lộ rất phổ biến ở các giải đấu trong nước mà hiệp hội trọng tài từng một lần cầu xin các ông chủ CLB đừng… cho họ tiền. Các cầu thủ cũng thường xuyên phàn nàn về các khoản tiền lương chưa được thanh toán. Đội trưởng Samuel Eto’o từng tạm thời rời đội tuyển vào năm 2012, viết một tuyên bố khi đó: “Môi trường đội tuyển quốc gia vẫn quá nghiệp dư và khâu quản lý quá yếu kém, không phù hợp với yêu cầu của thể thao đỉnh cao”.

Chỉ trông vào Eto’o

Trong thập kỷ qua, Cameroon nổi tiếng vì những scandal họ tạo ra hơn là những gì họ làm được trên sân cỏ. Eto’o nổi tiếng với vụ mua cho mỗi đồng đội một chiếc đồng hồ nạm vàng-kim cương trị giá 45 ngàn USD, sau khi đội bóng vượt qua vòng loại World Cup 2010. Cameroon sau đó thua cả ba trận ở giải đấu. Đội tuyển cũng phải đối mặt với một lệnh cấm của FIFA năm 2004, vì trang phục thi đấu kiểu “áo ba lỗ” thay vì trang phục truyền thống. Sau đó LĐBĐ Cameroon thậm chí hùa cùng nhà tài trợ Puma phản đối tuyên bố của FIFA.

Bất chấp rối ren, Cameroon vẫn đều đặn dự các giải đấu lớn. Họ đã dự 6/7 kỳ World Cup gần nhất, một kỷ lục tại châu Phi. Cameroon vô địch Olympic năm 2000, đứng thứ nhì Confed cup 2003 và vô địch cúp châu Phi năm 2000 và 2002.

Niềm hy vọng lớn nhất của Cameroon ở World Cup 2014 vẫn là tiền đạo nổi tiếng Samuel Eto’o. Eto’o đã chơi khá tốt cho Chelsea mùa này, dù đã 33 tuổi. Cameroon cũng tự hào có hàng thủ rất mạnh. Thêm vào đó, lần đầu tiên sau một thời gian dài, họ có HLV giỏi, là ông Volker Finke người Đức, người giúp Cameroon chơi hấp dẫn và phát huy được sức mạnh thể lực.

Cameroon không may lọt vào bảng rất khó gồm Brazil, Croatia và Mexico. Tất nhiên, không ai dám coi thường họ, như cố HLV Bobby Robson của tuyển Anh từng nói ở World Cup 1990: “Họ mạnh hơn nhiều những gì chúng tôi tưởng tượng”. Tuy vậy, với nền tảng mục ruỗng và có quá ít ngôi sao trong đội hình, tuyển Cameroon rất khó lặp lại kỳ tích vào đến tứ kết, như tại World Cup 1990.

7 Đội tuyển Cameroon đã dự tổng cộng 7 kỳ World Cup gồm World Cup 1982, 1990, 1994, 1998, 2002, 2010 và 2014.

4 Đội tuyển Cameroon đã 4 lần vô địch châu Phi các năm 1984, 1988, 2000 và 2002.

55 Chân sút số 1 lịch sử tuyển Cameroon là Samuel Eto’o, đã ghi 55 bàn. Đứng sau anh là Patrick M’boma đã ghi 33 bàn. Cầu thủ khoác áo tuyển Cameroon nhiều lần nhất là Rigobert Song, 137 lần.

Đội tuyển Cameroon
Biệt danh: Những chú sư tử bất khuất HLV: Volker Finke
Đội trưởng: Samuel Eto’o
Thứ hạng FIFA: 50

Danh sách triệu tập

Thủ môn: Charles Itandje (Konyaspor, 1982, 7 trận, 0 bàn), Ndy Assembe (Guingamp, 1986, 12/0), Sammy Ndjock (Fetihespor, 1990, 2/0), Loic Feudjou (Coton Sport, 1992, 0/0).

Hậu vệ: Allan Nyom (Granada, 1988, 7/0), Dany Nounkeu (Besiktas, 1986, 14/0), Cedric Djeugoue (Coton Sport, 1992, 2/0), Aurelien Chedjou (Galatasaray, 1985, 30/1), Nicolas Nkoulou (Marsiglia, 1990, 45/0), Armel Kana-Biyik (Rennes, 1989, 5/0), Henri Bedimo (Lione, 1984, 29/0), Benoît Assou-Ekotto (Tottenham Hotspur, 1984, 20/0), Gaetang Bong (Olympiakos, 1988, 11/0).

Tiền vệ: Eyong Enoh (Antalyaspor, 1986, 35/2), Jean Makoun (Rennes, 1983, 66/5), Joel Matip (Schalke, 1991, 20/0), Stephane Mbia (QPR, 1986, 48/3), Landry Nguemo (Bordeaux, 1985, 38/3), Alex Song (Barcelona, 1987, 44/0), Cedric Loe (Osasuna, 1989, 2/0), Edgar Salli (Lens, 1992, 7/0).

Tiền đạo: Samuel Eto'o (Chelsea, 1981, 115/55), Eric Choupo Moting (Mainz, 1989, 24/10), Benjamin Moukandjo (Nancy, 1988, 14/2), Vincent Aboubakar (Lorient, 1992, 22/2), Achille Webo (Fenerbahce, 1982, 54/18), Mohamadou Idrissou (Kaiserslautern, 1980, 38/6), Fabrice Olinga (Zulte-Waregem, 1996, 6/1).


Đ.Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm