Cảm xúc từ Sao Paulo: Cả vạn dặm đợi chờ Neymar

30/06/2014 17:02 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Quãng đường đến chấm 11m luôn dài vô tận. Neymar không phải là ngoại lệ, dù người ta cứ xem anh là “Pele mới”.

Anh nằm xuống mặt cỏ, tay ôm lấy mặt. Felipe Scolari chạy đến trấn an, kéo anh đứng dậy. Anh tiếp tục ôm mặt, những giọt lệ đã tuôn. HLV Scolari phải ôm lấy anh, ôm rất chặt.

Khóc vì xua tan nỗi sợ hãi

Chúng ta đã thấy cảnh đó rất nhiều rồi. Nhưng gắn liền với kẻ chiến bại, như John Terry tựa vào vai Avram Grant mà khóc như một đứa trẻ sau loạt đá luân lưu ở chung kết Champions League năm 2008.

Nhưng ở sân Mineirao thuộc Belo Horizonte, Neymar, Scolari và chủ nhà Brazil là bên chiến thắng. Thế mà vẫn khóc.

Những giọt nước mắt của Neymar còn hơn là nước mắt chiến thắng. Đó là sự giải tỏa. Bao áp lực, căng thẳng tột độ, bao lo lắng, sợ hãi dồn nén… cần được giải tỏa. Nụ cười là không đủ. Chỉ có nước mắt mà thôi.

Với đội bóng đã 5 lần bước lên đỉnh cao thế giới, thắng một đội bóng tầm cỡ Chile ở vòng 1/8 chẳng phải là thành tích gì ghê gớm. Nhưng thất bại là thảm họa. Neymar đã khóc vì nỗi sợ thất bại được xua tan chứ không phải vì chiến thắng.

Chính anh đã thừa nhận nỗi sợ hãi đấy: “Tôi như già thêm vài tuổi. Quãng đường đến chấm 11m chưa bao giờ xa đến thế. Chắc phải 3 dặm”.

Giới truyền thông vừa đưa tin một người đàn ông 69 tuổi người Brazil đã qua đời trong lúc xem các cầu thủ Brazil - Chile đá luân lưu ở một quán bar. Ông bị cao huyết áp, ngã xuống, được đưa đến bệnh viện nhưng các bác sĩ không thể cứu chữa. Quan chức của Bộ Y tế thông báo rằng các bệnh viện đã nhận cứu chữa 98 người liên quan đến lượt đá luân lưu, trong đó có một phụ nữ 50 tuổi bị bệnh tim.

Rất buồn, rất đáng tiếc, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được khi chứng kiến sự căng thẳng của người dân Brazil. Như ở khu Vila Madalena, vốn luôn ồn ào, suốt ngày suốt đêm. Nhưng trước mỗi lượt đá luân lưu, không khí im lặng bao trùm. Sau quả luân lưu cuối cùng, người thì hét ầm sung sướng, kẻ thì ôm người bên cạnh hôn ngấu nghiến. Và cũng có những anh chàng xăm trổ đầy mình nhưng đã khóc như Neymar.

Chỉ xem thôi mà đã thế. Huống gì Neymar. Anh không thể không căng thẳng khi suốt ngày báo đài trên khắp thế giới cứ bình luận rằng chỉ có World Cup và chiến thắng của ĐT Brazil mới giúp đất nước này giải quyết được những vấn đề nhức nhối của chính trị, xã hội. Anh không thể không lắng khi mà mấy tháng qua, người ta cứ bảo anh là truyền nhân của Pele, chỉ có anh mới giúp Brazil lên ngôi vô địch. Anh không thể không sợ hãi khi cả nước Brazil gần như bỏ bê hết công việc, buôn bán, vui chơi chỉ để đến sân, các khu Fan Fest hoặc ở nhà chờ đợi chiến thắng của đội tuyển, cứ hỏi 10 người thì cả 10 khẳng định sẽ thắng Chile dễ dàng và thậm chí một tờ báo Brazil đã đăng lịch bay về nước cho các CĐV Chile ngay trước trận.

Neymar phải bước tiếp

Rốt cuộc, đây chỉ mới là World Cup đầu tiên của Neymar. Rốt cuộc, anh chỉ mới 22 tuổi, còn rất trẻ, giàu khát khao thể hiện nhưng biết sợ hãi. Và rốt cuộc, anh chỉ là một cầu thủ, đừng bắt ép anh giải quyết các vấn đề nhức nhối của đất nước.

Đá penalty trong trận thì đơn giản hơn, dù cũng căng thẳng. Neymar đã ghi cả đống bàn thắng như thế. Nhưng lượt đá luân lưu thì khác. Một nhà tâm lý học đã nói rằng rất nhiều cầu thủ tâm sự với ông họ đã căng thẳng trước khi đá và chỉ mong chân của mình không run cầm cập trước sự chứng kiến cả vạn, cả triệu người. Ai cũng sợ đá luân lưu. Diego Maradona sợ. Johan Cruyff sợ. Cristiano Ronaldo sợ. Có lẽ Lionel Messi cũng thế.

Bởi thế, sẽ là bất công và vô lý nếu chứng kiến những giọt nước mắt của Neymar rồi bảo rằng một cầu thủ như thế là không xứng đáng ngôi sao lớn.

Anh đã nói rất thật khi thừa nhận quãng đường đến chấm 11m là rất dài, rất xa. Khuôn mặt căng thẳng và lo lắng của anh trước khi thực hiện quả penalty đã nói lên tất cả. Rồi cả cái cách anh chạy đà nữa, có chút thiếu quyết đoán. Nhưng cú sút, ở lượt đá cuối cùng của đội bóng, thì rất bản lĩnh. Anh chọn giải pháp đánh lừa thủ môn thay vì sút bừa như Hulk.

Không ai mang cả gánh nặng quốc gia đặt lên đôi chân của Pele khi ông lần đầu tiên tham dự World Cup. Neymar thì khác. Thời cuộc trao trách nhiệm, gánh nặng và cả vinh dự cho anh khi mà cả đội hình Brazil hiện tại quá thiêu ngôi sao, quá thiếu nghệ sỹ samba. Anh chỉ có một con đường là đón nhận.

Và bước đi, dù chặng đường phía trước có xa cả vạn dặm. Anh sẽ già hơn cả đống tuổi nữa, nhưng cũng sẽ trưởng thành hơn.

Tội nghiệp Neymar…

Xin tiền “kiểu Neymar”

Neymar nổi tiếng xử lý bóng theo phong cách futsal. Ở Brazil, rất nhiều người có thể biểu diễn kỹ thuật, tâng bóng đầy nghệ thuật, tất nhiên ở đẳng cấp thấp hơn nhiều.

Như ông Biro, 62 tuổi. Gia đình rất nghèo, gần như phải đi “ăn xin” để nuôi thân. Ở Brazil vẫn tồn tại tình trạng ăn xin đơn thuần. Nhưng rất nhiều người biểu diễn chút nghệ thuật để xin tiền. Có người khi thấy đèn đỏ, chạy ra trước mặt ôtô tâng đủ thứ bằng tay để xin tiền người đi xe. Kẻ khác thì đàn hát.

Với ông Biro là tâng bóng ở các khu tập trung đông người xem đá bóng. Ông tâng rất nghệ thuật, có thể giữ quả bóng trên đầu hay sau cổ rất lâu. Kiểu tâng bóng mà chúng ta thường thấy ở các ngôi sao hàng đầu thế giới khi ra mắt CLB mới.

Ông kể rằng từng xem Pele thi đấu. Ông cũng thích Zico, Ronaldo “béo”. Còn hiện tại thì ủng hộ Neymar và đội tuyển Brazil.

Ông cho biết số người tâng bóng để xin tiền như ông ở Brazil là rất nhiều.


ĐỨC LỘC (Từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm