'Cầm đèn chạy trước ô-tô'

24/09/2015 06:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Xe hơi (ô-tô) hiện diện tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Khoảng năm 1936, Hãng xe Citroen (Pháp) lập xưởng sản xuất đầu tiên tại Đông Dương ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ ngày nay, dù trước đó xe hơi đã có rất nhiều tại Sài Gòn.

Ngày 21/12/1958, chiếc xe ô-tô có tên Chiến Thắng do họa sĩ Diệp Minh Châu tạo dáng và phối màu, được Nhà máy Z153 (Hà Nội) sản xuất, mang biển số QS 0001 rời xưởng, như một sự kiện lớn. Tại Sài Gòn, từ năm 1970 cho đến 1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn đã sản xuất hơn 5.000 xe dân dụng mang nhãn hiệu La Dalat, nhiều chiếc có mức nội địa hóa lên đến 40%.

Câu cửa miệng (phổ biến tại miền Bắc) “Cầm đèn chạy trước ô-tô” được dùng như một thành ngữ tự bao giờ không rõ, nhưng chắc có tuổi đời không quá nửa thế kỷ, khi xe ô-tô phải hiện diện đủ lâu và đủ nhiều.

Nhà thơ Lê Anh Hoài: Một cách tự sướng mà thôi

Đây chắc chắn là một thành ngữ mới. Chí ít, có thể thấy nó chỉ có thể xuất hiện khi người Việt quen thuộc với hình ảnh của chiếc ô-tô, chứ không thể nào khác. Cái hay nữa, gần như không thể tìm thấy một thành ngữ cổ mà lại có ý nghĩa tương đương.

Cái ý nghĩa đó là: Làm một việc không những vô ích mà còn lố bịch. Người làm việc này vừa dốt, vừa không hiểu mình đang đối diện với ai và với điều gì. Le te muốn thể hiện nhưng không biết mình đang gặp nguy hiểm (hoàn toàn có thể bị ô-tô đâm chết chứ sao!?). Câu thành ngữ này gợi nhớ đến câu Cố tỏ ra nguy hiểm (còn mới hơn nữa), nhưng nghĩa rộng hơn rất nhiều.


Nhà thơ Lê Anh Hoài

Trong cuộc sống hiện nay, số người có “văn hóa” “Cầm đèn chạy trước ô-tô” đang tăng lên và dường như còn tăng nữa. Rất dễ nhận thấy ngoài đường phố, nơi quán xá, trong công sở, trên Facebook…

Có nhiều nguyên nhân gây ra kiểu suy nghĩ và hành xử trên. Đầu tiên có thể thấy ngay, số người tưởng rằng mình hiểu biết và thậm chí hiểu biết hơn ai hết đang ngày một nhiều lên do sự phổ cập giáo dục ồ ạt đến mức “xong cử nhân và nay tiến tới phổ cập thạc sĩ”.

Kiểu chạy theo bằng cấp tràn lan này đang sinh ra một lớp người rỗng về kiến thức, nhưng ảo tưởng bản thân trầm trọng. Rất dễ nhận thấy họ trên những diễn đàn, thậm chí những diễn đàn hết sức nghiêm túc, phát biểu “như đúng rồi” nhưng thực ra chẳng có nội hàm, nếu không nói là sai!

Nguyên nhân nữa, theo tôi, là nền tảng hành xử theo khuôn phép văn minh đang bị phá vỡ trầm trọng trong xã hội. Xưa kia, giáo lý đạo Khổng cấm ngặt con người ta phát biểu lung tung, gọi là “vô phép”. Làm gì có chuyện con cãi cha, trò cãi thầy, vợ cãi chồng, thợ cãi chủ… như hiện nay.

Muốn phát biểu điều gì, người dưới phải suy ngẫm cho cẩn thận, hết sức cẩn thận rồi mới xin phép được nói. Đến đây, tôi biết sẽ có quý vị độc giả phản đối, rằng như vậy còn đâu sáng tạo, đâu đột phá, như vậy là thiếu dân chủ… Rằng là nước ngoài họ thế này thế kia. Nhưng xin thưa rằng, được dịp có mặt trong một số hội thảo hay cuộc tiếp xúc công việc ở nước ngoài, tôi nhận thấy “Tây” cũng rất khuôn phép. Họ luôn tìm cách lịch sự, đúng mực nhất để nêu ý kiến của mình.

Quan trọng hơn, họ hiểu rõ bản chất câu chuyện đang nói về cái gì, đang ở đâu để có ý kiến. Tôi không muốn đi quá xa vào chuyện “dân tộc” hay “quốc tế”, “nệ cổ” hay “duy tân” ở đây. Chỉ nhắc lại rằng, rõ ràng cách hành xử của người Việt ta hôm nay đang rất có vấn đề.

Một lĩnh vực nữa - nơi xuất hiện rất nhiều người “cầm đèn chạy trước ô-tô”- đó là chuyện tình cảm và những rắc rối trong quan hệ cá nhân của người khác. Có thể nói người Việt rất khoái can thiệp vào những chuyện riêng tư của người khác. Mà không chỉ là người trong gia đình, mà đồng nghiệp, hàng xóm, thậm chí không liên quan gì cũng nhất định phải có ý kiến mới xong.

Người nước ngoài nếu biết tiếng Việt thường kinh ngạc khi thấy người Việt say mê bàn bạc chuyện tình cảm và mối quan hệ của người khác, còn hơn cả chuyện của chính mình. Rất dễ thấy quanh ta những người bỏ công bỏ sức ra làm cái việc “giới thiệu”, vì lo cho ai đó không lấy được vợ được chồng. Rồi nghe phong thanh đâu đó về chuyện vợ chồng hoặc chuyện anh em nhà người ta, lập tức bàn bạc theo kiểu “vợ cậu thế là không được, theo chị thì…”, hoặc “cậu phải làm thế này này, yên tâm, tớ rất kinh nghiệm rồi…”.

Mặc kệ người bị can thiệp không hề muốn nghe, người ta vẫn sẵn sàng “cầm đèn chạy trước ô-tô”. Thậm chí còn coi đó là trách nhiệm, sứ mệnh của mình mà quên mất rằng chính mình còn bao nhiêu điều cần làm trước, cần giải quyết.

Kiểu này, như nhiều học giả đã phân tích, xuất phát từ lối sống làng xã. Tôi cũng đồng ý với góc nhìn đó, chỉ thêm rằng: Căn nguyên tâm lý của lối hành xử ấy xuất phát từ sự tự ti. Não trạng ấy khiến con người ta thích quan tâm đến những (cái mà họ cho là) rắc rối của người khác. Khi tìm cách can thiệp vào đó, họ có niềm thỏa mãn rằng người khác đang khiếm khuyết, còn ta đây được tạm quên đi những rắc rối của chính mình. Âu cũng là một cách tự sướng mà thôi!

Nhà văn Đinh Lê Vũ: Ngày càng có nhiều người muốn chạy trước ô-tô

Khi có một ai đó lau chau, xăng xái đi làm những việc không ai nhờ, rồi để lại một mớ hậu quả nghiêm trọng, người ta thường nhận xét đó kẻ đó là người “Cầm đèn chạy trước ô-tô”. Hoặc khi có ai đó làm khôn, bày đặt lên tiếng khuyên nhủ, dạy dỗ người vốn có kinh nghiệm hiểu biết hơn mình, người ta cũng nói kẻ đó như vậy.

Theo Wikipedia, chiếc ô-tô đầu tiên chạy bằng động cơ xăng (còn gọi là động cơ Otto) được Karl Benz phát minh ra ở Đức năm 1885. Từ đó đến nay, ô-tô không ngừng được cải tiến để trở nên bóng loáng, sang trọng, và đèn pha rất sáng. Cho nên, cầm đèn chạy trước ô-tô là việc làm vô ích, không ai nhờ.


Nhà văn Đinh Lê Vũ

Không ai nhờ mà vẫn xông vô làm để thể hiện mình, để chứng minh sự tài giỏi của mình trong khi mình không thực sự tài giỏi và kết quả để lại là một mớ hậu quả nghiêm trọng cho người khác giải quyết, còn mình thì biến đâu mất. Cho nên về phương diện cá nhân, không ai thích người cầm đèn chạy trước ô-tô.

Thế nhưng, tự nhìn nhận được bản thân mình không tài giỏi là một điều khó, gặp cơ hội thuận lợi mà không thể hiện mình để người khác thấy được sự tài giỏi ấy lại là điều khó chịu hơn nữa. Cho nên, có thể nói chính sự không biết mình là ai và sự thích được người khác chú ý đã làm cho nhiều người Việt cầm đèn chạy trước ô-tô, mà chính họ cũng không hề hay biết.

Mà không chỉ riêng cá nhân. Phiên chất vấn gần đây của Quốc hội vào ngày 11/8/2015 đã phải rà soát và đề nghị cắt giảm hàng trăm loại phí và lệ phí vô lý mà người dân phải gánh chịu trong thời gian qua chính là hệ lụy của việc các ngành, các cấp cầm đèn chạy trước ô-tô. Hậu quả để lại là sự hoang mang, sự bào mòn lòng tin trong dân chúng. Mà lòng tin khi đã mòn đi thì rất khó lấy lại.

Một biểu hiện khác của cầm đèn chạy trước ô-tô là sự làm khôn với những người có thể có kinh nghiệm, hiểu biết hơn mình. Biểu hiện này ngày nay rất phổ biến trên Facebook, trên các mạng xã hội. Ví dụ, có một người hơi hơi nổi tiếng nào đó post lên status đại loại: trời ơi, em buồn quá, em không biết làm sao để quét nhà cho sạch. Có thể người ấy chỉ hỏi chơi thôi, nhưng sẽ có hàng trăm comments trả lời, khuyên bảo, chỉ dẫn tỉ mỉ cách làm sao quét nhà cho sạch.

Status quét nhà sạch này có khi nhận được cả ngàn like, Facebook này sẽ rất nóng bởi số người theo dõi ngày càng đông, sự mến mộ liên tục tăng lên. Đám đông có cơ hội để thể hiện mình, để khoe sự tài giỏi, đảm đang của chính mình.

Được khoe, được thể hiện mình, được cầm đèn chạy trước ô-tô thoải mái trên Facebook có thể cũng là lý do khiến Facebook được nhiều người Việt Nam yêu thích, sử dụng nhiều và thường xuyên. Sự cầm đèn chạy trước ô-tô trong trường hợp này chẳng làm chết ai, chẳng để lại hậu quả gì nghiêm trọng, đôi khi lại mang đến điều thú vị.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm