Chuyện giao thông: “Đường đi khó”

03/04/2012 10:13 GMT+7


(TT&VH) - 1. “Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Còn nhớ lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Lân Dũng đã đưa lại câu nói của dân gian khi nói về thực trạng giao thông nước ta. Bây giờ, công nông đã bị cấm tiệt, GS Nguyễn Lân Dũng cũng không còn là đại biểu Quốc hội nữa, nhưng danh sách “sợ nhất” kia có vẻ kéo dài, dài mãi… Mà cái sợ nào cũng đáng để nhất cả.

Người ta sợ tắc đường đến ngạt thở, những công trình giao thông bị rút ruột, chưa làm đã hỏng, những con đường rùa, thi công kéo dài, những ổ gà ổ voi… nhan nhản trên đường phố không được san lấp kịp thời. Rồi chuyện những hố tử thần như những chiếc bẫy luôn dành cho xe cộ những “cái chết bất ngờ”. Nhưng những cái sợ ấy có vẻ đã cổ điển rồi, giao thông bây giờ cập nhật thêm những nỗi sợ mới “thức thời” và tân kỳ hơn.

Ùn tắc trên đường - Nguồn: Vnexpress

Thứ nhất là sợ phí chồng lên phí, từ 1/6 phí bảo trì đường bộ ô tô phải đóng cao nhất tới 1,44 triệu đồng/tháng, xe máy thì 150 ngàn đồng/năm. Những “phương tiện cá nhân” 4 bánh vốn phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt khiến một ô tô 9 chỗ trở xuống ở VN đã đắt gấp gần 3 lần giá ô tô trong khu vực. Nếu đăng ký tại Hà Nội, mức thuế trước bạ “kịch trần” tới 20% giá trị xe, còn ở TP.HCM từ 10 đến 15%. Ô tô 9  chỗ trở xuống còn chịu thêm phí cấp biển số, như tại Hà Nội là 20 triệu đồng, tăng 10 lần so với trước đây. Kèm theo đó là phí xăng dầu, phí kiểm định, phí bảo hiểm…

Ngoài ra, Bộ GTVT đã kịp đề xuất thu thêm phí lưu hành phương tiện và sau đó đổi tên mới là phí hạn chế phương tiện cá nhân. Cũng may, trước phản hồi mạnh mẽ từ dư luận, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Không có chuyện năm nay thu phí. Kể cả chúng tôi đề xuất thì năm nay chưa thể thực hiện vì cần phải có quy trình, thời gian nhất định”.

2. Sau phí bảo trì, “phí cao tốc” cũng đáng sợ không kém. Phí cao đến nỗi xe của dân và doanh nghiệp vận tải phải lũ lượt đi vòng đường khác, dù đương xấu hơn nhiều, xa hơn nhiều để tránh các trạm thu phí nhưng rồi cũng không thoát khi các ngả đường khác cũng bị chặn bởi các trạm thu phí.

Sau phí, người ra đường vẫn tiếp tục nơm nớp nỗi lo xe cháy. Hàng trăm chiếc xe cả ô tô, xe máy, từ năm 2011 đến nay cứ đều đặn và bất ngờ bỗng dưng bốc cháy mà chưa biết cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và chia sẻ thiệt hại với người dân.

Sợ xe cháy, rồi lại sợ xăng bẩn. Mới đây, người dân đã bức xúc bao vây cây xăng Đồi Nên ở Bắc Giang vì nghi ngờ bán xăng kém chất lượng. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm nghiệm kết quả, sau kiểm nghiệm cả ba mẫu xăng A92 của cây xăng này đều “bẩn”. Trước đó, tại TP.HCM cơ quan chức năng đã kiểm tra phát hiện 11 trạm bán xăng kém chất lượng. Còn tại Hà Nội cũng phát hiện 5 cửa hàng bán xăng không bảo đảm. Nhưng dường như số tiền phạt vài chục triệu đồng là quá ít ỏi so với lợi nhuận từ gian lận xăng dầu khiến cho các chủ kinh doanh không sợ. Vì thế, có lẽ không ít cây xăng làm ăn không nghiêm chỉnh nhưng “chưa bị lộ” vẫn yên tâm bán xăng đểu.

Xe đi được, nhưng tìm được điểm đỗ cũng chẳng đơn giản gì. Mới đây, Hà Nội đã đồng loạt giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố. Nhưng việc giải tỏa này không đi cùng với phương án thay thế nên nhiều tuyến phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng rối loạn vì thiếu chỗ đậu xe, và người dân chỉ biết kêu trời khi bị phạt lỗi đỗ xe sai quy định.

Đi xe bây giờ mới thấy trăm thứ bà rằn những nỗi sợ, đúng là “đường đi khó” (tên bài thơ của Lý Bạch, nguyên văn chữ Hán là Hành lộ nan). Nhưng người ta vẫn phải ra đường.

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm