28/04/2023 09:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
Năm 2008, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto đã trải qua chuỗi 11 trận không thắng trước thềm AFF Cup, giải đấu mà chúng ta lần đầu đăng quang. 15 năm sau, U22 Việt Nam cũng có sự chuẩn bị gần như thế…
1. Thất bại 0-1 trước Bà Rịa Vũng Tàu là trận thua thứ hai của U22 Việt Nam trong đợt tập huấn tại đây. Trước đó, các học trò của HLV Philippe Troussier cũng thua đội bét bảng V League 2023 TPHCM với tỷ số 2-3.
Như vậy, tính tổng cộng các trận giao hữu trước thềm SEA Games 32, U22 Việt Nam thắng đúng 1 trận (2-1 trước CLB Phú Thọ), còn lại là hòa 1 (0-0 trước U23 Kyrgyzstan, thua luân lưu 4-5) và thua 4 trận. Nếu như những thất bại ở Doha Cup là kết quả lường trước vì đối thủ mạnh hơn thì hai trận thua gần đây trước những CLB trong nước đã để lại không ít hoài nghi về khả năng bảo vệ tấm HCV SEA Games.
Liệu chuỗi trận không thành công ấy của U22 Việt Nam có giống quá trình chuẩn bị của ĐT Việt Nam trước thềm AFF Cup 2008? Về kết quả thì có phần tương đồng, nhưng chất lượng nhân sự và chất lượng đối thủ thì không. Trong số 6 đối thủ của U22 Việt Nam vừa gặp, chỉ có U23 UAE (thua 0-4) và U23 Iraq (0-3) là quá tầm. Để so sánh, trong số 11 đối thủ mà ĐT Việt Nam đá giao hữu năm xưa, chỉ Myanmar là vừa tầm, còn lại đều nhỉnh hơn và vượt trội, thậm chí có đẳng cấp rất cao như Olympic Brazil chẳng hạn. Trong chuỗi trận ấy, có những trận hòa khá đáng tiếc trước Thái Lan, Indonesia, và Singapore.
Cũng phải kể thêm, thành phần ĐTVN lúc ấy gồm lứa cầu thủ đã dày dạn kinh nghiệm ở V League, đang ở vào độ chín, và trước đó một năm từng vào đến tứ kết Asian Cup 2007. Lứa U22 Việt Nam này thì sao? Chỉ có một vài người được thi đấu đều ở V-League, còn lại đa phần dự bị tại CLB chủ quản.
2. Đó cũng chính là khó khăn lớn nhất mà HLV Troussier phải đối mặt: ông không có được nhân sự tốt như ông Calisto năm xưa, cũng như người tiền nhiệm Park Hang Seo ở hai kỳ SEA Games gần nhất, đặc biệt là khi ban tổ chức quy định các cầu thủ quá tuổi không được tham dự.
Việc HLV Troussier liên tục phải hò hét, quát tháo và đích thân thị phạm nhiều lần cho các học trò chứng tỏ một điều rằng, chất lượng kỹ thuật và tư duy chiến thuật của nhiều tuyển thủ U23 vẫn phải rèn giũa nhiều, cho dù không ít trong số đó từng là trò cũ của ông thầy người Pháp. Rõ ràng, việc thay đổi triết lý phòng ngự phản công từ HLV Park Hang Seo sang cách chơi kiểm soát bóng của HLV Troussier đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức. Năm xưa, HLV Calisto còn có đến 8-9 tháng để chuẩn bị cho ĐTVN dự AFF Cup. Còn bây giờ, ông Troussier chỉ có hơn một tháng để chuẩn bị cho SEA Games 32.
Điều người hâm mộ bóng đá Việt Nam quan tâm bây giờ là liệu U22 Việt Nam có tốt lên sau những thất bại như ĐT Việt Nam năm xưa? Chỉ thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời đích thực. Nhưng có một điểm chung giữa hai ông thầy lão làng: họ đều coi mỗi trận đấu giao hữu là cơ hội để thử nghiệm, để vỡ vạc ra. Đó là tư duy của châu Âu, khi các nhà cầm quân không để ý lắm đến những chuyện bên lề, hay sức ép, mà quyết đi theo con đường của mình. Thậm chí, với HLV Troussier, SEA Games 32 cũng không phải cái đích cuối cùng, mà là ASIAD, là Olympic, là World Cup. Nếu được, hãy kiên nhẫn với ông!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất