Calcio khủng hoảng: Tại sao Serie A kém xa Premier League và Liga BBVA?

06/07/2009 08:10 GMT+7 | Italy

(TT&VH cuối tuần) -  Chỉ riêng việc bán đồ uống ở các SVĐ ở Anh đã bằng thu nhập của cả Serie A về giá trị các hợp đồng quảng cáo. Việc không có những chuyên gia giỏi về thương mại và kinh doanh SVĐ đã tạo ra một sự phụ thuộc hoàn toàn vào bản quyền truyền hình, nguồn sống lớn nhất của các CLB. Một vấn đề lớn nữa: Quỹ lương đã ngốn đến 70% tổng chi của các CLB. Tổng số nợ của Serie A chỉ là 300 triệu euro, thấp hơn tất cả các giải đấu hàng đầu châu Âu khác, nhưng chỉ có vài đội bóng Italia có khả năng cạnh tranh ở cấp châu lục và thế giới. Mùa Hè 2009 chứng kiến sự ra đi của Kaka, ngôi sao lớn nhất còn lại của giải đấu này.

TT&VH Cuối tuần bắt đầu loạt bài về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang làm xói mòn hình ảnh của Serie A trong con mắt những người hâm mộ bóng đá thế giới.

Xấu xí, bẩn thỉu và nhếch nhác. Những SVĐ cũ kĩ ở Italia gợi lên cảm giác thương hại và mất an toàn nhiều hơn là sự nhiệt tình và hứng khởi cho những ai mỗi lần đặt chân đến đây để xem các trận đấu. Từ vài năm nay, người ta đã nói đến các sân bóng ở Italia như một thứ của nợ thực sự: Đấy là nơi phát tán những tư tưởng phân biệt chủng tộc, nơi reo giắc nỗi sợ hãi cho những tifosi chân chính bởi nguy cơ tiềm ẩn bạo lực và những khán đài trống trơn gợi nên sự buồn tẻ thực sự.

Và trên sân bóng, sự cạnh tranh rất thấp giữa các CLB, trong khi các trận chiến cuối cùng của mùa giải ở các Cúp châu Âu hai năm nay vắng bóng những người Italia. Ở Anh, người ta kiếm được 2,4 tỷ euro mỗi mùa bóng. Ở Tây Ban Nha, bất chấp khủng hoảng kinh tế, Real Madrid vẫn tiêu hàng trăm triệu euro mà không e ngại, trong khi Barcelona ca bài chiến thắng. Tại Đức, lương được cắt giảm và từ Pháp, người ta vận hành bóng đá một cách khôn ngoan, đồng thời người Pháp có một vị Chủ tịch UEFA. Italia có gì ngoài hình ảnh của khủng hoảng? Dưới đây là những lý do khiến Italia trở thành một ốc đảo thất bại trong khung cảnh thành công và giàu sang.

Thuế suất

Cristiano Ronaldo mạnh mẽ, đẹp trai và hơi lẳng lơ. Nhưng anh ta kiếm ra tiền và giúp các CLB sở hữu anh kiếm được tiền. Ngay khi chính phủ Anh quyết định tăng thuế thu nhập lên 50% như để đập một cái tát vào mặt Premier League về việc tại sao anh lại có mức lương cao đến thế trong hoàn cảnh dân tình ngày càng đói khổ vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất từ năm 1929, Quả bóng vàng châu Âu 2008 đã xách va li sang đất Tây Ban Nha. Tại thiên đường của những người thu nhập cao ấy, vào năm 2003, chính phủ của thủ tướng Aznar đã thông qua một “đạo luật đặc biệt nhằm thu hút chất xám”, trong đó cho phép người lao động nước ngoài chỉ phải nộp 24% thuế thu nhập. Điều này nghe hơi li kì, vì “người lao động đặc biệt” như Ronaldo được trả đến 13 triệu euro một năm.

Kaka, ngôi sao lớn nhất của Serie A, đã về với Liga BBVA

Cho đến nay, những cuộc tranh luận về việc có nên kéo dài đạo luật sẽ hết hạn vào năm 2010 này vẫn đang tiếp diễn. Nếu quốc hội Tây Ban Nha không kéo dài đạo luật này, thuế thu nhập sẽ tăng từ 24% lên 43%, và điều đó một phần phụ thuộc vào chính phủ của thủ tướng Zapatero: Họ là những người cánh tả hệt như nhiệm kì 2004-2008, nhưng họ chịu thêm gánh nặng khủng hoảng. Mới tuần trước, người ta đã cãi nhau nảy lửa trong quốc hội: Những người cộng sản xứ Catalunya muốn bãi bỏ luật này, những người xã hội muốn duy trì, trong khi cánh hữu (đảng Nhân dân) im lặng. Các bên không đạt được thỏa thuận. Vậy là Ronaldo và khoản thu nhập khổng lồ của anh được cứu thoát.

Cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề đang khiến Tây Ban Nha oằn mình. Cứ 10 người trong độ tuổi lao động thì có 2 người mất việc. Thế mà điều vô lý kinh khủng là tổng chi phí lương bổng và thưởng cho vài nghìn cầu thủ chuyên nghiệp ở nước này đã tốn đến 5 tỷ euro mỗi năm. Điều đó tạo ra sự phẫn nộ trong phần đông dân chúng. Nhưng Cristiano Ronaldo có thể yên tâm. Chạy từ Anh sang Tây Ban Nha, với mức thuế suất giảm chỉ còn bằng một nửa, cứ 1 triệu euro anh được lĩnh thì chỉ phải nộp thuế có 240 nghìn, thay vì một nửa như trên đất của Nữ hoàng! Liga BBVA đang thăng tiến chóng mặt và dĩ nhiên, thành công đáng để các giải đấu khác mơ ước. Real Madrid đem về những ngôi sao. Barcelona rước về những danh hiệu chiến thắng. Và có lẽ Zapatero muốn những điều đó tiếp tục để làm rạng danh đất nước.

Thuế thu nhập 24% của Tây Ban Nha là thấp nhất trong các giải VĐQG hàng đầu châu Âu, thấp hơn nhiều Pháp (40%), Italia (43%) và Đức (45%). Sức thu hút lớn của Liga BBVA nằm ở những con số: Milan, với số tiền bán Kaka cho Real, nếu có thuế suất như ở Tây Ban Nha, mỗi năm có thể có thêm 42 triệu euro bỏ túi. Trong khi đó, trên thực tế, Milan chỉ có thể dùng số tiền ấy chỉ đủ để trả nợ cho các sở thuế trong vòng 18 tháng. Không có gì ngẫu nhiên khi Berlusconi từ mấy năm nay đã đòi giảm thuế thu nhập “cho tất cả nhân dân”, nhưng những đòi hỏi ấy không hề được đáp ứng, bởi người ta cho rằng, yêu cầu đó chỉ để phục vụ lợi ích của riêng ông, là giảm thuế thu nhập của chính ông, đội bóng của ông và những người giàu có khác.

Mất Ronaldo nhưng Premier League vẫn còn đầy rẫy nhưng ngôi sao khác

Những thống kê cho thấy chi phí hoạt động của Real thấp hơn 30% và số nợ các sở thuế lên đến 627 triệu euro, thế mà Real Madrid vẫn nhởn nhơ cười và mua sắm không biết mệt mỏi, trong khi ở Italia, các CLB nợ ít mà vẫn không thể nào thở nổi. Galliani nói rằng, thuế thu nhập thấp ở Tây Ban Nha là lý do giúp Liga BBVA có sức cạnh tranh hơn ở Italia. Điều đó chỉ đúng một nửa. Vì một lẽ đơn giản. Hầu hết thu nhập của các CLB Italia không đến từ các SVĐ, mà từ truyền hình, và khoản chi lớn nhất lại là lương bổng cho đám cầu thủ. Chi phí lương chiếm đến 70% thu nhập, nghĩa là một CLB có doanh thu 100 triệu euro thì trả lương đã tốn 70 triệu. Tại Tây Ban Nha, chỉ số này là 63%, Anh 62% và Đức đúng 50%!

Kinh doanh

Không chỉ nhận được hàng tấn tiền từ người Mỹ, người Nga, người Arab hay những ông chủ đến từ Phương Đông mà Premier League còn có được sự bảo đảm đến từ 1,8 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình trong thời gian từ 2010 đến 2013. Họ cũng sở hữu các SVĐ của riêng mình, có các cơ sở kinh doanh thương mại, các nhà hàng và trung tâm mua sắm, quản lý luôn cả sân tập và đội hình trẻ. Đấy là một chu trình kinh doanh khép kín đem lại doanh thu 2,4 tỷ euro, hơn 1 tỷ so với Italia, Tây Ban Nha và Đức. Nhưng thu nhập của giải Liga BBVA đang tăng lên trông thấy, ở Đức cũng thế, thì ở Italia, mọi thứ dường như đang giậm chân tại chỗ. Vì sự tăng trưởng hay thụt lùi phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Truyền hình (từ mùa 2010-2011, sẽ trở thành hình thức bán bản quyền truyền hình tập thể, nghĩa là các CLB có thu nhập từ nguồn này ngang nhau), việc tái thiết hoặc xây dựng mới các SVĐ cũng như sân tập và định hướng kinh doanh thương mại. Trên khía cạnh ấy, Italia có lẽ chỉ đứng trên mỗi Pháp trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, thua xa Anh, Tây Ban Nha và Đức.

Những sân bóng lộng lẫy như Emirates là điều không thể có ở Italia

Người Italia cần làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thương mại bóng đá. Đấy là điều chắc chắn. Và trở lại với quá khứ vàng son là điều không hề đơn giản. Bởi điều mỉa mai là 16 năm trước, ở mùa 1992-1993, tổng thu nhập của Serie A đã tương đương 2,5 tỷ euro theo tỷ giá bây giờ, vượt cả Premier League và gấp đôi Serie A hiện tại. Tiền thu nhập từ bán vé và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu của đội bóng đem đến 60-65% doanh thu ở Liga BBVA và Premier League, trong khi ở Italia chỉ đạt 40%. Để tăng doanh thu từ các nguồn kinh doanh khác và giảm bớt phụ thuộc vào truyền hình là điều mà các CLB Serie A đang hướng tới, nhưng chỉ có Juventus là đi đầu. Nhưng ngay cả khi Juve hết sức năng động, thì họ cũng phải đợi đến năm 2011, khi chính thức có SVĐ riêng. Việc Italia xin đăng cai EURO 2012 là có lý do hết sức rõ ràng: Họ muốn đấy là cơ hội để xây mới các SVĐ và nhà nước sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho bóng đá. Thất bại trong lần cạnh tranh đó với Ba Lan và Ukraina, Italia lại xin đăng cai EURO 2016. Đăng cai một giải lớn như thế được người Italia nhìn như là cách duy nhất để nâng cấp các SVĐ và kiếm tiền một cách nhanh nhất có thể.

Lega Calcio và LĐBĐ Italia (FIGC) đang vùng vẫy để làm mới calcio thông qua con đường chính trị. Tháng 4/2009, người ta đã đưa ra một dự luật về việc xây mới các cơ sở thể thao. Các cuộc tranh luận về vấn đề này kéo dài 2 tháng, để rồi vào tháng 7, Thượng viện sẽ thông qua. Các đảng phái chính trị đều ủng hộ việc thông qua dự luật này, đồng thời yêu cầu chính phủ cần có biện pháp giúp tìm nguồn vốn cho việc xây SVĐ. Người ta chờ đợi một đạo luật sẽ ra đời, cho phép Italia có những SVĐ mới. Italia hiện có 129 SVĐ bóng đá chuyên nghiệp thì 69 sân có tuổi thọ từ 60 đến 80 năm, đã đến lúc cần phải đập bỏ.

Nợ như “chúa Chổm”? Không hẳn

Calcio khủng hoảng ở chỗ nào, nếu như những kết quả điều tra mới công bố cho thấy doanh thu của mùa 2008-2009 đã tăng 15% so với mùa trước, đạt 1,5 tỷ euro và số nợ của Serie A là thấp nhất châu Âu (chỉ 300 triệu euro)? Tại sao nói calcio khủng hoảng, trong khi không hề nhắc đến Premier League với số nợ lên tới 3,5 tỷ euro (riêng M.U, Liverpool và Chelsea đã chiếm 50%), Liga BBVA cũng “chỉ” có 3 tỷ euro (riêng Real chiếm 40 tổng số thâm hụt của cả giải VĐQG Tây Ban Nha), trong khi Bundesliga cũng ngập trong 660 triệu euro tiền nợ? Tại vì Milan và Inter tiếp tục thắt lưng buộc bụng, Roma và Lazio tiếp tục trả giá cho những năm tháng mua sắm điên cuồng, Juventus vẫn còn đang trong độ tuổi “vị thành niên” sau khi lên Serie A từ hạng B. Cả giải Serie A đã ốm yếu và thiếu khả năng cạnh tranh lắm rồi. Bởi vì trong khi giải VĐQG Italia không còn tiền để tiêu và ngày càng bóp dạ dày lại để khỏi ăn nhiều, thì những kẻ “nghèo khó” và nợ như “chúa Chổm” như Real Madrid vẫn có thể bỏ ra đến 160 triệu euro để rước về cả Kaka lẫn Cristiano Ronaldo. Trong khi đó, Milan thu 67 triệu euro từ việc bán Kaka chỉ để lấp một phần thâm hụt ngân sách. Chỉ cần nhìn cách hành xử của hai bên để hiểu điều gì đã xảy ra.

Việc bán áo đấu mang lại nguồn thu không nhỏ cho các đội bóng Premier League

Các CLB Italia khác với các CLB châu Âu khác, bởi họ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty sở hữu, hoặc các Chủ tịch CLB. Milan không thể tiếp tục mua sắm như trước bởi công ty mẹ Fininvest do các con Berlusconi điều hành không còn muốn nhìn thấy ông bố đem tiền của nhà mình lấp đi các khoản thâm hụt. Inter hoàn toàn nằm trong tay của tập đoàn hóa dầu Saras mà sự hào phóng của ông chủ Moratti lại do giá dầu mỏ trên thị trường thế giới quyết định. Juventus chỉ là một bộ phận trực thuộc tập đoàn FIAT (tập đoàn sản xuất xe hơi khổng lồ này lại nằm trong một đại tập đoàn có tên Exor) và nó không được phép làm ăn thua lỗ. Những CLB làm ăn có lãi chút đỉnh trong mùa bóng qua, như Napoli hay Fiorentina, lại đã từng trải qua những ngày tháng kinh khủng vì bị phá sản, trong khi những CLB thành công về tài chính, như Atalanta hay Cagliari, lại quá hiếm hoi. Cách điều hành các CLB Serie A vẫn còn hết sức “nguyên sơ”: Thu nhập đến từ truyền hình, tiền vé và kinh doanh sản phẩm. Họ không sở hữu sân đấu mà phải đi thuê từ chính quyền thành phố (từ 500 nghìn đến 2 triệu euro một năm) và ngay cả sân tập đôi khi cũng không phải của họ.

Trong khi ấy, M.U được định giá 1,5 tỷ euro vì họ sở hữu tất cả, từ sân đấu cho đến các cơ sở kinh doanh và ông chủ Malcom Glazer hoàn toàn có thể kiếm được các nguồn tài trợ hoặc vay mượn từ các ngân hàng. Dù thua lỗ gấp nhiều lần Italia, nhưng người Anh và Tây Ban Nha vẫn cố gắng bán được sản phẩm của mình, còn người Italia lại chẳng có gì để bán và chỉ còn có nước sụp đổ thảm hại. Bạn có biết tổng doanh thu từ quảng cáo của calcio là bao nhiêu trong năm 2008 không? Tròm trèm 140 triệu euro, chỉ bằng doanh số bán bia từ trong SVĐ của các CLB Premier League!

Chuyên gia chuyển nhượng Luca Branchini: “Đấy là cuộc khủng hoảng về vấn đề tổ chức”

Là chuyên gia chuyển nhượng duy nhất có tên trong danh sách 50 nhà môi giới bóng đá hàng đầu châu Âu của tạp chí bóng đá Tây Ban Nha “Don Balon”, Luca Branchini là người đã thu xếp thành công cuộc chuyển nhượng Ronaldo từ Barcelona sang Inter năm 1997. Ông bình luận về việc Kaka rời Milan trên tạp chí Calcio 2000: “Đấy là một vụ chuyển nhượng mang tính tâm lý nhiều hơn. 10 năm trước, nếu Milan gặp vấn đề về tài chính, họ cũng sẽ không bán đi Maldini. Vào năm 2003, không một ai đánh cược rằng trị giá của Kaka sau này lại cao đến thế, vì lúc ấy anh đến Milan với tư cách của một cầu thủ tiềm năng. Trong vòng 6 năm, anh ta đã chiến thắng và giành được tất cả. Trước một cái giá cao như thế, thật khó mà có thể từ chối được”.

* Thế còn cuộc khủng hoảng?

- Nó tồn tại, nhưng không chỉ trên bình diện kinh tế. Đấy là cuộc khủng hoảng về cách làm bóng đá. Italia đã trải qua một thời sống trong kiểu làm bóng đá ăn xổi, muốn đoạt được tất cả trong một thời gian quá ngắn. Chủ yếu là những sai lầm trong điều hành và mua bán. Chẳng hạn như Inter. Không thể nói là họ khủng hoảng tài chính. Họ đã bỏ ra 50 triệu euro để đưa về ba cầu thủ mùa Hè 2008, nhưng hai trong số đó thậm chí không có tên trong đội hình dự bị ở hai trận gặp M.U!

* Tại sao?

- Tại vì ở Italia, người ta quen ném tiền qua cửa sổ. Nếu Ibrahimovic ra đi, thì cũng như Kaka, anh ta không hướng đến một mức lương cao hơn mà vì anh muốn tìm kiếm những cảm hứng mới và những thách thức mới. Họ khó có thể kiếm được nhiều hơn những gì họ đã có trên đất Italia.

* Làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng này?

- Cần phải biết kiên nhẫn. Những nhà môi giới chuyển nhượng chúng tôi là những người biết cách làm thế nào để định hướng chuyển nhượng cũng như thực hiện những vụ thương lượng hợp lý. Thị trường này thay đổi hàng ngày và thời gian trôi nhanh như gió thổi. Trước kia, các CLB Italia đứng hàng đầu về khâu tổ chức đội bóng và tiến hành chuyển nhượng. Điều này bây giờ không còn đúng nữa. Những đội bóng như Barcelona, Liverpool hay M.U mới là những kẻ xuất sắc và quyết đoán. Họ thích một cầu thủ nào đó, họ đặt vấn đề thẳng với đại diện cầu thủ và đi đến ngã ngũ rất chóng vánh. Đấy là điều mà trước đây các CLB Ý đã làm được. Điều mà các CLB Italia phải nhanh chóng làm bây giờ, là chấm dứt mua bán những cầu thủ vô danh, ngừng đổ tiền đổ của đánh bạc vào những cầu thủ trẻ người nước ngoài, nhất là những cầu thủ ngoài EU ngày một đông trên đất Italia và đánh cược vào các cầu thủ trẻ người Italia.

Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm