Cái răng cái tóc

27/11/2011 13:57 GMT+7 | Văn hoá

(Về tục để tóc dài)

(TT&VH) - Sau năm 1644, khi quân Mãn Thanh đánh bại nhà Minh, lập ra triều đại Mãn Thanh, buộc tất cả người Trung Quốc phải để tóc đuôi sam. Kể từ đó lối để tóc dài của người Việt và người Hán vốn đã có nhiều điểm khác nhau, nay thì hoàn toàn phân biệt.

Người Mãn, nam giới cạo nhẵn nửa đầu phía trước, để tóc dài phía sau, tóc tết thành một dải để thõng thẳng chính sau lưng như cái đuôi con sam. Đến năm 1911, sau Cách mạng Tân Hợi, lật đổ chính thể phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, lối tóc đuôi sam cũng bị xóa bỏ.

Trong lời hịch đánh quân Thanh, vua Quang Trung có viết: Đánh cho để răng đen / Đánh cho để tóc dài / Đánh cho nó nhất chích luân bất phản / Đánh cho nó nhất phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ. (Đánh cho một chiếc xe không quay lại / Đánh cho một mảnh giáp không trở về/ Đánh cho lịch sử biết nước Nam là có chủ).

Qua lời hịch này thì răng đen và tóc dài là đặc điểm văn hóa nhân thể của người Việt Nam.

Thiếu nữ Hải Phòng (Bưu ảnh Đông Dương đầu TK 20, NXB Thế giới)

Từ cổ xưa, người Việt sinh ra để tóc dài. Có người để từ nhỏ, có người lúc bé cạo đầu để chỏm, sau lớn quá 13 thì để tóc dài. Bé trai thì để một chỏm chính giữa thóp, nhằm che thóp đầu, bé gái thì để ba chỏm - chính giữa và hai bên.

Tuy nhiên tục này có phổ biến hay không thì còn xem xét. Nhưng đại thể người xưa quan niệm răng, tóc, móng chân, móng tay đều của cha mẹ sinh ra và của chính mình, nên nếu có cắt hay bị rơi rụng, phải nhặt lấy cho vào một cái túi, cất đi, khi chết để vào áo quan, cùng với thi thể, thế mới toàn vẹn. Ngay cả những hoạn quan, khi cắt tinh hoàn, thầy hoạn bèn ướp khô nó, sau bán lại cho chính viên hoạn quan để chôn cùng, kiếm ối tiền.

Người Việt khi cắt móng tay, chải đầu tóc rụng đều giữ lại, riêng tóc họ hay vê lại và giắt vào liếp tre, còn dùng để đánh cảm gió.

Móng tay dài của ông đồ (Bưu ảnh Đông Dương đầu TK 20, NXB Thế giới)

Ngày thường người ta chải đầu bằng lược thưa cho khỏi rối, rồi chải bằng lược bí cho mượt tóc, đàn bà thì vấn đuôi tóc vào một chiếc khăn dài và hẹp, quấn nó thành một con rắn, rồi vấn lên đầu như cái vành rế, đàn ông búi thấp ra phía sau gáy. Nhưng nếu đàn ông làm quan, phải đội mũ, hoặc vấn khăn xếp, thì thường búi cao hơn lên phía đỉnh đầu. Người ta gọi là đóng khăn thì đúng hơn, tức là có một cái cốt gỗ, rồi đóng từng vành khăn vải vào đó cho ngay ngắn, rồi mới đội lên đầu. Nhưng cũng không ít người quấn khăn to như cái rế đội đầu theo kiểu những người Nam Á và Ấn Độ. Cách đội khăn đầy đầu này cũng phổ biến trong quân đội. Khi cần họ tháo khăn ra, biến nó thành một loại vũ khí, có thể chống lại được gươm và dao găm. Người dùng khăn giỏi có thể đánh khăn trải ra như cái gậy, thu vào như cái dây, cũng được coi như một loại nhuyễn tiên (roi mềm) rất lợi hại.

Không ít đàn bà để tóc từ lúc mới sinh cho đến chết, vào tuổi thanh xuân tóc họ đã dài ngang lưng hay chấm gót, nếu búi lên thì thành một búi lớn trên đầu. Buổi chiều tối, các cô tóc dài gội đầu nước bồ kết và vỏ bưởi, thơm nức, rồi đứng ra đầu gió quay tóc cho khô, hương hoa bưởi thơm nức cả một vùng, cái yếm bị nước làm ướt đẫm, biểu lộ rõ đôi gò bồng đảo nhún nhảy.

Tuy nhiên khảo sát các tượng hoàng hậu, công chúa và các quý tộc từ thế kỷ 16 - 18, cho thấy họ có một lối để tóc khác. Bình nhật họ cũng vấn đầu, hoặc búi tó thông thường và cài trâm. Khi có lễ, họ đội một chiếc mũ vàng tùy theo địa vị, thường là mũ có hình phượng, nếu quy y cửa Phật, chiếc mũ này có chạm hình quầng lửa và hình đức Phật chính giữa. Tóc được chải thành một làn xõa rộng ra sau lưng, hoặc tết hai lọn hai bên sau tai, một làn rộng ở giữa lưng. Hai bên làn tóc rộng sau lưng, túm lấy hai lọn nhỏ tết chúng lại, rồi buộc vào với nhau, để giữ yên cả làn tóc.

Cách để tóc của giới quý tộc đương nhiên là cầu kỳ hơn bình dân cốt vấn cho gọn khi đi lao động hay đi chợ. Nhiều ông đồ không bao giờ cắt móng tay, móng tay họ dài đến 15 phân, hoặc hơn. Để khỏi bị tổn thương đầu móng tay, họ đeo những chiếc nhẫn bạc lồng vào đầu ngón tay trợ lực. Những vị này chắc không bao giờ phải lao động nặng nhọc. Riêng đàn bà, cái trâm là vật quan trọng, vào tuổi dậy thì, chuẩn bị kết hôn, họ được cha mẹ sắm cho vài cây trâm bạc, nghèo thì trâm bằng sừng, bằng gỗ, người nghèo quá thì dùng luôn đũa làm trâm. Trâm để giữ tóc cho chặt và khi động phòng, nếu người chồng bị ngất, thì dùng trâm kích vào huyệt cùng của anh chàng cho tỉnh lại.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm