Cái nhìn sớm về hồ Gươm

14/03/2011 13:42 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Những ngày này, dư luận đang xôn xao về rùa hồ Gươm, chuyện “cụ” ốm đau, được bàn cách chữa chạy, rồi vùng thoát khỏi lưới các “bác sĩ”. Điều đó cho thấy sự quan tâm của dân ta đến di sản quá khứ thế nào. Hồ Gươm, về mặt phong cảnh, đáng được gọi là “lẵng hoa giữa lòng thành phố”, nhưng về tâm linh còn là một biểu tượng, một khu vực thiêng liêng cần bảo tồn, gìn giữ không ngừng.

>> Chuyên đề: Cụ Rùa lâm nguy

Vậy mà đã có lúc biểu tượng ấy có cơ bị tổn hại vì những ý đồ “phát triển”. Bất chấp truyền thuyết được lịch sử lưu lại và trân trọng, bất chấp cung Khánh Thụy, Điếu Đài (Đài câu cá), chùa Báo Ân đã bị xóa đi, những đảo Ngọc, đền Bà Kiệu, cầu Thê Húc còn tồn tại, khu vực này vẫn từng là mục tiêu khai thác về kinh tế.

Còn nhớ mươi năm trước khách sạn Hà Nội vàng, tòa nhà “Hàm cá mập” mọc lên, bị báo chí “đánh” cho tơi tả, phải điều chỉnh thiết kế hoặc sửa lại mới “yên” được. Nhưng đến lúc hai tòa công sở lớn xây bên Đông và Tây hồ, người ta đành chịu, bất kể chúng, hoặc có những đường nét thật nghiêm khắc, hoặc kích cỡ quá khổ. Cách nay đôi ba năm, dư luận lại phải sôi lên vì kế hoạch xây siêu thị “khủng” chỗ Nhà Đèn cũ. May mà “dẹp” được.

Panorama Hồ Gươm. Ảnh: Dương Vi Khoa


Điều đó cho thấy sự giành giật về mục đích sử dụng con hồ huyền thoại đã nóng đến thế nào. Và đấy đều là những sự kiện sôi nổi, được thông tin, tranh biện sát sạt. Mấy ai biết đến các vận động âm thầm về nhận thức, quan điểm trong dân gian hay giữa giới chức với nhau, tuy chúng đáng được coi là tiền đề cho những sự kiện gây sốt kể trên. Một trong những vận động ấy là bản “Kiến nghị về hồ Gươm”.

*

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1910 - 1989) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VII, làm Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội từ năm 1962 - 1975. Sách Dấu ấn thời gian mới ra ở NXB Khoa học kĩ thuật tập hợp nhiều tư liệu quý giá ông để lại, trong đó có “Kiến nghị về hồ Gươm” ông làm cùng Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Quang năm 1987. Về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (đã mất), nguyên Giám đốc NXB Ngoại văn, chúng ta đã biết đến với vai trò nhà văn hóa, tác giả những công trình về tâm lý thiếu nhi. Người thứ ba, ông (?) Nguyễn Quang, người soạn sách - kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương - rất tiếc chưa tìm ra. “Kiến nghị...” trình bày dưới dạng những bức ảnh chụp hồ Gươm kèm lời bình, phân tích và cách giải quyết những vấn đề quanh “lẵng hoa giữa lòng thành phố”. Để hiểu thêm một giai đoạn, và nhận thấy cách ứng xử với khu vực nhạy cảm, giàu truyền thống này đến hôm nay vẫn còn những thái độ khác nhau, chúng tôi trích giới thiệu phần chữ trong công trình trên.

*

“Trong một thành phố có những khu nói lên sự oai nghiêm của Nhà nước, có những khu tập trung buôn bán giao dịch, có những khu công nghiệp rộn ràng, có những khu hiện đại với những đại lộ và nhà cao tầng. Nhưng nếu thiếu một khu như bờ hồ Hoàn Kiếm, là thiếu một yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên cảnh sắc của thành phố và tính cách con người ở thành phố ấy”.

“Bao lần trước lúc ra về, tôi muốn thoáng nhìn qua cảnh hồ, nhưng trong nhiều năm một cửa hàng bán hoa đã bịt kín tầm nhìn. Nếu tính ra trong nhiều năm đến mấy chục vạn người sau cơn sốt dấy lên trong cửa hàng Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza - HĐ), vì quầy hàng hoa oan nghiệt ấy, đã mất đi một liều thuốc an thần quý giá”.

“Chúng ta hết sức hoan nghênh quyết định phá bỏ quầy bán hoa trước cửa hàng Bách hóa: đây là áp dụng một phương châm cơ bản trong việc bảo vệ và phát huy tính độc đáo của cảnh sắc Bờ Hồ. Nhất thiết không xây dựng những gì ngăn cản người ta nhìn ra toàn cảnh Bờ Hồ... Con người thành phố sống chen chúc giữa những dãy nhà cao, tầm nhìn thường xuyên bị những bức tường bịt lại không mấy khi được nhìn ra xa, nhất là trên một mặt nước long lanh in bóng trời xa rộng; nay có một nơi nằm ngay giữa thành phố không cần đi xa, để có thể cho con mắt tức tâm hồn mình thoát khỏi cảnh chật chội tù túng hàng ngày, mà ta lại bịt đi, trong lúc hô hào con người Hà Nội phải giữ lấy truyền thống thanh lịch”.

“Các nhà cửa của cơ quan hay tư nhân không những chỉ cần chăm chú đến tầng dưới có mặt ra đường, còn phải quan tâm đến mỹ quan của các tầng trên; đặc biệt không phơi quần áo, và tốt nhất nên có những dàn cây, dàn hoa hoặc trang trí mang tính dân tộc. Trên các mái nhà cũng không thể cho mọc lên những cột với dây dợ chằng chịt”.

“Vẻ đẹp của thiên nhiên, chiều sâu của lịch sử, nếu mất hai đặc tính ấy, thì không còn là Bờ Hồ nữa. Hà Nội đang trên đà xây dựng, nhưng Bờ Hồ là một khu vực đặc biệt, phương châm là bảo vệ tuyệt đối tính độc đáo của khu này. Chỉ cần năm bảy nhà cao tầng bằng hoặc cao hơn tòa Bưu điện, trên mỗi tòa lại chằng chịt điện đài, thì hồ Hoàn Kiếm chỉ còn là cái ao, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn chỉ còn là những chuồng nuôi bồ câu, cầu Thê Húc chỉ còn là nơi ra ngồi vo gạo, rửa rau muống”.

“Tạo ra những tượng đài không thể chỉ để ý đến mỹ quan của bản thân nó, mà phải chú ý đến việc tượng đài ấy có hài hòa với cảnh sắc chung quanh không. Như cạnh cây đa và đền Bà Kiệu đặt một tượng đài kiểu hiện đại quả là không phù hợp”.

“Với những phương tiện xây dựng hiện nay, có thể xuất hiện nhanh chóng những tòa nhà 10 - 15 tầng... Rồi những người buôn bán đua nhau dựng lên cửa hàng, quán rượu, tiệm ăn. Nhà nước và tư nhân, mỗi cơ quan, mỗi người xây dựng và trang trí theo kiểu cách riêng, quang cảnh Bờ Hồ sẽ hỗn tạp như một chợ trời”.

“Những cơ quan lớn tiến lên hiện đại không thể xây dựng bộ phận mới ở khu này. Chỉ giữ ở đây một bộ phận liên lạc, tiếp tân, còn xưởng máy móc, điện đài, ga-ra ô tô, hoặc các phòng thực hiện chức năng của các ngành cần tập trung lại trong một trụ sở hiện đại, xây ở một khu sau này sẽ là Trung tâm giao dịch quốc gia và quốc tế”

“Cửa hàng không được nhếch nhác, lộn xộn, mà còn phải được trang trí thanh nhã mang tính dân tộc rõ nét. Không được phép hiện đại hóa vô tội vạ... như ở Sài Gòn cũ hay ở Băng Cốc. Hà Nội mà chạy theo Sài Gòn cũ hay Băng Cốc chỉ có thể làm được ở cấp thấp, và ai muốn tìm nơi ăn chơi thì hẳn người ta sẽ đi Băng Cốc hay Hồng Kông chứ chẳng đến Hà Nội làm gì. Còn người trong nước lại mất đi một nơi để bồi dưỡng tình cảm và tâm tư”.

*

Căn cứ vào số lượng, kích cỡ các bức ảnh, những lời bình nói trên, có thể thấy “Kiến nghị về hồ Gươm” có quy mô như một cuộc triển lãm, chiếm không gian không nhỏ. Nội dung, dù đã rất kiệm, cho biết tác giả thật sôi nổi về ý tứ, dường như muốn thuyết trình cho ai đó, rất có thể là một cấp lãnh đạo, cách nhìn của mình. Rất tiếc là nó đã xuất hiện thế nào, hiệu quả ra sao thì chưa ai biết được, kể cả người biên soạn cuốn Dấu ấn thời gian nói trên. Nhưng ta có thể đoán chắc bộ ba Nguyễn Khắc Viện, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Quang bỏ tâm sức làm đến vậy ắt không để nó không “ra được với đời”. Vả chăng, cái ý “con hồ nếu không được bảo vệ sẽ thành ra cái ao để người ta ra vo gạo rửa rau” đã được cửa miệng thiên hạ lưu truyền khá phổ biến rồi. Các tác giả đều “đóng” vị trí đón được những thông tin khai thác hồ Gươm về kinh tế, hẳn phải sớm lấy làm lo lắng mới thực hiện cuộc kiến nghị này.

Hơn hai chục năm đã qua. Cuộc “so gươm” về ứng xử với con hồ lúc lắng xuống, tưởng chừng ổn định, lúc lại bùng lên, cho thấy đây còn là không gian nóng lắm. Giới thiệu kiến nghị trên của bộ ba Nguyễn Khắc Viện, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Quang, chúng tôi còn muốn nhắc đến đề nghị của giới kiến trúc với chính quyền, rằng cần đặt hồ Gươm thành một khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, lâu dài, ổn định bằng địa giới và các quy định.

Hoàng Định

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm