'Cái nền' của bóng đá Việt Nam quá mỏng

14/03/2023 09:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sau vài lần lùi thời gian đăng ký, rốt cục giải hạng Nhất cũng phải tiến hành bốc thăm xếp lịch thi đấu khi chỉ còn có 10 CLB. Chưa cần nhìn vào chất lượng của các cái tên, việc chỉ còn 10 đội ở giải đấu thấp nhưng mang tính nền tảng khiến cho những kỳ vọng về sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp đã đối diện với ngọn núi lớn.

Về lý thuyết, đá 18 vòng đấu để tìm 1 đội thăng hạng V-League thì cũng không đến nỗi là thiếu cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu nhìn cụ thể vào từng cái tên ở giải hạng Nhất năm nay, chúng ta đều biết là ít nhất 7 CLB mà dù có "cho thăng hạng" thì chưa chắc họ đã "dám" nhận. Phần lớn các đội hạng Nhất đều trực thuộc địa phương, trong đó thậm chí có đến 4 đội gần như chẳng có truyền thống bóng đá (Phú Thọ, Bình Thuận, Hòa Bình, Bình Phước), nghĩa là họ làm bóng đá từ con số 0.

Phân tích một chút. Truyền thống như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Lâm Đồng… giờ chẳng biết đang ở đâu trong đời sống bóng đá chuyên nghiệp. Làm từ con số 0 như các CLB do doanh nghiệp quản lý, cũng chỉ tồn tại vài năm rồi biến mất như trường hợp của các đội đến từ TP.HCM. Như vậy, vừa không truyền thống, vừa chẳng phải doanh nghiệp, thì gần như không có cơ sở nào để nói các đội địa phương nói trên đặt quyết tâm lên chơi ở V-League cả.

Một giải hạng Nhất mà có đến 80% CLB không muốn thăng hạng, thì thực sự là bài toán quá khó cho các đơn vị quản lý. Hiện V-League ổn định 14 CLB suốt từ năm 2005 đến nay. Có muốn tăng số đội V-League thì việc đầu tiên là phải tăng được các đội hạng Nhất, nhưng cũng chừng đó năm, con số ở giải đấu số 2 Việt Nam này luôn giảm cả về số lẫn chất lượng.

Chưa kể, một số đội như Huế, Long An… suốt bao nhiêu năm qua cũng đã "xác định" là chỉ đá trụ hạng. Vậy thì làm sao tạo ra được sự cạnh tranh? Và giải hạng Nhất có khác gì giao hữu? Đó là chưa nói còn làm ảnh hưởng đến Cúp quốc gia, khiến giải này luôn ở cảnh "chợ chiều".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cái cơ cấu hình tháp ngược này tồn tại quá lâu nhưng tại sao nó vẫn cứ được vận hành mà chẳng có sự can thiệp nào, ít nhất là về mặt kỹ thuật, để thay đổi tình hình. Ai cũng biết là nó không hợp lý trong cấu trúc của một nền bóng đá phát triển, nhưng cũng chẳng ai có động thái cụ thể nào để đưa nó về quỹ đạo phù hợp.

Các đội bóng hạng Nhất được xếp vào nhóm "CLB chuyên nghiệp" cùng với V-League. Tức là về cơ cấu thì giống nhau, chịu sự qui định - chế tài như nhau, chỉ khác về chất lượng thi đấu mà thôi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các cái tên ở giải hạng Nhất hiện nay, liệu rằng có bao nhiêu đội bóng đủ "chuẩn" chuyên nghiệp? Hay chỉ là các đội bóng địa phương, vận hành theo kiểu bao cấp nhưng  "khoác áo chuyên nghiệp"?

Bóng đá Việt Nam: Khi cái nền quá mỏng… - Ảnh 1.

CLB Cần Thơ (phải) năm ngoái vừa đá giải hạng Nhất và còn thi đấu với Viettel ở Cúp QG thì năm nay đã bỏ giải do không có kinh phí. Ảnh: Hoàng Linh

Ở giải vô địch U21 quốc gia 2022, không hề có bất kỳ đội bóng hạng Nhất nào tham gia vòng loại của giải bóng đá trẻ này ngoài trường hợp của Long An (nhưng không biết đây là đội Long An thuộc địa phương hay của bầu Thắng?).

Đó là một chi tiết rất đáng đặt dấu hỏi? Tại sao đang vận hành theo mô hình chuyên nghiệp, thi đấu để thăng hạng V-League, mà ngay đến việc dự giải U21 mà các đội hạng Nhất còn không đủ khả năng tham gia, trong khi nhóm tuổi này rất cần được rèn luyện thi đấu ở môi trường hạng Nhất do họ có khá ít cơ hội ra sân ở V-League? Phải chăng, giải hạng Nhất hiện nay không khác mấy so với giải hạng Nhì, vốn ở dạng bán chuyên?

Bóng đá Nhật Bản từng có lần phải giải quyết tình trạng tương tự bằng cách không cần phân hạng. Đội nào đủ lực, đủ tiền thì cứ lên đá chuyên nghiệp chứ không cần phải trải qua vài chục trận đấu không có tính cạnh tranh nhưng khi giành vé thăng hạng thì phải chạy đôn, chạy đáo để kiếm tiền. Thay vào đó, người Nhật tập trung vào việc phát triển J-League 1, xây dựng cơ cấu hoàn chỉnh, sau đó loại bỏ bớt các CLB chưa đủ chuẩn. Khi J-League 1 trở thành một thể chế tạo ra doanh thu lớn thì tự nhiên, hàng chục đội bóng sẽ muốn tham gia J-League để tìm suất lên đá J-League 1.

Câu chuyện ở đây không phải là tên gọi, mà là bản chất của các CLB. Đã không muốn chơi chuyên nghiệp, thì đá hạng Nhất hay hạng Nhì có gì khác nhau? Xét ở khía cạnh này, việc Cần Thơ hay Sài Gòn FC rút lui không tham gia là đúng. Đây là 2 thành phố lớn, nếu có đá hạng Nhất cốt là để lên V-League chứ chỉ tham gia để gìn giữ phong trào thì không nên. Thực tế thì các địa phương như Hải Dương, Thái Bình… có nhiều cầu thủ thành công, khả năng đào tạo trẻ tốt, nhưng họ đâu cần phải có một CLB chuyên nghiệp.

Thế nên, cần một cải tổ cho giải hạng Nhất thay vì cứ im lặng, đến hẹn lại lên như hiện nay. Không lẽ cứ thấy ổn ổn là được? 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm