10/03/2011 08:19 GMT+7 | Âm nhạc
Chỉ một bài hát “Chênh vênh” là đủ tạo ra một hiện tượng. Chỉ cần một ca sĩ Lê Cát Trọng Lý là đủ tạo ra một không gian âm nhạc cho quán cà phê Yên.
Một người làm nghề vừa quyết liệt vừa lơ đãng; vừa tự tin vừa như thoáng chút e dè, thận trọng; vừa đứng ở trong vừa như đứng ngoài showbiz…
Tôi không phải hiện tượng
Cảm giác của chị khi được coi là hiện tượng?
Thực ra lúc đó báo chí gọi tôi như vậy nhưng bản thân tôi không coi nó là như thế. Tôi chẳng có cảm giác gì cả, đơn giản vì tôi coi nó là công việc, một công việc hàng ngày của mình.
Chị có bất ngờ khi những đêm diễn của mình tại Hà Nội thường cháy vé?
Cũng chỉ có một chút thôi, chứ không có gì đặc biệt quá cả. Tôi tự tin hơn một chút và coi đó là một dấu hiệu tốt cho sự nghiệp của mình.
Nó có khiến chị nghĩ xa hơn?
Cũng có, nhưng mà tôi không có nghĩ được nhiều, rằng mình phải đi xa đến quốc tế hay Việt Nam, hoặc sẽ phải làm gì, làm thế nào...? Tôi vẫn chỉ sống theo kiểu nghĩ tới đâu làm tới đó. Công việc chính của tôi chỉ là hát, và tôi tạm thời làm cho tốt. Hay chẳng hạn chuyện làm album, cũng có người nói phải làm ngay nhưng tôi cũng thấy bản thân còn thiếu nhiều điều kiện. Thôi thì cứ làm từ từ, chừng nào xong thì phát hành.
Khi hát, chị thường ôm đàn ngồi một chỗ và phía dưới là đám đông. Lúc đó chị có nhìn về một ai phía dưới không?
Không, tôi chỉ tập trung thôi. Nhiều khi tôi đuểnh đoảng lắm, nên rất dễ quên lời, dù đó là bài hát của mình viết ra...
Nghe chị hát, dường như cần một không gian riêng biệt thì mới trọn vẹn?
Không gian đó không phải là lớn hay nhỏ, mà quan trọng là phải im lặng. Mọi thứ phải tập trung để không bị tách ra khỏi nó. Tất nhiên, âm thanh cũng phải thật tốt để ai cũng được nghe. Còn những yêu cầu lớn hơn về sân khấu, kỹ thuật hay ánh sáng, đó là công việc của những người làm đạo diễn, sân khấu, tôi cũng chưa biết thế nào để được gọi là tốt nhất nữa.
Chị bước vào âm nhạc có mục đích từ bé, nhưng lựa chọn một con đường mang tính cá nhân cao. Vậy người nghe là gì của chị?
Tôi không lựa chọn được người nghe. Để ý những người yêu mến mình, tôi thấy nó có nhiều thành phần, già trẻ có, thậm chí con nít 3 tuổi cũng có. Có người thì thích ca từ, có người thì thích yếu tố tâm linh, cũng có người thì thích giai điệu... Tôi cũng thấy nhạc của mình có giai điệu khá dễ chịu, có khi chẳng cần nghe lời cũng có thể cảm được. Vả lại, tôi cũng nghĩ mỗi thời kỳ phát triển của mình, sẽ lại có âm nhạc hoặc đối tượng nghe khác nhau và thay đổi.
Giữa hai nhu cầu bộc lộ bản thân và chia sẻ với người khác, cái nào lớn hơn, trong âm nhạc của chị?
Nó đi chung và không tách rời. Trong ba năm hoạt động vừa qua, giai đoạn đầu của tôi như một sự giới thiệu về bản thân. Còn bây giờ tôi luôn muốn được phục vụ. Nhưng là phục vụ trên cái mình thích. Tuy người nghe có thể thấy nhạc của tôi có những sự giống nhau nhưng thực ra, trong đó nó cũng có rất nhiều thể loại. Mỗi khi chuẩn bị hát, tôi cũng phải hình dung ra người nghe có thể thư giãn với cái gì thì tôi hát cái đó. Hay như khán giả Hà Nội và Sài Gòn chẳng hạn, cũng rất khác nhau nên mỗi nơi tôi cũng phải có những lựa chọn khác nhau.
Lúc cáu tôi ngu lắm!
Giá trị của niềm vui và nỗi buồn đối với chị?
Nó chẳng có giá trị gì cả, tôi vui nhất khi người nghe tôi thấy vui. Tất nhiên, chuyện buồn vui cá nhân nó cũng có giá trị ở từng thời điểm mà tôi viết bài hát. Nhưng hầu như là tôi quên rất nhanh, giờ tôi cũng đâu nhớ mình đã buồn hay vui trong từng bài hát thế nào đâu.
Nhưng vóc dáng chị quá nhỏ bé, để gánh và chở tâm trạng sáng tác của chị đấy?
Tôi biết làm thế nào bây giờ. Tôi chẳng thổi phồng mình lên được.
Từ ngoại hình đến giọng hát, âm nhạc và nhạc cụ, cả những bài dường như đoản khúc… Mọi thứ của Lý đều bé nhỏ. Vậy cái gì là lớn nhất đối chị?
Tôi chưa có cái gì lớn hết, kể cả con người của mình. Bài hát thì tôi cũng chỉ viết được như vậy, vì tôi có muốn viết hơn cũng không được, vì khả năng học thuật và tâm hồn của mình cũng chỉ nhỏ bé như vậy. Thôi cứ chờ đi, mai mốt lỡ già thì sẽ viết được già hơn.
Chị là ai: Người đàn bà hay đứa trẻ?
Chẳng phải là hai người đó. Tôi không hình dung mình là ai hết. Mọi thứ nó đều không rõ nét trong con người tôi. Mỗi người hình dung và nghĩ về tôi một kiểu. Còn tôi, tôi cũng sống tự nhiên, mỗi lúc mỗi khác. Trong cuộc sống, chẳng hạn trước mỗi một khó khăn, nó lại bộc lộ bản thân mình theo những cách khác nhau.
Chị có từng trải qua khó khăn bao giờ chưa mà nhắc đến nó?
Ai chẳng có những khó khăn. Nhưng tôi may mắn là không gặp những khó khăn lớn hay nghịch cảnh. Khó khăn nó có từ bên ngoài và trong. Tôi không tự tạo khó khăn từ bên trong. Còn những khó khăn từ bên ngoài, nếu mình tự tạo thêm những khó khăn từ bên trong vào nữa thì sẽ trở thành những khó khăn vô cùng lớn. Trước những trường hợp như vậy, nếu khó quá mà mình không vượt qua được, có lẽ tôi dừng lại, đợi cho nó tự qua đi.
Tính cách có vẻ ôn hòa nhỉ?
Không, tôi rất dễ cáu và nổi nóng. Mà mỗi lần tôi cáu là tôi ngu lắm. Bây giờ, mỗi lần cáu là tôi phải suy nghĩ xem có ngu không, có được cái lợi ích gì không. Tôi cũng muốn giảm cái sự “cáu” của mình lại.
Tính cách của chị đến từ đâu?
Cha mẹ sanh con, trời sanh tính mà! Có thể thói quen thì tôi bị ảnh hưởng từ trong gia đình nhưng tính cách thì trời sanh rồi. Nhưng tôi nghĩ, tính cách có thể biến đổi, biết rèn và có ý thức tu sửa hành vi trong một khái niệm giới hạn. Còn những cái tính khó thay đổi như nhu nhược, quyết liệt thì nó nằm trong bản chất.
Chị nhu nhược hay quyết liệt?
Tôi thì quyết liệt nhiều hơn. Có những lúc mình tự soi mình, thấy quyết liệt quá thì cũng cần phải biết nhìn lại. Tôi đang học cách nhìn lại.
Chị còn trẻ và suy nghĩ lại già cả thế? Nó là tự sinh hay được xây dựng chủ định?
Cả hai. Tôi nghĩ điều gì cũng nảy sinh từ một hạt giống bên trong mình rồi. Giống như một người sinh ra đã biết hát, còn hát hay hay không là do sự phát triển thuận lợi và cả do môi trường xung quanh nữa.
Lý và bạn bè có sự khác biệt nhiều không?
Tự tôi biết thì là có, nhưng tôi nghĩ mọi người không biết sự khác biệt đó. Tôi không có nhiều bạn cùng trang lứa, mà toàn là những người bạn lớn tuổi hơn. Bởi thế, nếu so với những bạn bè như họ, chắc chắn là tôi khác.
Vậy Lý và chị em trong gia đình thì sao?
Gia đình tôi đông con, tới năm người lận. Vì đông như vậy nên cũng thân nhau như bạn. Một phần tôi ít bạn đồng lứa vì tôi thích chơi với anh chị mình. Chúng tôi sống như bạn bè, không cả nể điều gì cả.
Tôi đã bỏ Nhạc viện
Nhiều người biết danh chị em ca sĩ Đà Nẵng: Cát Tiên/ Trọng Lý. Nhưng khi cô em đang bước độc hành, thì cô chị đã quay ngược, vui thú gia đình mặc dù cũng là một giọng hát đầy ấn tượng?
Thì đó là hai lựa chọn khác nhau. Có thể chúng tôi có chút gì bản chất chung vì cùng một cha mẹ sanh ra, nhưng lựa chọn là của mỗi người. Có sao đâu, lựa chọn nào cũng tốt đẹp và có những bài học riêng của nó cả.
Nhưng vấn đề là giờ chỉ còn mình chị phiêu bạt, vừa học vừa làm ở Sài Gòn?
Tôi mới chính thức ở Sài Gòn từ năm 2007, còn những lần trước chỉ là vô chơi cùng chị mà thôi. Mà bây giờ, tôi cũng đã bỏ học Nhạc viện rồi!
Tôi đã bỏ học hai lần rồi. Lần đầu tiên bỏ, tôi cũng dằn vặt lắm vì tôi làm ba tôi buồn ghê gớm. Rồi đi học lại, và bây giờ tôi quyết định bỏ hẳn. Tôi không cảm thấy vui và ngược lại là mệt. Lúc đó, trong suy nghĩ tôi cũng đã có hướng phát triển khác nên tôi mới dám bỏ. Tôi không nói đây là một lựa chọn tốt nhưng nó phù hợp với tôi và con đường tôi đi. Còn với những người khác, sẽ rất tốt khi được đào tạo chính quy.
Tôi đã từng gặp nhiều sinh viên Nhạc viện, vì đang nổi tiếng nên không theo học được rồi sau này ân hận vì mình đã bỏ học đấy!
Tôi bỏ học từ năm 2008, lúc đó tôi đâu nổi tiếng. Tôi vẫn đang học theo kiểu khác bởi tôi xác định con đường mình đi là đặc thù và phải được học đúng đường mới khai thác được. Tôi học chuyên ngành viola trong Nhạc viện. Nếu đúng đường thì sau này sẽ ngồi dàn nhạc hoặc đi dạy đàn, nếu siêu giỏi thì có thể trở thành nghệ sĩ biểu diễn. Tôi không có đủ đam mê cho việc đó. Còn nếu muốn hy sinh thì cũng phải có niềm vui để hy sinh chứ! Tôi muốn làm cái gì có ích cho mình, mọi người và cảm thấy vui.
Vậy rốt cuộc, ba chị có đồng tình với chị?
Ba tôi cũng vốn là một ca sĩ. Ba trẻ lắm, 60 tuổi vẫn thích hát. Ba thường hỏi tôi, tại sao con lại trung thực và thẳng tính thế? Tại sao con không đi hát nhiều? Tại sao con bặt thiệp mà không chiếm tình cảm của mọi người? Tôi cũng chỉ nói với ba, con còn nhỏ và con chẳng có lợi ích gì cho mọi người. Ba chưa hiểu nhiều về con đường của tôi, nhưng tôi biết ba sợ mọi người ghét tôi. Tôi cũng chỉ nói có người thương mình thì ắt có người ghét mình. Còn về nghề nghiệp, nếu muốn sống sướng hơn như ba hình dung thì nó ngắn lắm. Ba chưa hiểu cuộc sống đất nước mình đang thay đổi rồi, mọi người đã qua lúc sung sướng về vật chất rồi và chuẩn bị đến giai đoạn phát triển về văn hóa tinh thần. Tôi không thể bộp chộp được.
Ai là người cổ vũ chị nhiệt tình nhất?
Để hiểu, có lẽ chỉ có chị gái tôi, Cát Tiên. Còn song hành thì không. Và một vài người bạn nữa. Phải có người cổ vũ tôi mới dám đi chứ, chứ nếu ai cũng phản đối chắc tôi phải coi lại, nếu vẫn cố đi thì sẽ là không sáng suốt, chắc chắn mình là đứa có vấn đề.
Dẫu sao đào tạo cũng đã cho chị khả năng chơi đàn để trình diễn. Giữa hai thứ guitar và viola, nhạc cụ nào gần với con người chị nhất?
Tôi nghĩ là hát cơ! Hát gần với tôi nhất. Nó cũng là thứ tự nhiên nhất, mặc dù với tôi, giọng hát hay nhạc cụ thì cũng đều chỉ là phương tiện.
Vậy sao không học hát?
Tôi đã thử học hát, để hát theo kiểu các diva nhưng thú thực tôi cũng không có đam mê lớn với nó. Tôi không phải là người biết hát từ nhỏ, hát bây giờ cũng chỉ tới đó thôi. Có khi về già, trưởng thành hơn có thể hay hơn chút nữa thôi!
“Chênh vênh” mất thời gian lắm!
Tôi nhớ một bản nhạc đã lâu của chị, “Cười Ađam”. Cô gái còn trẻ thế mà đã ngạo nghễ cười Adam à?
Đó đâu phải cười chê đâu! Tôi chỉ cười sao Adam khổ quá... “Ai mang loài người xuống bỏ đây.
Tôi mang nặng nhọc kiếp người mê. Ai mang tình người chút bể dâu. Tôi mang nặng nhọc kiếp tình si. Người buồn ngồi vén tóc, khô mi, khô môi, khô những mùi hương quen. Người giờ ngồi luyến tiếc thương thân, thương ai, thương tiếng thở than xa. Chi bằng hát tràng...”
Vậy thực ra làm Adam hay Eva khổ?
Ai cũng khổ hết mà! Adam hay Eva cũng làm sao tránh được sự bất toại nguyện. Ví dụ nếu làm Adam, Eva ngoại tình thì Adam cũng khổ. Ngược lại, làm Eva mà Adam bỏ đi, Eva cũng đau lòng.
Có Adam nào đến gặp chị đòi xương sườn chưa?
Chưa. Tôi chưa từng gặp một Adam nào quyết liệt đến đòi xương sườn hết!
Vậy là vẫn mang nợ?
Không, rảnh nợ mới đúng!
“Chênh vênh”- ngoài tình yêu ra, chị còn gì bấp bênh nữa?
Nhiều chứ! Ví dụ những sự bấp bênh, chênh vênh trong công việc, trong đức tin, trong cả sự lựa chọn... Nhưng hồi trước, tôi thấy cái gì cũng chênh vênh hết, nhưng giờ tôi lớn hơn, lại thấy chênh vênh thật mất thời gian. Đừng đứng một chỗ và luẩn quẩn suy nghĩ, cần phải có một lối thoát.
Chị yêu nhiều chưa mà thấy yêu mạnh, lội sông sâu, thương hoa thương phận nặng nề thế?
Yêu nhiều chứ! Yêu kiểu “chênh vênh” là lần đầu tiên tôi yêu. Còn anh hỏi số lượng thì không nhiều đâu, 2 lần. Còn về chất lượng thì tôi cho rằng, người trẻ không biết yêu đâu! Yêu mà không biết hy sinh, mà chỉ có đòi hỏi thì không phải yêu. Tình yêu đôi khi là cả sự chấp nhận, chấp nhận cả cái hay cái dở của anh này, sống chung với nó và có thể dần dần thay đổi nó mà thôi. Khi còn trẻ, tình yêu chỉ là sự đam mê và tưởng tượng.
Phân tích đàn ông chi cho mệt!
Nhiều người nhận xét, Lý nam tính?
Cũng đúng! Vì tôi khùng quá. Người nào mà thích mẫu con gái tỏ ra dịu dàng, gặp tôi thấy quyết liệt quá thì đều bỏ chạy.
Vậy chị có chút dịu dàng nào không?
Nếu gặp Adam nào mà đàn ông, chắc chắn là tôi sẽ dịu dàng. Còn gặp những người đàn ông ba hoa bốc phét, tốt nhất tôi tỏ ra bình thường, mình không cần phải tỏ ra nữ tính làm gì.
Làng ca sĩ có Mai Khôi, cũng sáng tác và có nhiều tương đồng với chị. Khi hai người xuất hiện chung, cô ấy giống như đối trọng của chị vậy, nữ tính và mềm mại?
Khôi là người bạn nghệ sĩ trong số ít những người bạn của tôi. Tính cách chúng tôi khác nhau nhiều lắm, không tương đồng đâu!
Trong số báo này, chúng tôi bàn về nữ tính. Chị thấy nữ tính thì phải thế nào?
Là như vậy nè, nữ tính của đứa con gái không phải õng ẹo đỏng đảnh mà phải biết giữ cái cá tính của mình, để cho ai đó muốn được bảo vệ và yêu thương mình. Có thể mình có thừa khả năng tự bảo vệ mình đấy, nhưng để nó vào bên trong thôi, vẫn phải để cho người khác cảm thấy muốn được làm thay điều đó. Còn để nói một người nữ tính hay không, không dễ nhận và đánh giá bên ngoài được đâu, phải để ý và qua tiếp xúc nhiều lần mới biết được.
Chị tự thấy mình thế nào?
Tôi cũng nữ tính đấy! Tôi có sự chịu đựng. Mà tôi nghĩ phụ nữ mà không có tính nhẫn nại và một chút chịu đựng thì không phải phụ nữ. Đàn ông nhiều khi có cảm giác ngây ngô như con mình vậy, họ chẳng suy nghĩ nhiều như đàn bà đâu. Phụ nữ chỉ cần nhẫn nại và chờ đợi là xong, phân tích đàn ông làm chi cho mệt!
Vậy đàn bà có nhất thiết phải quá ưu tư thời thế, xã hội không? Quanh chị còn gia đình, tình yêu mật ngọt… chẳng phải quá bao la để hát và sáng tác đấy thôi?
Đúng, đàn bà đâu cần phải làm quá vậy đâu. Nhưng quả thực tôi không có nhu cầu và không có cả khả năng để viết về những điều ngọt ngào khác. Cái gì cũng phải có vốn sống trực tiếp. Tôi có đời sống tâm linh trực tiếp thì tôi làm nhạc tâm linh. Mỗi người có thiên hướng và hành động theo thiên hướng tự nhiên của họ.
Tôi không có lợi cho showbiz
Đời sống tâm linh của chị là gì?
Tâm linh không tách ra khỏi đời sống bình thường của tôi. Tôi tin vào luật nhân quả và thuyết nhân duyên. Đối với tôi, đó là một sự thật nhưng để hiểu phải trực tiếp cảm nhận chứ không phải đọc cái này cái kia đâu. Tôi nói rồi đó, tôi đang học cách nhìn lại. Và cái khiến tôi nhìn lại được chính là vì tâm linh, nó giải thích giúp tôi nhiều điều.
Vậy điều gì đang bao trùm cuộc sống của chị thời điểm này?
Chắc chỉ có đời sống tâm linh!
Công việc thì sao?
Công việc chưa bao giờ là áp lực của tôi, nhưng lại là áp lực với các trợ lý của tôi, vì tôi khó tính lắm. Bề ngoài trông tôi có vẻ dễ tính, nhưng thực ra ngược lại. Tôi dễ cáu và dễ làm cộng sự của mình buồn. Nhưng tôi không cần họ giúp tôi mang lại những nguồn lợi khủng khiếp, mà chỉ cần họ hiểu tôi, để cùng đi cho cẩn thận. Tránh bị rơi vãi, sau này phải đi dọn mệt lắm!
Dấn thân vào showbiz hào nhoáng, nhưng lại có cách sống riêng. Đó có phải là một áp lực?
Tôi chưa nổi tiếng. Tôi chưa bị các đầu mối showbiz chi phối nhiều. Đó là cung cầu thị trường mà, những người như tôi không mang lại lợi ích cho showbiz. Họ không cần tôi, vì nhạc của tôi không phù hợp với hơi thở chung. Có thể mình xuất hiện thì lạ, nhưng không thường xuyên được. Tôi vẫn nhìn về showbiz rằng nó chẳng tốt, chẳng xấu. Chỉ có sự lựa chọn của bản thân mình là nguy hiểm thôi!
Nhưng vẫn phải có thu nhập hàng tháng chứ?
Thu nhập thì vừa đủ với trách nhiệm. Tôi ổn vì tôi không có nhu cầu nhiều cho bản thân, nhà lầu, xe hơi, áo quần đẹp đẽ. Tôi cũng ít đi làm là vì thế. Và đôi khi tôi cũng tự hỏi những ca sĩ khác, họ tiêu sao cho hết tiền?
Vậy áp lực nhất trong cuộc sống của chị?
Cũng có nhiều cái lo, lo cho người mình yêu thương, lo những anh em trong gia đình chưa có nền tảng vững chắc, lo vì mình cũng chẳng làm được gì cho họ, lo vì mình cũng không thể ở bên họ được. Tôi hay lo vì mình sức yếu đâu làm được gì. Cũng chẳng biết, giờ mình có thể ở bên họ nhưng ngày mai mà mình chết thì biết sao bây giờ?
Chị nhắc đến cái chết nhẹ như không ấy nhỉ?
Anh nói giống ba tôi. Ba tôi mỗi lần nghe tôi nói thế đều bắt nhổ nước miếng nói lại. Bài hát của tôi cũng có nhiều từ “chết”. Nhưng tôi cho rằng, chết là một sự thật, không cần phải kiêng mà thậm chí cần phải nhấn mạnh nhiều lần. Ai đi đâu rồi cũng tới cái ngưỡng đó, lo mà dưỡng thân đi!
Khoảng không nào của riêng chị?
Ở nhà. Tôi ở nhà cho tiết kiệm, cả vật chất, tâm tư, tinh thần và sức khỏe...
Theo Đẹp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất