Cải lương còn, hồn Việt còn (Kỳ cuối): Cải lương ngày nay dành cho ai?

01/05/2018 14:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước thực trạng quá nhiều khán giả, đặc biệt khán giả trẻ quay lưng, người soạn tuồng cho Cải lương chuyển sang viết cho kịch hay phim, có tiền nhanh hơn. Nhưng thực ra không phải vấn đề tiền.

Mà là như vấn đề cái trứng cùng con gà, giữa người viết và người xem, chẳng biết ai tệ bạc với ai trước, để rồi sự vắng người xem, đương nhiên chẳng ai muốn sáng tác khi biết trước tuổi thọ nó không dài, thậm chí không được sanh ra.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, Đờn ca tài tử và Cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ XĨ đến 1945 của tác giả Nguyễn Đức Hiệp

Viết cái gì và viết cho ai?

Nói về tuổi thọ của một vở cải lương, tôi được chứng kiến nhiều giai đoạn có những vở có tuổi thọ trên ngàn xuất như vở Nàng Xê-đa của Lưu Quang Vũ, đạo diễn Đoàn Bá. Vở Hòn vọng phu từ kịch bản kịch nói Linh hồn của đá của Lưu Quang Vũ, chuyển thể Mộc Linh, do tôi đạo diễn, sống được vài trăm xuất.

Rồi như đã nói về phong trào đóng khung cải lương vào cái hộp video, nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu này chịu cảnh trầm luân, tuổi thọ một vở diễn không dài, vào những năm đầu thế kỷ 21, bỏ tiền ra làm vở cải lương, rước khá nhiều sao thì cũng mươi xuất là cao. Rồi từ mười xuống năm, bốn, ba, hai… một xuất.

Thêm nữa, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, nhiều nghệ sĩ xắn đi những trích đoạn hay trong một tổng thể để diễn riêng, lúc đầu còn là hát với những danh nghĩa làm từ thiện cho tha nhân, nhưng rồi thấy dễ dàng cho lợi danh cá nhân nên tiếp tục hồn nhiên đem kinh doanh nghệ thuật bằng phương thức đó mà không muốn đổ sức cùng tập thể tạo ra thêm những tác phẩm hay mới. Họ không hề ý thức rằng để có những trích đoạn hay đó, phải là cùng đổ vào mồ hôi, trí não của cả một tập thể từ tác giả, đạo diễn, nhiều vai phụ khác, nhạc sĩ, họa sĩ và cả anh em hậu đài ...

Ngoài những nguyên nhân tôi đã kể, ai cũng thấy rõ là xã hội phát triển, kinh tế khó khăn của thời hậu chiến đã trôi qua. Giờ đã 43 năm tính từ lúc hòa bình, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng chênh nhau, mà khán giả của cải lương đa phần là những người nghèo. Còn những đại gia, trung lưu thì muốn chọn những hình thức giải trí thú vị mang tính toàn cầu hơn như những cuộc thi hoa hậu, những màn trình diễn thời trang.

Phải kể thêm trước khi cải lương giảm xuất diễn, còn có xuất hiện những khán giả gốc Việt đặc biệt, trở về từ đất nước khác, có vẻ như sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra để được ngồi ghế hàng đầu khi xem cải lương nhưng có những hành xử đôi khi thua cả khán giả hạng… cá kèo.

Vậy ta sẽ viết cái gì, viết cho ai? Cho những khán giả mà giờ giá vé một vở cải lương ở rạp là một cái gì xa xỉ với họ, hay cho những khán giả xí chỗ hàng đầu để có thể liệng bia, liệng tiền lên sân khấu thưởng, hoặc sẵn sàng bao nguyên đêm diễn để chỉ xem riêng người nghệ sĩ đóng chánh hay anh hề nào đó. Hay ta viết cho những khán giả đã quay lưng với ta, với mong cầu phép lạ nào đó, họ sẽ quay về?

Không có được vở mới hay, nhiều người xoay sang phục dựng những vở kinh điển ngày xưa của thế kỷ 20 như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Rồi hai mươi năm sau, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển… Cũng có khán giả thắc mắc với tôi, sao không thấy các soạn giả cải lương thời nay cố viết những vở hay để đời sau phục dựng? Tâm lực của nhiều soạn giả cải lương đã trút gần hết vào cho video, cho màn ảnh nhỏ, nên xem thắc mắc đó chẳng tác động gì cho sáng tác của mình.

Để trả lời được câu hỏi tưởng dễ mà khó đó: Viết cái gì? Cho ai? Thử nhìn lại những nguồn kịch bản sống trong lòng người hâm mộ là những tích truyện nào. Ngoài những nguồn lúc khởi thủy mà tôi đã kể trên, rõ ràng, người soạn giả không thể xa rời yêu cầu bức thiết của đời sống chung quanh. Cho dù có nhắm vào thể loại hương xa, đường rừng hay xã hội thì tứ truyện vẫn là một bài học răn đời về “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”.

Nguồn kịch bản trong nước nếu có khó khăn về những lý do nhạy cảm thì vẫn còn bao nguồn hay của nhân loại chờ ta khai phá. Bài học lớn từ tác giả Hồ Biểu Chánh có gốc nông dân, đã sáng tác và phóng tác nhiều danh tác nước ngoài để ta có Ngọn cỏ gió đùa từ Những kẻ khốn khổ của Victor Hugo, Chúa tàu Kim Quy từ Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas cha… Ông cũng sáng tác ba vở cải lương: Hai khối tình, Nguyệt Nga cống Hồ, Vì nước vì dân.

Nhìn vào kho tàng sáng tác của ông - mà bây giờ các nhà làm phim vẫn không ngừng khai thác vì đó là nguồn thực phẩm tinh thần chính cho khán giả hải ngoại từ kịch tới phim, ta có thể tạm có một ý niệm sơ bộ như thế nào là một tác phẩm hay. Theo tôi, một tác phẩm nói chung và sân khấu cải lương nói riêng, dù muốn “văn dĩ tải đạo” nhưng không nên giáo điều cứng nhắc, những câu hát có thể bi mà không lụy, nó chỉ được xem là hay khi đã chinh phục được cả khán giả bình dân lẫn trí thức và xóa đi khoảng cách không gian lẫn thời gian. Nghĩa là dù ở đất nước nào và ở thời nào, vẫn làm lay động lòng người như câu thơ Nguyễn Trãi: “Cũng nhân tâm ấy, há thiên lý nào”.

Khán giả sẽ không quay lưng với cải lương nếu đến đó, ngoài việc được nghe những tiếng hát du dương còn được lắng nghe tiếng kêu đứt ruột của nỗi sầu nhân thế, như Nguyễn Du đã từng cất lên trong Đoạn trường tân thanh. Như ngày xưa, trước xã hội nhốn nháo với sự xuất hiện của lính Mỹ, cải lương có ngay những tuồng hợp thời như Thảm kịch tuổi xanh, Gái bán ba, Tuyệt tình ca, Bọt biển (1, 2, 3)…

Khán giả sẽ không quay lưng với cải lương, nếu đến đó, dù là được xem những vở từ tích nước ngoài như Mùa tôm của Ấn Độ, Lôi vũ của Trung Quốc, Tiếng hạc trong trăng mang phong vị Nhật…, thì đó vẫn là những câu chuyện gần gũi với con người, đầy tính nhân văn.

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Cần đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Cần đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ

Ngày 28/4, tại Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam (1918 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, Cải lương là nghệ thuật tổng hợp, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp thu và cải biến các thành tố nghệ thuật từ cung đình đến dân gian, từ Đông sang Tây, từ Bắc, Trung vào Nam.

Để mơ thành thực

Nếu ai đã nhìn cải lương như một phụ nữ bị phẫu thuật thẩm mỹ quá tay thì ta cũng có cách trả cải lương lại hình thù mộc mạc chân quê, như gần đây, nhiều phụ nữ phải đi rút chiếc mũi giả ra, hay tẩy đi chất chì hủy hoại da mặt vì có thời gian dài lạm dụng mỹ phẩm trắng da.

Khi cần phải đi sát đời sống hiện đại để trở thành người bạn đáng tin cậy với khán giả đương thời, cải lương vẫn phải làm được. Hy vọng là còn kịp để chúng ta chuộc lại những năm tháng thất tín với khán giả, bắt đầu bằng việc bằng mọi cách để lấy lại lòng tin từ các khán giả thân yêu của cải lương.

Năm ngoái khi ra Hà Nội, tôi được tiếp xúc với anh em làm cải lương ngoài đó. Được biết để thực hiện nhiều vở cải lương tuyệt vời như Vua Phật… và gần đây Ni sư Hương Tràng, các nghệ sĩ đa phần dựa vào sự ủng hộ của tư nhân. Sắp tới, mọi người đang trông chờ tác phẩm Thái hậu Dương Vân Nga được dựng và viết lại bởi đạo diễn Hoa Hạ cùng các anh chị em trong và ngoài cải lương, những người vừa trân trọng bộ môn nghệ thuật này, vừa muốn bày tỏ lòng yêu nước bằng cách tự đầu tư.

Phải nói rằng chúng tôi quá khâm phục những “dũng tướng” như những người bạn tâm huyết này. Vì thế chúng tôi cũng tha thiết mong những vị có chức năng và trọng trách với ngành cải lương hãy nghiên cứu sao để những tiền lệ này đừng kéo dài mãi vì… dù nhiệt tình cách mấy rồi cũng sẽ có lúc “lòng son cũng mỏi”. Xin cũng đừng để cải lương phải uốn éo xuất hiện trong các game show, hay trước đây, ở thành phố này, phải thoi thóp sống trong các quán bia bằng những bài ca lẻ.

Lời chót tôi xin được lặp lại: “Cải lương còn, hồn Việt còn”.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Không lấy lịch sử 100 năm cải lương để mua vui

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Không lấy lịch sử 100 năm cải lương để mua vui

Để ghi dấu 100 năm ra đời của nghệ thuật cải lương (1918 - 2018), đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh đang khởi động một phim chiếu rạp, dự kiến công chiếu trong năm 2018. Đó là phim "Gạo chợ nước sông" phóng tác từ truyện ngắn "Cuối mùa nhan sắc" của Nguyễn Ngọc Tư, do Nguyễn Thị Minh Ngọc và Huỳnh Tuấn Anh cùng chắp bút kịch bản.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm