07/09/2017 12:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Một góc độ nào đó, bóng đá phản ánh đúng bộ mặt xã hội, từ cách nhìn – đánh giá, đến khâu tổ chức và xử lý khủng hoảng kiểu vá víu, để rồi cái giá phải trả là rất đắt...
Sự cẩu thả trong cung cách làm đã khiến bóng đá Việt Nam nhiều lần phải trả giá, trong đó, khâu thẩm định chất lượng đầu vào HLV các cấp độ ĐTQG là chưa tốt. Không nói ra, nhưng ai không biết một tay bầu Đức (nguyên Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức) cất nhắc HLV Nguyễn Hữu Thắng lên làm thuyền trưởng, từ gần 2 năm nay.
Tất nhiên, khi được bật đèn xanh, nếu không muốn nói là bảo kê, ông Thắng toàn quyền quyết định, từ nhân sự đến chuyên môn, tự chọn trợ lý và lên đấu pháp. Đội tuyển U22 Việt Nam thất thủ, ông từ chức là đương nhiên.
Với một đội hình ăn tập cùng nhau hơn 2 tháng ròng, vừa chinh chiến SEA Games trở về, đấy là điều kiện cần để có thể nhấn tiếp thêm một nút thắt khác: Đá với Campuchia trong khuôn khổ Vòng loại ASIAN Cup 2019. Bởi như đã nhắc, U22 Việt Nam tập hợp được một dàn cầu thủ khá ưu việt, người trẻ nhất như Đoàn Văn Hậu cũng trải qua chục trận đấu lớn nhỏ, thậm chí ở tầm World Cup.
Không có ông Thắng, bất cứ một trợ lý nào của ông cũng có thể “cầm tạm” đội tuyển qua 1 trận đấu. Tuy nhiên, tính liên tục – kế thừa đã không được duy trì như đáng ra phải thế.
Việc bổ nhiệm HLV Mai Đức Chung làm tạm quyền, đồng thời xới tung đội hình đội tuyển Việt Nam một cách thiếu kiểm soát, lợi bất cập hại. Huy Hùng, Hoàng Thịnh hay Minh Tuấn, Âu Hoàn, Hồng Quân…, đều là những “thương hiệu” đã được thẩm định, nhưng cần phải biết rõ họ vào thời điểm hiện tại không có được trạng thái tốt nhất, sau thời gian dài chỉ tập chay mà không thi đấu. Và hệ quả trong một trận đấu được mất, dù đối thủ chỉ là Campuchia, chúng ta đã bị làm khó.
Rõ ràng, chất lượng cầu thủ Việt Nam không tệ, nhưng khâu tổ chức đội bóng cũng như hệ thống các giải đấu quốc nội có vấn đề. V-League không thể ngắt quãng quá nhiều lần và quá lâu như thế, cùng với sự chểnh mảng, cầu thủ mất đi thể lực nền và cảm giác bóng tốt nhất.
Đến “buồng phổi” là Hoàng Thịnh và Huy Hùng, cũng bắt đầu đi bộ (vì chuột rút) từ nửa sau hiệp thi đấu thứ 2, dù Campuchia không phải đội bóng mạnh, pressing nửa vời, khả năng tranh chấp – va đập cũng hạn chế…, thì đủ hiểu phản ứng phụ của việc không duy trì tính liên tục.
Nhưng, ngay cả khi đã rất nhiều lần phải trả giá đắt, thì những người làm bóng đá có vẻ vẫn giữ lối tư duy khá chung là tự vỗ về, an ủi và thậm chí là thoả hiệp với những sai lầm mang tính hệ thống. Nhiều khả năng sẽ chẳng có rút kinh nghiệm nào cả và cũng không có thay đổi mang tính cách mạng nào cả...
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất