23/08/2015 11:40 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - ĐTLA thúc thủ trận thứ 4 liên tiếp (với 3 trong số đó ở mặt trận V-League 2015), trước ứng viên rớt hạng XSKT.Cần Thơ. Tại phố núi Pleiku, SLNA thua ngược chủ nhà HAGL tỷ số 1-3. Điều đáng nói không phải là các kết quả có phần bất ngờ với nhiều người mà là cách chơi của những đội bóng được cho là đã đủ-điểm-an-toàn.
Tại Pleiku, ngay sau tiếng còi khai cuộc, học trò của HLV Ngô Quang Trường chủ ý phá bóng nhiều hơn thay vì đá bóng hay chơi bóng trong một trận đấu mà người xứ Nghệ kéo đến sân rất đông.
Đình Đồng dù đã phải nhận một thẻ vàng, đồng thời khiến SLNA phải chịu quả phạt đền (Công Phượng gỡ hoà 1-1 cho HAGL, phút thứ 65), đã liên tiếp có 3 tình huống phạm lỗi nhằm vào Franklin và Minh Vương, như thể muốn “xin thẻ”. Đồng không được toại nguyện, nhưng BHL SLNA cũng không có bất cứ nhắc nhở nào.
Và ở lần thứ ba Đình Đồng phạm lỗi với đối thủ khiến SLNA phải chịu quả đá phạt trực tiếp gần vạch 16m50. Ở khoảng cách chừng 20m, Hoàng Thiên đã không bỏ lỡ cơ hội, đưa HAGL lần đầu tiên vượt lên dẫn trước ở trận đấu này. SLNA để thua bàn thứ 3 sau đó chỉ một phút và sụp đổ theo cách đó.
Trước khi tiếng còi mãn cuộc ở sân Pleiku vang lên, chiến thắng 2-1 đã thuộc về XSKT.Cần Thơ, khi trận “derby vùng Tây Nam Bộ” diễn ra trước đó 30 phút.
Trong một chia sẻ với Thể thao & Văn hoá mới đây, HLV trưởng ĐT U19 Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn, cho rằng, nếu cứ đá thiếu tích cực, dưới sức mình, thì V-League có quá nhiều các trận đấu tiêu cực. Còn Giám đốc Cty CP Thể thao – Bóng đá B.Bình Dương, Cao Văn Chóng thì nói, khó thể bắt các đội bóng đã đủ điểm chơi hết mình.
Chứng kiến rất nhiều những biểu hiện bất thường, năm này qua năm khác, nhưng nhà tổ chức gần như không thể đưa ra bất cứ chế tài nào, hoặc cao lắm cũng chỉ gọi điện nhắc nhở. Họ cũng không có bất cứ quyền lợi biệt đãi tương đương, trong việc khuyến khích các đội bóng chơi hết mình, ít nhất là để phục vụ khán giả nhà.
Chúng ta đều biết rằng, quyền lợi lớn nhất dành cho các CLB (ngoài giải thưởng cho các đội có danh hiệu vào cuối mùa) là tiền bản quyền truyền hình, nhưng từ vài năm qua, gần như bặt vô âm tín. Có đội sau khi bị khấu trừ các khoản chi phí phát sinh, chỉ nhận được đôi ba chục triệu, gọi là tiền hỗ trợ chứ cũng không hẳn là bản quyền truyền hình.
Và một khi nhu cầu phục vụ khán giả, CĐV đội nhà bị bỏ qua, yêu cầu tận hiến – nỗ lực đến vòng đấu cuối cùng với các CLB, đấy là những ràng buộc với nhà tài trợ, hoặc chứng tỏ, để mở ra các gói mời chào tài trợ ở mùa giải kế tiếp. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không mấy quan trọng thì phải. Đúng là bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam!
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất