Trung tâm luyện thi… làng

03/07/2008 10:37 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Trong khi các lò luyện thi ĐH tại Hà Nội “nóng” đến cực điểm trước ngày thi vì những đợt thí sinh ngoại tỉnh đổ về, thì tại một làng quê cách thủ đô không xa, hàng trăm sĩ tử vẫn miệt mài học tập những ngày cuối cùng ngay tại lớp ôn thi… làng. Điều đặc biệt là hàng năm có hơn 80% số học sinh ôn luyện ở “trung tâm làng” này thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ và THCN. Câu chuyện ở làng Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Tuyển sinh bằng loa xã

Người có công mở lớp luyện thi đặc biệt này là thầy Lê Ngọc Xuân, vốn là giáo viên dạy bổ túc văn hoá về hưu. Là một làng hiếu học, mỗi mùa thi ĐH, con em Nhật Tân lại nhớn nhác lo toan đi tìm lớp ôn luyện, nhiều nhà hoàn cảnh kinh tế eo hẹp phải chạy vạy, vay mượn để cho con lên thành phố vào “lò” để hoàn thành giấc mơ ĐH. Thấy bà con tốn kém, vất vả ông giáo già vốn bước vào tuổi “xưa nay hiếm” đã làm đơn xin với UBND xã cùng Hội khuyến học lập lớp luyện thi ngay tại làng mình. 
 
Buổi học của lớp luyện thi làng

Tháng 10/2002, lớp luyện thi ĐH ra đời tại đình làng. Lớp chỉ dạy khối A, ba môn toán, lý và hoá. Thầy Xuân cất công đi mời các thầy giáo trong tỉnh về giảng dạy. Lúc đầu các thầy còn ái ngại, nhưng sau nể sự kiên trì, nhiệt tâm của người tâm huyết và truyền thống của ngôi làng hiếu học, các thầy đã đồng ý. Thầy Nguyễn Xuân Trường dạy hoá, thầy Vũ Văn Lương dạy lý đều là các giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy Trần Hùng Dũng, thạc sĩ toán đang dạy ở một trường CĐ trên Hà Nội cũng đồng ý đứng lớp. Tuần 2 buổi, thầy Dũng phóng xe máy vượt gần 60 cây số về làng dạy học.

Bác Xuân cùng hội khuyến học phải đi vận động để các em ra học lớp ôn thi tại đình làng. Nhưng tâm lí “thầy nhà không thiêng, phải lên Hà Nội cho chắc ăn” khiến các sĩ tử làng dè dặt, không tin tưởng. Chính quyền xã vào cuộc, hệ thống loa phát thanh của xã được huy động, ngày nào cũng phát bản tin thông báo “Tuyển sinh ôn thi đại học”. Cuối cùng có 25 em đăng ký theo học, đến khi học chính thức thì rơi rớt dần, còn 13 em trụ lại. Kết quả kỳ thi năm đó 10 em thi đỗ ĐH và CĐ, hai em đỗ trung cấp, trong đó có em đạt kết quả cao như em Nguyễn Thị Thuý đỗ Học viên Quân y với 28 điểm, Vũ Văn Khoa đỗ ĐHBK với 26,5 điểm.

Mỗi tháng các em chỉ phải đóng 100 ngàn đồng, một số tiền khiêm tốn để trả công các thầy và duy trì lớp học.

Luyện thi... không cấp tốc
 
Tiếng lành đồn xa, không chỉ trong làng mà nhiều sĩ tử trong huyện, trong tỉnh đã tìm đến, ôn thi ở đây. Học sinh đông, lớp học phải chuyển từ đình làng sang nhà kho của HTX đã không còn sử dụng. Ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 50 mét vuông, nằm sát đường làng, bên ngôi đình rợp bóng cây mát mẻ, thoáng đãng rất hợp cho việc ôn thi. Lớp học được trang bị đầy đủ quạt, đèn điện, thậm chí cả một máy phát đề phòng trường hợp mất điện.

"Bảng vàng" thành tích của trung tâm luyện thi làng
Tất cả những sĩ tử làng khi thi đỗ đều quay về báo tin để thầy Xuân “tổng hợp số liệu” vào một tờ danh sách. Mùa thi 2006 - 2007 lớp học làng “bội thu”, trong số 115 em theo học thì có 102 em đỗ ĐH hoặc CĐ, trong đó 37 em đỗ CĐ, 65 em đỗ ĐH. Theo thầy Nguyễn Xuân Trường thì lớp học làng không có bí quyết gì đặc biệt, thế mạnh là các em được học trước chương trình, làm nhiều lần các dạng bài trong các đề thi đại học.
 
Bắt đầu từ tháng 10 năm trước, các em vào ôn thi, hết học kì 1 lớp 12 các em đã hoàn thành chương trình của cả 3 môn thi ĐH, vì thế các em có thời gian để hệ thống lại kiến thức, làm thành thạo các dạng bài tập. Kết thúc mỗi phần học, các em đều phải làm các bài thi bắt buộc, các thầy coi thi nghiêm túc. Điểm thi được công bố trên lớp, kết quả là cuộc thi đua ngầm giữa các sĩ tử làng không ngừng nảy nở.

Em Trần Thị Lành chuẩn bị dự thi vào trường ĐH Bách Khoa tâm sự: “Học ở đây em được các thầy hướng dẫn tận tình, có gì khó hiểu thầy hướng dẫn cho kì ra vấn đề mới thôi. Có buổi tối mịt thầy trò mới về. Lên thành phố học, làm sao các thầy có thời gian dành cho từng học sinh như thế”. Lành hy vọng năm nay em sẽ thi đỗ vào trường ĐH Bách Khoa mà em mơ ước.

Có những người tâm huyết với thế hệ trẻ như vậy, có những địa phương chú tâm cho việc đỗ đạt của con em như vậy, thật đáng mừng.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm