Các tỉnh tận dụng 'thời gian vàng' để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường

02/08/2021 22:34 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 2/8, cả nước ghi nhận 7.455 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 ca nhập cảnh; 7.445 ca trong nước.

Thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid -19 tại Hà Nội

Thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid -19 tại Hà Nội

Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội), quy mô 500 giường bệnh.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc cao với 4.264 ca, Bình Dương 949 ca, Long An 445 ca, Đồng Nai 380 ca, Khánh Hòa 286 ca, Cần Thơ 221 ca, Hà Nội 159 ca... Trong số này có 2.344 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 2/8, Việt Nam đã có 161.761 ca mắc COVID-19; trong đó 46.965 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, có 436 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 14 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. Cả nước đã thực hiện 6.415.219 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 2 là 659.064 liều

Thủ tướng Chính phủ gửi thư động viên lực lượng tuyến đầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi thư động viên, bày tỏ trân trọng, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong thư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính viết: Hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 là thước đo tinh thần "lửa thử vàng, gian nan thử sức" và "tương thân, tương ái", lòng yêu nước của cả dân tộc. Đảng, Nhà nước trân trọng, biểu dương, đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế...

Thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta xác định đây sẽ là cuộc chiến còn trường kỳ, nhiều gian nan. Tôi mong các đồng chí tiếp tục thể hiện ý chí "chân cứng đá mềm", trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái để phục vụ đồng bào.

Chúng ta có niềm tin sự kiên trì, bền bỉ với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, cùng sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chiến thắng đại dịch COVID-19!

Chú thích ảnh
Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu vực phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ngày 30/7. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

 Giữ chắc và mở rộng vùng đã an toàn

Chiều 2/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và một số thành viên Ban Chỉ đạo đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho rằng với những kết quả đạt được trong việc chuyển từ vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn, giữ vùng an toàn (vùng xanh), Ban Chỉ đạo đề nghị Thành phố có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giữ chắc và mở rộng vùng đã an toàn.

Từ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương, để sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng hơn, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn ít ca mắc COVID-19, tiếp tục kiện toàn hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng. Ngoài việc giám sát thực hiện phòng, chống dịch ở khu dân cư, Tổ COVID-19 cộng đồng phát hiện người từ nơi khác về và sẵn sàng trợ giúp y tế ban đầu.

Không thực hiện việc phun hóa chất tại những khu vực ngoài trời

Ngày 2/8, Bộ Y tế ban hành công văn số 6212/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19

Văn bản nêu rõ việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun diệt khuẩn ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Để đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, an toàn và tiết kiệm, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo không thực hiện việc phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt SARS-CoV-2 tại những khu vực ngoài trời.

Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn tại Công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn số 6198/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Y tế Bộ Công an; Cục Quân y Bộ Quốc phòng; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Trường Đại học đề nghị báo cáo tiến độ tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vaccine COVID-19

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị đẩy nhanh và tăng tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được phân bổ.

Đối với các đợt vaccine tiếp nhận tiếp theo, báo cáo tiến độ tiêm chủng hàng ngày và sau khi kết thúc đợt tiêm chủng trong vòng 5 ngày phải có báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp. Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho các tỉnh, thành phố, đơn vị khác nếu kết quả tiêm tại các đơn vị, địa phương đạt tỷ lệ thấp đối với từng đợt phân bổ.

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vaccine được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Sáu loại đó là: Vaccine AstraZeneca; Vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V); Vaccine Vero Cell của Sinopharm; Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech; Vaccine Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna); Vaccine Janssen

Chú thích ảnh
 Tăng cường ngăn chặn dịch bệnh

  Ngày 2/8, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, thêm 1,188 triệu liều vaccine Vaxzevria phòng COVID-19 từ Cơ chế đảm bảo công bằng vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX) đã về đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine mà cơ chế này hỗ trợ cho Việt Nam lên trên 8,681 triệu liều. Trong số 8.681.300 liều vaccine do COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca.

Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 6,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 659.064 người đã được tiêm liều thứ hai. Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I/2022.

Kêu gọi người dân khai báo y tế hàng ngày

Chiều 2/8, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để chủ động chuẩn bị cho thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong công tác ứng phó về điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội), quy mô 500 giường bệnh.

Bệnh viện được thiết lập tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Dự kiến trung tuần tháng 8/2021, Bệnh viện sẽ đi vào hoạt động.

Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội là tuyến cuối trong điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực thành phố Hà Nội, thực hiện chức năng của Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia. Bệnh viện sẽ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch do các cơ sở y tế chuyển đến, bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả, tuân thủ theo các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

Song song đó, Bộ Y tế đang tiến hành thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam; yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhanh chóng nâng công suất giường bệnh, đặc biệt tại khu vực hồi sức.

Để kịp thời phát hiện, phân loại, điều trị các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, thành phố Hà Nội kêu gọi người dân khai báo y tế hằng ngày, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm, tận dụng hiệu quả “thời gian vàng”, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, phân loại danh sách những người khai báo có biểu hiện ho, sốt trên ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn. Người có biểu hiện ho, sốt khai báo qua các hệ thống này sẽ được gửi danh sách đến các cơ quan y tế thành phố để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

Tính đến hết ngày 31/7/2021, thành phố Hà Nội có 2.326.921 trường hợp khai báo y tế trên hệ thống phần mềm, số tờ khai khoảng trên 70.000 trường hợp/ngày. Riêng trong ngày 31/7, có 1.008 trường hợp khai báo có biểu hiện ho sốt khó thở, trong đó 666 trường hợp khai báo trên Bluezone, 342 trường hợp khai qua tokhaiyte.vn. Các trường hợp này đã được chuyển danh sách sang cơ quan y tế để khám xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Chú thích ảnh
Các địa phương tận dụng 'thời gian vàng' để sớm ngăn chặn dịch bệnh

Nâng cao năng lực ứng phó về điều trị và xét nghiệm

Sáng 2/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tập huấn hướng dẫn tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19. Hội nghị kết nối với hơn 700 điểm cầu trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong công tác y tế cần đặc biệt quan tâm đến điều trị và xét nghiệm. Theo Bộ trưởng, “đây là hai vấn đề khó đáp ứng theo tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh tại các địa phương hiện nay. Do đó, các địa phương cần hết sức quan tâm đến năng lực ứng phó về điều trị và xét nghiệm".

Trong công tác điều trị, Bộ Y tế đã phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”. Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao và bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và 2. Việc điều phối, vận chuyển, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản', Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Trước đó, tối 1/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với đại diện các bệnh viện tư nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 63 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau. Để tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, tiến tới kiểm soát và khống chế dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 2/8, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày.

Trước đó, vào tối 1/8, để tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông báo các phương tiện đã cấp mã QR Code từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) được tiếp tục sử dụng đi đến qua các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Các trường hợp được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp mã QR Code được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/8.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy, trung bình quân mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện hơn 3.300 trường hợp mắc mới, trong đó phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. Trong những ngày qua, theo dõi biểu đồ COVID-19, ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã có dấu hiệu dừng lại, "đi ngang" và hy vọng đi xuống dần trong những ngày tới. 

Đánh giá các kết quả đạt được, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Thành phố đã đi đúng hướng, có kết quả bước đầu, cần tiếp tục phát huy, mở rộng “vùng xanh”, tập trung nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sẽ hoàn thành và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm