2 giờ và 11 năm

30/09/2011 11:00 GMT+7

(TT&VH) - Đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF (Vietnam Professional Football) đã được VFF chấp thuận chỉ sau 2 buổi họp của Hội nghị VFF với 28 Chủ tịch CLB các đội bóng. 

Các ông bầu chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo VFF sau Hội nghị. Ảnh: VSI

Cũng cần phải nhắc đến chuyện Hội nghị đã không đi theo đúng kịch bản của VFF, tức chỉ chăm chăm vào việc tìm ông trưởng giải mà không đi vào việc cải tổ bộ máy điều hành. Và chính 6 ông bầu đại diện sau buổi họp tốc hành đêm 28/9 ở khách sạn Hilton Hà Nội đã soạn ra một “kịch bản” và buộc Hội nghị phải chuyển sang hướng tích cực hơn nhằm không phí công các ông bầu đến để đóng góp cho sự đổi mới.

Thực chất thì đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp không mới, bởi nó là việc đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia mà trước khi làm bóng đá chuyên nghiệp các vị quan chức VFF đã đi và đã học rất nhiều, nhưng không ai muốn cái công ty ấy hình thành do liên quan đến quyền lực và cả quyền lợi.

Việc ôm khư khư các giải theo kiểu ai chơi thì phải đóng tiền và không được “cãi” khác hẳn với kiểu đóng tiền vào cùng chơi và cùng có trách nhiệm tổ chức, trách nhiệm đến cái giải của chính mình.

Với cái kiểu hình thành Công ty cổ phần đấy và tìm người, tuyển Giám đốc điều hành như cái cách ở các công ty tuyển CEO chắc chắn sẽ giảm đi căn bệnh cố hữu là quyền lực tập trung về một nơi và quyền sinh quyền sát nằm ở một vài chỗ. Và chắc chắn nếu theo hướng đi ấy thì những nhà tổ chức và những người cùng chơi lẫn người hâm mộ sẽ không còn nghe điệp khúc “về đích an toàn” nữa.

Những người cùng đóng tiền vào (cổ phần) và cùng có trách nhiệm, có quyền lợi chắc chắn sẽ có ý thức xây dựng cho sản phẩm của mình hơn là người bỏ tiền cứ bỏ còn người tổ chức cứ làm theo cách của mình. Nó sẽ khác hẳn với kiểu 30 tỷ tài trợ rót cho giải nhưng trọng tài thì cứ phải bù lỗ chuyện ăn, ở và tìm cách lấp vào khoản lỗ ấy.

Hoàn toàn có thể xem cái Công ty thuộc loại “cũ người mới ta” được xem là ý tưởng tốt và được các quốc gia áp dụng từ lâu là một tiền đề cho cuộc cải tổ cần thiết của bóng đá Việt Nam. Điều mà người đưa ra ý tưởng cho đề án này là ông bầu Nguyễn Đức Kiên nói rằng ông chỉ mất có hơn 2 giờ để thực hiện và hơn một giờ nói chuyện với 5 ông bầu khác.

2 giờ và 11 năm (làm chuyên nghiệp) là một sự lệch pha rất lớn mà khi các ông bầu nhúng tay vào sau khi chịu hết nổi đã vỡ ra nhiều thứ.

Lại nhớ lời ông nguyên Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Phạm Khắc Lãm vốn từng là Chủ tịch một Liên đoàn thể thao ở Việt Nam đúc kết (trích): “Vì đã “qua cầu” nên tôi rất hiểu và thông cảm với các doanh nghiệp làm bóng đá Việt Nam hiện nay. Một nhà lý luận kinh điển từng nói: “Không có chủ trương là điều tệ hại, nhưng thực hiện chủ trương nửa vời lại càng tệ hại hơn”. Hướng đi đúng đắn của bóng đá Việt Nam chỉ có thể là tiếp tục thực hiện đến nơi đến chốn chủ trương của Đảng và Nhà nước, nghĩa là xã hội hóa thực sự, trao cả nghĩa vụ lẫn quyền tự quyết cho các thành phần xã hội tham gia làm bóng đá. Và cơ quan quản lý Nhà nước chỉ làm trọng tài chứ không làm cầu thủ. Không được vừa đá bóng vừa thổi còi”.

NGUYỄN NGUYÊN


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm