Các nhóm nhạc nữ phục sinh làn sóng Hàn Quốc

30/10/2010 14:40 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Nhiều người cho rằng “hallyu” hay Làn sóng Hàn Quốc đã thoái trào, song gần đây người ta nhận thấy các nhóm nhạc nữ của xứ kim chi đang chinh phục các báo, tạp chí và các kênh truyền hình châu Á.


Người hâm mộ Nhật Bản thích được mặc các trang phục giống ca sĩ thần tượng của mình
Các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đã trở thành một nguồn mới của nền giải trí hallyu. Những cô gái trẻ đẹp đó từng bị chỉ trích là chỉ biết nói, không biết hát và không có tài năng thực thụ, song dường như họ lại đang tạo nên một con đường quan trọng khác nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc.

Thể hiện tính chuyên nghiệp cao

Tuần trước, ca khúc ăn khách Gee của ban nhạc Girls’ Generation đã chiếm vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Oricon của Nhật Bản. Girls’ Generation trở thành ban nhạc nữ nước ngoài thứ hai lọt vào vị trí này trong 30 năm qua. Các nhóm nhạc khác như 4Minute và Brown Eyed Girls cũng chinh phục được người hâm mộ với vẻ sexy và hình ảnh “bắt mắt” của mình. Thế hệ hallyu đầu tiên nổi lên nhờ vào nhiều serie phim truyền hình ăn khách và các nhân vật trong phim đã đánh trúng tâm lý của hầu hết phụ nữ tuổi 40-50.

Tuy nhiên giờ đây tại Hàn Quốc, người ta có thể dễ dàng thấy nhiều người hâm mộ nước ngoài trẻ tuổi chờ đợi trên các đường phố của quận thời trang Myeong Dong hoặc ở gần các kênh truyền hình lớn để có cơ hội gặp gỡ các ngôi sao yêu thích của họ. “Đây là lần thứ hai tôi tới Hàn Quốc. Tôi thích shopping, đặc biệt là đồ mỹ phẩm vì các ca sĩ và diễn viên yêu thích của tôi đã quảng cáo những sản phẩm đó” - Maggie Delores đến từ Singapore nói với phóng viên tờ The Korea Times.

“Thành thực mà nói các ca sĩ Hàn Quốc trình diễn tốt hơn ca sĩ Thái Lan. Ca sĩ Hàn có ngoại hình đẹp và các màn diễn của họ thể hiện tính chuyên nghiệp cao” - Sirisak Ormnork, một nhân viên hàng không Thái Lan nhận xét.

Chú tâm quảng bá các sản phẩm “made in Korea”

Theo ông Masahito Ichikawa, cựu biên tập viên của tạp chí giải trí Nhật Bản TV Pia, thì: “Hallyu ở Nhật Bản đang có một sự biến chuyển lớn về mô hình” và nguyên nhân chính của sự thay đổi đó là các serie phim truyền hình Hàn Quốc đã bắt đầu thu hút được lượng khán giả lớn hơn và đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều ban nhạc nữ Hàn Quốc.

“Từ tháng 5 đến nay đã có 4 ban nhạc xứ Hàn, gồm 4Minute, Kara, Brown Eyed Girls và Girls’ Generation thâm nhập vào thị trường Nhật Bản và fan của họ hầu hết là các cô gái trẻ. Các ban nhạc nữ Nhật Bản với các thành viên trẻ, trông đáng yêu và ngây thơ, hầu như chỉ giải khuây cho người hâm mộ nam, trong khi các nhóm nhạc Hàn Quốc trông vừa đáng yêu vừa sexy”.

Sự khác biệt rõ ràng đó đã khiến nhiều người hâm mộ nữ sẵn sàng chi tiền để được xem các ca sĩ yêu thích của mình trình diễn, chưa kể họ còn sắm những bộ trang phục giống thần tượng của mình và học các vũ đạo giống họ.

Một yếu tố có ý nghĩa khác là các ban nhạc xứ kim chi luôn thu hút sự chú ý với K-pop chứ họ không “khoanh vùng” các giai điệu của mình. Trong khi đó, BoA và nhóm TVXQ từng đứng đầu bảng xếp hạng với phong cách J-pop hơn. Các cô gái trẻ đang mang đến cho người hâm mộ những “món ăn” đặc sản Hàn Quốc hay nói cách khác làn sóng hallyu mới chủ yếu là những sản phẩm “made in Korea”.

Các ban nhạc Hàn Quốc đều trải qua một quá trình đào tạo 3- 4 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Trong quá trình đào tạo đó, họ học được cách hát, nhảy như thế nào và học được cách làm việc với nhau trong một ban nhạc. Trong khi đó ở Nhật Bản, nếu bỏ từng đó thời gian cho công việc đào tạo có thể bị coi là lãng phí” - nhà soạn ca khúc Kim Hyung Seok so sánh.

Chỉ là một thành công hào nhoáng?

Gặt hái được thành công và thu hút được sự quan tâm như vậy có thể là một dấu hiệu tốt, nhưng nhiều chuyên gia và nhà phê bình đang lo lắng nền công nghiệp âm nhạc bản địa đang bị các ban nhạc được thần tượng hóa “chèo lái”.

“Đành rằng đã có những kết quả khả quan nhưng đằng sau sự hào nhoáng đó là một nền công nghiệp âm nhạc nghèo nàn. Cần phải có các ban nhạc đa dạng và các ca sĩ được ghi nhận ở hải ngoại. Chúng ta cần nhiều hơn chứ không chỉ là các ban nhạc được thần tượng hóa” - nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun viết trên trang web Mediaus.

Thế nhưng, một số chuyên gia lại cho rằng những lo lắng và nghi ngờ như vậy có thể hơi sớm bởi các ban nhạc nữ mới chỉ bắt đầu thể hiện tài năng của họ. Nhưng các ban nhạc cùng với các nhà sản xuất và công ty quản lý cũng nên nhớ một điều rằng nền công nghiệp giải trí và người hâm mộ có quyền được “kén cá chọn  canh” và chính vì vậy mà làn sóng đầu tiên đã bị thoái trào chỉ sau ít năm.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm