HS Phan Kích: Giặc cho nổ tung bức tường để phá... tranh biếm!

20/07/2008 15:55 GMT+7 | Biếm Họa

Họa sỹ Phan Kế An (Phan Kích)
(TT&VH Online) - Trong kháng chiến, quân và dân giành nhau xem tranh biếm họa của Phan Kích. Ở vùng giáp ranh và vùng địch hậu, có nơi người ta còn phóng to tranh biếm họa của Phan Kích lên mặt tường. Có lần giặc Pháp cho giật mìn nổ tung cả bức tường có tranh của ông.

1. Năm nay, tôi có nhiều dịp được đến thăm và hỏi chuyện với HS lão thành Phan Kích (tên thật là Phan Kế An) ở cái phòng vốn vẫn đầy sách, báo, tranh, bút vẽ, màu... và hai cái mũ sắt của lính Pháp bị đạn quân ta bắn thủng được mang từ chiến trường Điện Biên Phủ về. Căn phòng nằm trên tầng hai nhà ông ở 72 Thợ Nhuộm (Hà Nội).
 
Thật hạnh phúc khi được chứng kiến những nụ cười hóm hỉnh của người hoạ sĩ tài năng đã ở tuổi 84 (ông sinh năm 1923).
 
Xuất thân từ một gia đình danh giá, thân sinh ông là Phan Kế Toại, từng là Khâm sai đại thần triều đình Huế, sau tham gia kháng chiến, giữ chức Bộ trưởng Bộ nội vụ, rồi Phó Thủ tướng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Ông vốn hài hước, ham vui, có khiếu vẽ và may mắn trong thời học phổ thông ở trường Bưởi đã được học vẽ với ba người thầy, ba họa sĩ rất nổi tiếng là: Lê Thị Lựu, Tô Ngọc Vân và Nguyễn Tường Lân.
 
 Ông bắt đầu nổi tiếng khi tranh biếm họa của ông được đăng trên báo Toàn dân kháng chiến, nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã không thể giữ Phan Kích lại cho tờ báo do mình phụ trách vì chính Tổng Bí thư Trường Chinh, trực tiếp điều động Phan Kích về vẽ cho báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân dân) năm 1947, lúc ông 24 tuổi. Thuở đầu, tranh biếm họa của ông chỉ được in khổ nhỏ khoảng bằng bao thuốc lá, nhưng nhận thấy sức mạnh của tranh biếm họa Phan Kích nên lãnh đạo cho in luôn cả khổ to ngay trên trang bìa báo Sự thật. Ông hoàn toàn chủ động về đề tài, bút pháp thể hiện...
Những con thiêu thân trong chiến dịch Thu Đông
 

2. Trong kháng chiến chống Pháp, có lần chính ông đã về tận vùng địch hậu Bắc Ninh vẽ tranh biếm họa chống Pháp lên tường. Sau đó ít lâu anh em ở vùng địch hậu Bắc Ninh ra chiến khu gặp ông cho biết, giặc Pháp phát hiện, uất quá đã cho giật mìn nổ tung cả bức tường. Ông kể, khi nghe tin này, ông rất vui, vì tranh của ông đã có một hiệu quả cụ thể trong cuộc kháng chiến.

Biếm họa Phan Kích có nhãn quan chính trị rất sâu về những vấn đề trong nước và quốc tế. Đả kích sự sa lầy và sẽ giãy chết của thực dân Pháp trong cuộc chiến ở Việt Nam, ở một bức tranh ông vẽ tên thực dân Pháp to đùng, đầy lông lá đang hoảng hồn khi cái xe đạp cổ lỗ sĩ của hắn đã gãy khung, gãy vành đang lao xuống vực, mồm ú ớ: “Ối, ối, pinhông xe tôi làm sao thế này...”.

Ở một bức tranh khác, ông vẽ cảnh giặc Pháp như những con thiêu thân đang bị quân ta đốt trong chiến dịch Thu - Đông. Bức Đám rước rồng ông diễu cợt thực dân Pháp càng ngày càng bí trong cuộc chiến ở Việt Nam, cố nặn lên một chính phủ bù nhìn cờ quạt tùm lum, đang được rước trong sự bảo vệ của lính tráng vòng trong vòng ngoài... bị nhân dân ném giày dép tẩy chay.

Nhiều tranh biếm họa của Phan Kích về sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào Việt Nam giai đoạn 1949, 1950 đã trở thành những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Đặc biệt, tranh Trò chơi xếp phỗng (Sự thật 15/6/1950) lột tả đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ đang cố giành giật nhau để dựng tay sai của mình lên ở Việt Nam: Bi-don (Pháp) yếu thế bị Mỹ cưỡi lên đầu cố vớt vát : “Để tao xếp cơ, nào, nào...” với mấy con phỗng Bảo Đại, Bảo Long, Nguyễn Văn Xuân... Còn Tờ-ru-man (Mỹ) ở thế thượng phong tay cầm con phỗng Ngô Đình Diệm lẩm bẩm: “Đặt thêm chú này nữa thì vừa xinh”.
 
Và lịch sử đã cho thấy, sau khi Pháp thua trận ở Việt Nam, Mỹ đã hất cẳng Pháp, dựng Ngô Đình Diệm lên ở miền Nam Việt Nam...
Trò chơi xếp phỗng của đế quốc Pháp, Mỹ

Tranh biếm họa của Phan Kích rất sắc sảo về hình họa. Thời kháng chiến chống Pháp, phương tiện in ấn vô cùng khó khăn, tranh của ông muốn in được, ông phải tự khắc gỗ tỷ lệ 1:1 để in. Sau này, tranh ông được ông Tăng, một người khắc gỗ cực giỏi khắc cho để in. HS Phan Kế An rất thân với ông Tăng, sau nay thường đến thăm ông Tăng ở Hà Nội.

Rất nhiều bạn bè, nghệ sĩ thích tranh chân dung biếm của ông vẽ về mình. Và ở trong căn phòng của ông nói trên, thường vang lên những tiếng cười sảng khoái của mọi người khi xem những bức tranh chân dung này. Nụ cười, đó là niềm vui lớn nhất của ông, một họa sĩ, một kẻ sĩ.

Lý Trực Dũng
Xem thêm chuyên đề về biếm họa báo chí Việt Nam
+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm