Hạng mục Cống hiến Album của năm: Những thái cực ngược chiều

08/04/2016 07:41 GMT+7 | Giải Cống hiến

(Thethaovanhoa.vn) - Ai sẽ lên ngôi ở hạng mục được xem là quan trọng bậc nhất của giải thưởng Cống hiến? Liệu là album tác giả - tác phẩm với những ca khúc được sáng tác mới theo thể loại jazz, R&B hay những album làm mới lại những ca khúc quen thuộc?

>>> Chuyên trang giải Âm nhạc Cống hiến

2015 không có nhiều album CD được phát hành như những năm trước, thay vào đó, các ca sĩ chuộng hình thức single, MV nhiều hơn theo xu thế... Số lượng album nổi trội về mặt nội dung vì thế lại càng hiếm.

Ở thời điểm hiện tại, việc ra mắt album là cả một nỗ lực lớn cần được hoan nghênh của ca sĩ, nhà sản xuất và cả đơn vị phát hành. Bài ca không quên (Đức Tuấn), Phá (Phạm Anh Khoa), Bóng tối jazz- Shadows of Jazz (nhạc sĩ Giáng Son, thể hiện Trần Thu Hà - Tùng Dương) và Streets Rhythm (nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, ca sĩ Hà Anh Tuấn) là những điểm sáng trong năm mà người yêu nhạc dễ dàng nhận ra bởi nó đều khá tốt về chất lượng.


"Bóng tối jazz- Shadows of Jazz"

Rượu cũ nhưng bình mới đầy sáng tạo

Dễ dàng nhận thấy hai album mang phong vị “bình mới rượu cũ” trong danh sách đề cử năm nay là Bài ca không quên Phá. Với Bài ca không quên, đây là lần thứ hai một album nhạc đỏ lọt vào đề cử Cống hiến (Bộ đội của Thái Thùy Linh ở năm 2011 là album đầu tiên).

Với mảng âm nhạc cách mạng quá quen thuộc cũng như có nhiều thế hệ người hát thành công này thì để làm mới lại là cả một thách thức. Rất may là Đức Tuấn trưởng thành từ cái nôi hát nhạc Cách mạng, anh từng đoạt giải nhất một cuộc thi hát nhạc đỏ, từng sinh hoạt nhiều năm trong câu lạc bộ Giai điệu xanh của Nhà văn hóa Thanh Niên… nên về tinh thần bài hát, Tuấn nắm rất vững để thể hiện đúng chất “đỏ”.


"Bài ca không quên"

Đức Tuấn hát với tâm thế của một người trẻ kể những câu chuyện của lớp cha ông đi trước trong quá trình đấu tranh, kiến tạo đất nước. Các bài hát trong album cũng khá đa dạng từ hùng hồn đến tình cảm nhẹ nhàng: Lá xanh, Lời người ra đi, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tổ quốc gọi tên mình…

Phạm Anh Khoa thì… cả gan “phá” phách, chuyển đổi những ca khúc pop đình đám của các nữ ca sĩ như: Hương ngọc lan, Ngẫu hứng sông Hồng, Giọt nắng bên thềm… sang nhạc rock. Khoa hát như bài hát là của mình với một giọng hát mạnh mẽ, nam tính mà không thấy bóng hồng những người đi trước đâu nữa.

Một điểm nổi trội chung ở cả hai đĩa nhạc này là phần hòa âm phối khí đắt giá. Với Phá, công đầu thuộc về Dương Đức Tâm, nhạc sĩ hòa âm kiêm guitar bass của PAK band mà Phạm Anh Khoa đồng hành trong thời gian gần đây.


"Phá"

Có thể nói Khoa khá may mắn khi tìm được một cộng sự hiểu mình như Đức Tâm. Tâm đã thổi một sức sống, một cơn gió (đủ lạ, đủ sáng tạo và đúng chất rock) vào những bài hát vốn đã cũ này. Còn với Bài ca không quên, Đức Tuấn lại tìm được những cộng sự ăn ý như Nguyễn Công Phương Nam, Hoài Sa… đặc biệt là cái tên triển vọng Minh Thụy để làm mới nhạc Cách mạng theo một cách rất hiện đại và văn minh, vừa có dance, vừa electro… và cả một chút dân gian hòa quyện rất “nịnh tai” người nghe.

Cuộc chơi của album tác giả, jazz và R&B

Hai album còn lại tuy khác dòng nhạc nhưng giống nhau về mặt hình thức, đều là album tác giả -tác phẩm. Đây là lần thứ hai Giáng Son có mặt ở hạng mục Album của năm và lần thứ ba Hà Anh Tuấn được đề cử. Son theo đuổi jazz đến tận cùng còn Tuấn thì vẫn miệt mài với R&B.

Sau CD đầu tay mang chính tên mình năm 2007, “Nữ nhạc sĩ ấn tượng” của sân chơi Bài hát Việt vẫn kiên định trên con đường sáng tác những ca khúc trúc trắc về giai điệu với ca từ giàu chất thơ. Vì không hề dễ thể hiện về mặt cấu trúc (Son thường viết quãng rất rộng) cũng như thông điệp bài hát nên những sáng tác chất lượng của Giáng Son luôn được các thí sinh chọn để thi thố trong các cuộc thi thiên về tính chuyên môn. Sau 8 năm, cô trình làng một album tròn đầy về mặt nội dung, được thực hiện theo phong cách pop - jazz với hai giọng hát Tùng Dương và Trần Thu Hà.

Ngoại trừ đôi ba bài hát cũ được cover lại như một cách bonus thì những sáng tác mới của Son rất đáng nghe như: Chạm, Tìm, Vệt buồn.... Album chất chứa nhiều nỗi niềm của một nữ tác giả, vừa muốn nổi loạn nhưng vẫn mực thước trong khuôn khổ của nhạc jazz. Hòa âm của Bóng tối jazz(do Thanh Tâm và Vũ Quang Trung thực hiện) không nhắm vào sự cầu kỳ hay ồn ào tầng lớp, mà tinh tế, đẹp vừa đủ tương đồng với không gian ca từ nhiều chiều sâu của tác giả.

Hà Anh Tuấn từng ra mắt album đầu tay năm 2007 với nhà sản xuất là nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Café sáng khi đó đã được dánh dấu là chapter (chương 1) của bộ đôi này và nay, Streets Rhythm được xem là chapter 2 hay ly cafe sáng thứ 2 của bộ đôi nhạc sĩ - ca sĩ này. 8 năm, Hà Anh Tuấn  vẫn theo đuổi R&B, dẫu có lúc anh “nhảy” một chút sang pop, rock và cả EDM thì R&B vẫn là dòng nhạc hợp với Tuấn hơn cả.


"Streets Rhythm"

Các bài hát trong album xoay quanh chủ đề cuộc sống của những cư dân thành thị được Võ Thiện Thanh viết riêng cho dự án như: Cà phê mang đi, Cô gái bên kia phố, Selfie, Ngã tư, Red car… đều tràn ngập một hơi thở đương đại về nội dung lẫn âm nhạc.

Một điều ngẫu nhiên nữa là cả hai sản phẩm kể trên lại “chạm trán” với nhau trên thị trường âm nhạc sau đúng 8 năm kể từ album đầu tiên (của Giáng Son cũng như Võ Thiện Thanh - Hà Anh Tuấn).

Điều đáng nói là Bóng tối jazz Streets Rhythm đều là những đĩa nhạc độc đáo, đặc sắc và mới mẻ của thị trường âm nhạc năm vừa qua. Cộng với Bài ca không quên và Phá, tuy không mới nhưng vẫn đầy sáng tạo, ai trong 4 cái tên này sẽ được đánh giá là nổi trội nhất để được vinh danh vào đêm 24/4 sắp tới ở Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 11 tại FLC Sầm Sơn Resort (Thanh Hóa).

Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 11-2016 sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 24/4/2016 tại Trung tâm hội nghị quốc tế - Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (đường Hồ Xuân Hương, Sầm Sơn, Thanh Hóa). Chương trình do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức. Các nhà tài trợ gồm: MobiFone, HP Inc. Vietnam, Công ty Lê Quý Dương.

Nguyễn An Khang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm