Các đội bóng London: Thêm một mùa giải buồn?

12/08/2011 18:50 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần) - Mấy ngày qua, thành phố thủ đô nước Anh như trở thành một vùng chiến sự khi các cuộc biểu tình của thanh thiếu niên bùng phát thành bạo lực. Lửa cháy, những chiếc xe tuần tra bị đốt, các cửa hàng bị cướp bóc tan tành và cuộc sống thường nhật đảo lộn, khiến bóng đá không là ngoại lệ.

Trận giao hữu Anh - Hà Lan ở sân Wembley bị hủy bỏ, những trận đấu ở Carling Cup có mặt Charlton và West Ham phải hoãn lại. Giống như trận gió dữ thổi đổ lá cờ súy trước giờ xuất quân, đó không phải là điềm lành cho bóng đá London trước mùa giải mới.

Mùa giải 2010-2011, các đội bóng thủ đô nước Anh, trừ Fulham, đều chơi không thành công. Thật ra, vị trí thứ tám của đội chủ sân Craven Cottage cũng chẳng phải điều gì to tát, nhưng ít nhất thì đội bóng của huấn luyện viên mới Martin Jol cũng không phải trải qua những nỗi thất vọng đắng cay như Chelsea, Arsenal, Tottenham hay West Ham. Kết thúc mùa bóng trước, cả Chelsea lẫn Arsenal đều trắng tay sau khi bị loại một cách cay đắng khỏi các giải đấu cúp và bị Man United bỏ xa ở cuộc đua Premier League. Trong khi đó, West Ham thậm chí còn phải xuống hạng với vị trí bét bảng, cách vùng an toàn bảy điểm với một hình ảnh bạc nhược chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

Trước sự vươn lên mạnh mẽ của Man City và thực tế rằng Man United vẫn còn đủ sức thống trị Premier League, mùa giải này có lẽ London sẽ còn lép vế hơn nữa so với các địch thủ chính của họ ở miền bắc.

Arsenal sa sút, Chelsea thiếu tham vọng, bóng đá London đang lép vế so với Manchester- Ảnh Getty

Chiếu trên: Arsenal và Chelsea gặp khó

Bất chấp rất nhiều tuyên bố và tin đồn thổi, thực tế cho thấy đến thời điểm của mùa chuyển nhượng, khi chỉ còn 20 ngày nữa là cuộc mua sắm kết thúc, cả Arsenal lẫn Chelsea đều chưa có sự tăng cường đáng kể nào. Điều càng khiến nhiều người nghi ngờ tham vọng của hai ông lớn thủ đô là sự chậm chạp của họ diễn ra trong bối cảnh những kẻ cạnh tranh chính là M.U, Man City và Liverpool đều đã nhanh tay tăng cường rất mạnh cho mùa giải mới.

Tại Emirates, Gervinho, tiền đạo người Bờ Biển Ngà có giá 11 triệu bảng đến từ Lille, đã cho thấy qua những trận giao hữu đầu mùa rằng anh có thể là một hợp đồng giá rẻ thành công nữa của HLV Arsene Wenger. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu sẽ là chưa đủ để chiến lược gia người Pháp kết thúc chuỗi dài sáu năm trắng tay của Arsenal. Sau khi đã mất Gael Clichy, đang đứng trước nguy cơ lớn mất nốt Cesc Fabregas vào tay Barcelona và tương lai của Samir Nasri vẫn còn chưa rõ ràng, niềm tin của các CĐV áo đỏ trắng vào đội bóng của họ đang ngày càng lung lay.

Thật vậy, nếu như với cả Clichy, Nasri và Fabregas mùa trước, Arsenal đã chơi chệch choạc, thiếu quyết tâm và gặp nhiều khó khăn trước các đối thủ thiên về thể lực, thì mùa này, những vấn đề đó có thể sẽ còn lớn hơn khi chính sách chuyển nhượng của họ, tư duy bóng đá của Wenger và các nguồn lực đổ vào đội bóng vẫn không có gì thay đổi, nếu không muốn nói là kém hơn so với các đối thủ.

Nếu như Arsenal phải đối phó với những vấn đề đã cũ, thì thách thức với đội á quân mùa trước, Chelsea, là việc thích nghi với sự đổi mới. Sau một mùa giải thất bại, bất chấp việc đã giành cú đúp ngay trong mùa đầu tiên ở Stamford Bridge, HLV người Italia Carlo Ancelotti vẫn phải khăn gói lên đường.

Thay cho ông là nhân vật trẻ tuổi đã nổi đình nổi đám trên băng ghế huấn luyện ở châu Âu cùng Porto Andre Villas-Boas. 33 tuổi, bản thành tích bao gồm Europa League và một cú đúp ở giải vô địch BĐN, từng học việc dưới trướng những HLV vĩ đại nhất, Bobby Robson, Pep Guardiola và Jose Mourinho, rất nhiều kỳ vọng đặt lên vai người thuyền trưởng mới của Chelsea và tất nhiên, đi kèm với đó sẽ là áp lực không nhỏ.

Mặc dù chưa có hợp đồng lớn nào trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè, đội bóng áo xanh sắp hoàn tất hợp đồng với tiền đạo trẻ người Bỉ Romelu Lukaku từ Anderlecht cũng như vẫn tiếp tục theo đuổi ráo riết tiền vệ kiến tạo Luka Modric của Tottenhamf. Cũng đừng quên rằng mới tháng 1 năm nay, ông chủ Nga Roman Abramovich đã bỏ ra gần 70 triệu bảng để đưa về hai ngôi sao Fernando Torres và David Luiz. Thế nên, nhân sự có lẽ không phải là vấn đề quá lớn với Chelsea mùa này.

Thách thức của đội bóng áo xanh là ở chỗ khơi lại quyết tâm chiến thắng nơi các trụ cột đã sắp bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp, như Didier Drogba, Florent Malouda, Frank Lampard hay thậm chí là cả đội trưởng John Terry. Cú vấp vào giữa mùa trước và chuỗi sa sút đầy bất ngờ sau khi đã dẫn đầu một cách thuyết phục cho tới năm mới đã khẳng định rằng đội hình hiện giờ ở Stamford Bridge đang trở nên già cỗi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Villas-Boas, với tuổi trẻ của ông, phải tìm ra cách thổi sức sống vào những cầu thủ cũng bằng tuổi mình, như ông đã làm được với Porto, một nhiệm vụ chẳng dễ dàng chút nào, ở một giải đấu đầy cạm bẫy như Premier League, và cùng một ông chủ kém kiên nhẫn như Abramovich.

Chiếu dưới: Fulham và QPR chỉ chiến đấu để tồn tại

Không như những đội bóng hàng xóm ở London, Fulham và QPR mùa này không mong gì khác hơn là tiếp tục được ở lại Premier League thêm một năm nữa. Việc bổ nhiệm HLV Martin Jol thay cho Mark Hughes vào tháng 6 có thể coi là một tin tốt cho đội bóng áo trắng. Chiến lược gia người Hà Lan từng thể hiện được khả năng khi còn dẫn dắt Tottenham và có vẻ là người thích hợp cho những nhiệm vụ như thế này.

Tại Craven Cottage đến thời điểm này của mùa chuyển nhượng không có gì đáng kể, với hợp đồng lớn nhất là cầu thủ chạy cánh John Arne Riise. Fulham không có ngôi sao lớn nào, nhưng đội hình của họ gồm nhiều cầu thủ chất lượng như trung vệ Brede Hangeland, tiền vệ Clint Dempsey hay chân sút Bobby Zamora. Nếu như chỉ để trụ hạng, thì như vậy là đủ.

QPR cũng chỉ mong muốn điều tương tự trong mùa giải đầu tiên họ trở lại Premier League sau 15 năm vắng mặt. Đội bóng tây London đã thăng hạng bằng một lối chơi ấn tượng ở mùa trước với sự tỏa sáng của tiền vệ kiến tạo Adel Taarabt, nhưng cầu thủ người Marocco đang là mục tiêu quan trọng của đội bóng Pháp mới giàu PSG. Giữ lại Taarabt sẽ là ưu tiên số một của HLV Neil Warnock trong mùa Hè, trước bất kỳ kế hoạch tăng cường nào. Sức ép càng lớn khi ngân sách chuyển nhượng của QPR quá ít ỏi. Đến giờ họ mới chi ra 1,5 triệu bảng cho DJ Campbell. Những hợp đồng khác, Danny Gabbidon, Kieron Dyer và Jay Bothroyd, đều theo dạng chuyển nhượng tự do.

Với một đội hình đã luống tuổi, QPR sẽ cần thêm những cầu thủ trẻ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của Premier League về thể lực, sức bền, khát khao và lòng quyết tâm trong một mùa giải kéo dài, điều mà cho đến giờ sân Loftus Road vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm