Việt Nam nuôi ghép được não?

23/08/2012 13:04 GMT+7 | Y tế

Anh Trần Thanh Tâm - làm công tại một xưởng mộc khu dân cư Bình Hưng Hoà (TPHCM) - nói với chúng tôi về chuyện đem não đi nhờ nuôi: "Bệnh nhân bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, chở về Sài gòn không kịp nên đã được mổ ở Bệnh viện Phan Thiết. Các bác sĩ đã mổ lấy nguyên bộ não rồi gửi nuôi ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi nuôi vài tháng, các bác sĩ ráp não lại. Bệnh nhân khỏi bệnh và sinh hoạt, làm việc như bình thường, đôi khi có hơi... cáu kỉnh một chút".

Anh Hùng - một tài xế xe ôm hay chở khách tại Bệnh viện PT - thì nói: "Ông chú tôi ở Gia Lai, bị tai nạn giao thông nặng lắm nên bệnh viện ở dưới mổ ngay. Mổ lâu lắm, sau mổ, các bác sĩ đã lấy một phần não đem nhờ một bệnh viện trong TPHCM để nuôi não cho bệnh nhân. Nuôi đến khi khoẻ thì đem về ráp lại"...

Nghe thông tin này, mỗi người phản ứng mỗi khác. Người có kiến thức thì bán tín bán nghi với lý luận: Não chứa trong hộp sọ và liền với tủy sống, chỉ cần chạm nhẹ là có vấn đề liệt chi, liệt người, tử vong... Nếu lấy được não thì y khoa Việt Nam tiến bộ quá. Nhưng sự thật có phải vậy?

... Sau năm lần bảy lượt hỏi thăm, chúng tôi được biết các ca "mổ lấy não" và đem đi "gửi nuôi" được thực hiện hầu hết ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tỉ lệ thành công lại rất cao. Nguyên văn được nói như sau: "Có người mổ lấy một nửa bộ não, có người lấy cả bộ! Bệnh nhân sống tốt, 10 người sống cả mười!".

Giá tiền điều trị được các vị này cho biết: "Rất mắc, vài ba trăm triệu là thường". Trong những người cung cấp thông tin cho chúng tôi có anh N (nhân vật xin được giấu tên) - vợ anh là trưởng trạm y tế huyện C - nên khá rành và khách quan hơn khi nói về kết quả điều trị: Có nhiều người sau khi ráp não về cũng "tưng tưng", khi nhớ, khi quên nhưng không quậy phá, phải mất một thời gian mới ổn định.

Tuy nhiên, khi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi được chỉ đích danh là nhận "nuôi não", chúng tôi được nghe bác sĩ Hoàng Hoa Hải đính chính ngay: "Không phải nuôi não mà là vỏ não - nói cụ thể hơn là mảnh xương sọ não" - ông giải thích thêm: "Những ca chấn thương sọ não rất cần được theo dõi phần máu tụ sau phẫu thuật. Vì vậy, đến khi bệnh tình hoàn toàn ổn định thì chúng tôi mới ghép lại mảnh xương bị lấy ra này".

Song ông cho biết: "Những mô này không nuôi tại Chợ Rẫy mà gửi ở ngân hàng mô". Và để biết "người thật việc thật", chúng tôi đã tìm đến anh Đ.H - một trong những người đã sử dụng dịch vụ "nuôi não".

Anh H cho biết: "Một đứa cháu của tôi bị bọn côn đồ đánh chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Sau khi thực hiện phẫu thuật, các BS tại đây cũng đã giới thiệu dịch vụ "nuôi vỏ não" để có thể ghép lại cho bệnh nhân sau khi não của cháu tôi bình phục lại. Tính đến nay, gia đình đã sử dụng được dịch vụ này khoảng 3 năm. Song vì bệnh cảnh của cháu tôi còn nặng, não vẫn chưa bình phục hẳn, cháu vẫn bị "bán thân bất toại" nên chưa thể ghép lại được".

Chạy sang bộ môn Mô phôi - thuộc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM - chúng tôi được nghe BS Trần Công Toại - Phó Chủ nhiệm bộ môn - giải thích một cách cặn kẽ: "Những bệnh nhân bị u não, tụ máu não (thường gặp trong bệnh cảnh chấn thương sọ não) cần phẫu thuật. Nhưng, sau phẫu thuật thì não sẽ bị phù, ghép lại sọ não ngay không được. Mảnh mô não này sẽ được bảo quản để ghép lại cho bệnh nhân khi não đã thực sự hồi phục. Mảnh xương sọ được bảo quản theo tiêu chuẩn ngân hàng mô của Hoa Kỳ. Hiện tại ở trung tâm, chúng tôi bảo quản gần 13.000 mẫu. Trong đó, đã có trên 5.000 mảnh được sử dụng ghép lại cho bệnh nhân".

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết: Chỉ khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc thân nhân của bệnh nhân thì mảnh xương sọ cần ghép mới được bảo quản tại ngân hàng mô. Có lẽ từ mắt xích này mà những tin đồn đã "ra đời"(!?).

Kỹ thuật trữ mô có ưu điểm giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trước kia, khi chưa có dịch vụ này, phần xương sọ sau khi lấy ra nếu không sử dụng lại được nữa sẽ phải thay thế bằng một vật liệu khác để ghép vào. Đôi khi sau phẫu thuật, bệnh nhân còn phải đối mặt với hiện tượng thải ghép vật lạ. Hiện mảnh ghép bằng vật liệu sinh học có giá khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, kỹ thuật bảo quản hiện nay cho phép lưu giữ mảnh xương sọ trong 5 năm với một mức giá dễ chấp nhận: 80.000 đồng/tháng.

Theo Lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm