Nhạc sĩ Doãn Nho và đêm nhạc ở tuổi 83: Vẫn học để trẻ hóa tâm hồn

19/04/2016 07:08 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 3 năm, nhạc sĩ Doãn Nho (83 tuổi), chủ nhân đầu tiên của hạng mục Bài hát của năm tại Giải Âm nhạc Cống hiến lần 8 - 2013, vẫn đang không ngừng sáng tác. Và hôm nay (19/4), đêm nhạc Bài ca tình yêu của ông sẽ diễn ra lúc 20h tại phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện.

Đêm nhạc của những ca khúc trữ tình

Công chúng thường biết đến nhạc sĩ Doãn Nho với những Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La, Tiến bước dưới quân kỳ, Chiếc khăn Piêu. Tuy nhiên, trong chương trình này, nhạc sĩ Doãn Nho lại chọn giới thiệu những ca khúc trữ tình thuộc thể loại thính phòng (romance) do ông sáng tác và phổ thơ.

Với ông, chọn các ca khúc cho chương trình không khó, không tốn thời gian bằng việc soạn phần đệm piano. Vì mỗi phần đệm có một hình tượng riêng và ông là người “đích thân” soạn cho từng ca khúc mất đến cả tháng.

Chọn chủ đề có tên khá lãng mạn (Bài ca tình yêu) nhưng các tác phẩm trong chương trình lại thể hiện nhiều cung bậc xúc cảm của đời ông  - một cuộc đời nhiều trăn trở, tình yêu và hoài niệm.


Nhạc sĩ Doãn Nho (ngoài cùng bên phải) nhận giải Bài hát của năm tại Giải Âm nhạc Cống hiến lần 8 - 2013

Đó là kỷ niệm không thể quên nơi chiến khu ATK Định Hóa với màu tím thủy chung của hoa Phách (ca khúc Màu tím chiến khu);  là sự phẫn nộ trước những diễn biến thời sự tại Biển Đông trong Hãy cùng ta biển ơi… Đó còn là những ký ức cuộc đời của bao thế hệ người lính trongNgười lính mùa Xuân về với những ca từ “Người lính mùa xuân về/ Ngơ ngác giữa làng quê/ Sau bao năm báo tử/ Mẹ già ngỡ ngàng trước ngõ/ Con trai nép bên tường/ Vợ đã đành bước nữa”. Và, đó còn là câu chuyện từ sự chia cắt tình cảm gia đình trong Hai chị em, mà nhạc sĩ chia sẻ ngắn gọn: “Đó là một nỗi đau, thương lắm!”.

Nhưng, bên cạnh không gian âm nhạc của bi, hùng ấy, người ta còn thấy một sắc màu của sự tươi mới, hóm hỉnh từ nhạc sĩ Doãn Nho với những ca khúc về thiếu nhi như Nụ, Mướp con… Ông bảo rằng mình rất thích tính dí dỏm trong âm nhạc và thường khéo léo lồng yếu tố này vào các tác phẩm nên không phải ai cũng nhận ra. Chỉ trong đời thường, khi giao thiệp, bạn bè thân quen và gia đình mới dễ nhận ra “đặc tính” đó.

“Tôi là học sinh chăm chỉ”

Ở tuổi 83, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn viết. Thậm chí để viết được, ông vẫn phải học không ngừng nghỉ. Một số sản phẩm mới nhất ông vừa viết là hai tác phẩm cho violon solo với cảm hứng từ chất liệu dân ca, không có phần đệm.

Ông bảo, phải học hàng ngày đấy. “Tôi có lẽ là một học sinh chăm chỉ. Ngày nào tôi cũng bật ti vi, xem các chương trình âm nhạc, từ thiếu nhi đến người lớn, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp để làm trẻ hóa tâm hồn mình, trẻ hóa ngôn ngữ sáng tác của mình”.

Khi được hỏi, ở tuổi này, điều gì làm khó ông nhất khi sáng tác. Ông trả lời: bây giờ chẳng lẽ tôi lại viết nhạc như Tạ Quang Thắng? Mà muốn viết như cậu ấy cũng không được, dù tôi rất thích âm nhạc của Thắng. Nhìn lại thời của chúng tôi hoặc trước đó, chúng tôi chỉ ảnh hưởng của âm nhạc châu Âu, rồi Đông Âu nhưng bây giờ lớp trẻ chịu ảnh hưởng của một thế giới “phẳng” – chất liệu gì cũng có. Vì thế, bản thân mình phải theo dõi để làm mới thêm cái vốn có của mình chứ không thể chạy theo giới trẻ.

“Trái nào chín trước, mình hái trước”

Hiện nay, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn đang ấp ủ đưa lên sân khấu vở opera Bài ca tình yêu mà ông đã hoàn thành từ năm 2014. Ngoài ra, ông còn hoạt động trong nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc như một cách để đi cân bằng giữa hai chân “lý luận và sáng tác”.

Công trình dang dở cách đây 20 năm của ông “Phác thảo Lý thuyết Âm nhạc Việt Nam” đã và đang được tiến hành thực hiện cùng với con gái Doãn Ánh Quyên và nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu.

Nhạc sĩ Doãn Nho có một sự ví von rất hay về nghề của mình: Sáng tác, cảm xúc như là một vườn cây, có trái táo, trái đào. Và trái nào chín trước, mình hái trước. Vì thế, có lúc sản phẩm của ông là ca khúc, có lúc là hợp xướng, có lúc là opera, có lúc sẽ là một cuốn sách nghiên cứu… Dĩ nhiên, phải có sức khỏe để làm được tất cả. Và bí quyết của ông là đều đặn hàng ngày tập dưỡng sinh tâm thể một tiếng đồng hồ.

An Yên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm