Nghe biển hát và chiêm ngưỡng Vịnh Hạ Long giữa lòng Hà Nội

19/04/2012 11:11 GMT+7 | Văn hoá

19h30 ngày 27.4, Lễ công bố Vịnh Hạ Long - Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới được tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

Sẽ xuất hiện Hòn Trống Mái như thật trên sân VĐ Mỹ Đình

Không chỉ 20.000 khán giả có mặt tại nơi diễn ra Lễ công bố mà hàng triệu người dân VN và bạn bè khắp nơi trên thế giới cũng sẽ trực tiếp dõi theo buổi lễ đặc biệt này. Trong số những trái tim Việt từng thao thức chờ tin chiến thắng của Vịnh Hạ Long, có hơn 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, vận động viên tham gia vào chương trình Lễ công bố tối 27.4. Nên có thể tin rằng,”bữa tiệc” nghệ thuật mừng chiến thắng của Vịnh Hạ Long sẽ là nơi thăng hoa của cảm xúc.

“Hoành tráng, mới lạ, bản sắc và quảng bá là đề bài mà lãnh đạo Bộ VHTTDL đặt ra cho những người làm chương trình Lễ công bố Vịnh Hạ Long - Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới”.

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN, tác giả kịch bản và đạo diễn chương trình Lễ công bố chia sẻ: “Từng tham gia vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, vui mừng đến nghẹt thở khi biết Vịnh Hạ Long chính thức trở thành Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới, tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của sự kiện Lễ công bố trong sự quan tâm và đón nhận của hàng triệu triệu người VN trên khắp thế giới.

Trong suốt 4 năm, người dân VN đã bền bỉ vượt qua rất nhiều khó khăn để tôn vinh danh thắng của Tổ quốc mình, nỗ lực ấy cần được ghi nhận và đền đáp bằng một chương trình nghệ thuật đặc biệt. Và trong nhiều ngày nay, hơn 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, vận động viên đã dốc sức để thực hiện “lời cảm ơn” bằng nghệ thuật này”.

Cũng theo NSND Trần Bình, “chìa khóa” để giải “đề bài” - Hoành tráng, mới lạ, bản sắc và quảng bá là hình ảnh Vịnh Hạ Long thu nhỏ tại sân vận động Mỹ Đình với hòn Trống Mái ở phía cuối sân khấu được tái hiện theo tỉ lệ 1:1, chiều cao 12m, chiều ngang 6 - 8 m; bên trái sân khấu là hòn Ấm, hòn Bút, hòn Ngón Tay, hòn Chó Đá; bên phải là Đảo Ti-tốp, hòn Đũa, hòn Xếp, hòn Con Cóc. Toàn bộ sân khấu rộng 1250 m2, là những tấm puvi trải trên mặt cỏ. Một đường băng dài 22 m, rộng hơn 2m, trải thảm đỏ, có lan can tái hiện cảnh cầu tầu nối sân khấu đến sát mép ghế khán giả.



Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa Nhạc nhẹ VN đang khẩn trương tập luyện cho chương trình Lễ công bố Ảnh: Ngọc Anh

Sau phần lễ trang trọng (30 phút), chương trình nghệ thuật chào mừng (90 phút) sẽ đưa người xem trở về với không gian huyền hoặc của Vịnh Hạ Long thông qua hành trình của ánh sáng, giai điệu, vũ điệu, nghệ thuật điện ảnh.

Chương I với tên gọi Thiên đường Hạ Long mở đầu bằng màn múa hát Hạ Long nơi bắt đầu một huyền thoại qua sự thể hiện của 350 diễn viên, ca sĩ. Khán giả lạc bước trong vùng Vịnh huyền thoại với câu chuyện về Rồng mẹ và đàn Rồng con được Ngọc Hoàng sai xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc.

Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và đàn Rồng con cảm động trước cảnh và người đã quyết định ở lại hạ giới. Nơi Rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng con ở lại là Bái Tử Long và đuôi rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ.

Cảm nhận hơi thở của biển, tiếng sóng vỗ, khám phá vẻ đẹp hang động qua những ca khúc: Huyền thoại Hạ Long, Chèo thuyền trên Hạ Long, Thiên đường Hạ Long; hòa vào không khí nhộn nhịp của tàu thuyền du ngoạn trên biển với tấp nập khách Việt Nam và quốc tế lên xuống qua những mô hình tàu, thuyền được tái hiện trên sân; giây phút lắng đọng để cảm xúc về biển thăng hoa nằm ở tiết mục hòa tấu Thuyền và biển với sự thể hiện của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy cùng dàn nhạc dây gồm 12 violon và 12 đàn nhị. Đây là cũng là tiết mục khép lại chương I mang dấu ấn huyền thoại để mở ra chương II với sắc màu của di sản. Tôn vinh Vịnh Hạ Long, VN cũng tự hào khi có những di sản đã được UNESCO công nhận là di sản vật thể, phi vật thể của nhân loại. Sẽ là ấn tượng khi các di sản cùng cất tiếng tôn vinh di sản. Khán giả sẽ lần lượt được dẫn dụ tới những không gian văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của từng vùng miền trên dải đất hình chữ S.

Đó là Hát Xoan - Phú Thọ; Quan họ - Bắc Ninh; Ca trù (Hà Nội); Cồng chiêng - Tây Nguyên; Nhã nhạc Cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ... Sự tôn vinh của các di sản đối với Vịnh Hạ Long cũng là lời chào mừng để di sản này tự hào với danh hiệu mới - Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới.

Đó cũng là chủ đề của chương III với hàng loạt tiết mục về biển và Vịnh Hạ Long như hát múa Tấm thảm xanh trên sóng (NSND Quang Thọ và 200 hợp xướng); Biển hát chiều nay (Phương Hà, Phương Trang, Hà Chi cùng 60 diễn viên múa); Hò biển (nhóm Phương Nam và 35 diễn viên múa); Hạ Long biển nhớ (Anh Thơ); Hạ Long xanh (nghệ sĩ Quốc Hưng và 50 diễn viên múa). Hòa chung niềm vui với Vịnh Hạ Long là niềm vui của Rừng Amazon (Peru), Thác nước Iguazu (Argentina, Brazil), Đảo Jeju (Hàn Quốc), Công viên Quốc gia Komodo (Indonesia), Dòng sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và Núi Bàn (Nam Phi). Khán giả sẽ cảm nhận niềm vui của 6 quốc gia có địa danh được công nhận là Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới qua 6 tiết mục nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa truyền thống của các nước.

Khép lại 90 phút đầy cảm xúc là màn kết hoành tráng Hạ Long - Kỳ quan thế giới (Lời: Hoàng Tuấn Anh; âm nhạc: Đức Trịnh; biên đạo: NSND Anh Phương, NSƯT Lê Kiều Như; NSƯT Hồng Phong) với phần biểu diễn của 200 hợp xướng; 750 vận động viên và 150 nghệ sĩ múa.

Sẽ lại có một đêm mất ngủ với nhiều trái tim Việt đập cùng niềm vui chiến thắng của Vịnh Hạ Long. Trước VN, những người dân Philippines cũng có một đêm mất ngủ như thế khi Lễ công bố Dòng sông ngầm Puerto Princesa trở thành Kỳ quan Thiên nhiên mới thế giới được chính thức công bố tại thủ đô của nước này (21.4). Và sau VN, 5 quốc gia có địa danh được công nhận là Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới sẽ tổ chức đón nhận danh hiệu trong tháng 5.2012.

Từng tham gia vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, vui mừng đến nghẹt thở khi biết Vịnh Hạ Long chính thức trở thành Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới, tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của sự kiện Lễ công bố trong sự quan tâm và đón nhận của hàng triệu người VN và bạn bè khắp thế giới. Trong suốt 4 năm, người dân VN đã bền bỉ vượt qua rất nhiều khó khăn để tôn vinh danh thắng của Tổ quốc mình, nỗ lực ấy cần được ghi nhận và đền đáp bằng một chương trình nghệ thuật đặc biệt. Và trong suốt nhiều ngày nay, hơn 2000 nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, vận động viên đã dốc sức để thực hiện “lời cảm ơn” bằng nghệ thuật này. (NSND Trần Bình)

Theo Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm